Vì sao nhà ở xã hội vẫn chậm phát triển?

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến nay, nhà ở xã hội (NƠXH) của Việt Nam chỉ mới thực hiện được khoảng 33% kế hoạch đã đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 - chưa đạt được như kỳ vọng vì thiếu vốn.

Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh tại hội thảo khởi động dự án "Xây dựng chính sách tổng thể NƠXH tại Việt Nam giai đoạn 2021- 2030" do Bộ Xây dựng và Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc Việt Nam (KOICA) phối hợp tổ chức, sáng 21/2 tại Hà Nội.
Toàn cảnh Hội thảo khởi động dự án ''Xây dựng chính sách tổng thể NƠXH tại Việt Nam giai đoạn 2021- 2030''.
Theo số liệu tổng hợp của Bộ Xây dựng, nhu cầu NƠXH trong toàn quốc giai đoạn từ năm 2011-2020 cần khoảng 440.000 căn hộ. Trong đó, TP Hồ Chí Minh khoảng 134.000 căn; Hà Nội khoảng 110.000 căn; Bình Dương 41.250 căn; Đồng Nai 36.700 căn; Đà Nẵng 11.500 căn... Thế nhưng kết quả thực hiện của các địa phương, đến nay chỉ mới thực hiện (hoàn thành bàn giao 198 dự án với 81.700 căn hộ, tương đương 4.085.000 m2 sàn nhà ở) được khoảng 33% kế hoạch đã đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 cần có 12,5 triệu m2 NƠXH.
Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, nhưng kết quả phát triển NƠXH vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Nguyên nhân được Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh thẳng thắn chia sẻ, là do nguồn vốn đầu tư phát triển NƠXH còn hạn chế; chính quyền một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đối với việc phát triển NƠXH, nhất là việc bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội; các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chưa mặn mà trong việc đầu tư các dự án nhà ở xã hội; mức thu nhập của người dân vẫn còn thấp và tâm lý của người dân vẫn chỉ muốn mua để có sở hữu, không muốn thuê nhà ở và do một số cơ chế chính sách chưa phù hợp thực tế.
“Mặc dù theo quy định của pháp luật về nhà ở thì ngân sách Nhà nước sẽ cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng và Ngân hàng chính sách xã hội khi thực hiện chính sách hỗ trợ NƠXH. Nhưng trên thực tế việc cân đối nguồn vốn ngân sách cho phát triển NƠXH đang gặp nhiều khó khăn.
Sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã giải ngân hết từ tháng 6/2016, đến nay ngân sách nhà nước mới bố trí được cho Ngân hàng Chính sách xã hội khoảng gần 1.300 tỷ đồng cho cả giai đoạn 2018-2020, chỉ bằng 13% so với yêu cầu của Ngân hàng Chính sách xã hội; riêng năm 2018, Ngân hàng Chính sách xã hội mới chỉ được giao 500 tỷ đồng. Còn các tổ chức tín dụng khác vẫn chưa được bố trí nguồn vốn cấp bù lãi suất để cho vay”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết.
Trao đổi về vấn đề này với báo Kinh tế& Đô thị, Chủ tịch hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho rằng, Nghị định 100/2015/NĐ-CP, tại Khoản 2 Điều 33 quy định "Trong giai đoạn 2015-2020, Ngân hàng Chính sách xã hội chưa thực hiện cho vay đối với các đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 15 của Nghị định này", Khoản 1 Điều 15 bao gồm các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội. Quy định này của Chính phủ trên thực tế là chưa thực hiện Khoản (1.c) Điều 58 Luật Nhà ở 2014 quy định chủ đầu tư dự án NƠXH "được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam". Do vậy, đã dẫn đến tình trạng nhiều chủ đầu tư dự án NƠXH đang xây dựng dở dang không được tiếp tục vay để hoàn thành dự án, nhiều người vay mua nhà ở xã hội nhưng chưa được nhận nhà trong năm 2016 cũng không còn được tiếp tục vay ưu đãi, mà phải chuyển sang vay thương mại nên cả chủ đầu tư dự án và người vay mua nhà ở xã hội gặp rất nhiều khó khăn.
“Vì vậy, Hiệp hội đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét phân bổ nguồn vốn ngân sách cho cả 4 tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước chỉ định, gồm có Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank, là những ngân hàng chủ lực đã tham gia thực hiện chính sách cho vay ưu đãi các đối tượng thụ hưởng NƠXH theo Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ, chứ không phải chỉ có Ngân hàng Chính sách xã hội” , ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh.
Theo Tiến sĩ Moon Hyogon - Giám đốc dự án PMC xây dựng chính sách tổng thể NƠXH Việt Nam, Việt Nam cần áp dụng một hệ thống tài chính nhà ở bền vững vì nhu cầu này đang gia tăng. Ông cũng cho rằng, để cung cấp một lượng NƠXH lớn cần phải sử dụng cả nguồn tài chính tư nhân và vốn nước ngoài. Hơn nữa, cải thiện hiệu quả các chính sách NƠXH đòi hỏi phải có số liệu thống kê chính xác nhu cầu và quản lý lượng cung. Cần phân chia vai trò giữa khu vực công và tư nhân để đảm bảo cung cấp NƠXH phù hợp.