Nhà thơ Hữu Thỉnh xin rút khỏi Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa mới

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 24/11, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam khoá X (nhiệm kỳ 2020 - 2025) với sự tham gia của hơn 500 văn sĩ cả nước. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khóa IX xin rút khỏi Ban chấp hành khóa mới.

Nhà thơ Hữu Thỉnh xin rút khỏi Ban chấp hành

Trong danh sách 11 ứng cử viên do ban chấp hành khóa IX đề cử để bầu vào ban chấp hành khóa mới không có đương kim Chủ tịch Hội Nhà văn Hữu Thỉnh cùng hai người khác trong ban chấp hành khóa IX là nhà văn Nguyễn Trí Huân và nhà văn Trần Văn Tuấn. Nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết ông xin rút không tham gia vào ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa mới.
 Toàn cảnh Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam khoá X.

Trao đổi với báo chí, nhà thơ Hữu Thỉnh chia sẻ: “Anh em rất quý, tín nhiệm, vẫn bầu với số phiếu cao nhất trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ở đại hội cơ sở và mình làm vì anh em nhưng tuổi cao, nhiều người lại nói mình tham quyền cố vị nên tôi xin rút. Mình còn phải dành thời gian tốt đẹp còn lại cho mình, lúc còn tỉnh táo thì dành thời gian đó sáng tác”.

Tại Đại hội, chia sẻ về kỳ vọng với Ban chấp hành Hội Nhà văn nhiệm kỳ tới, nhà văn Võ Khắc Nghiêm bày tỏ: “Tôi kỳ vọng phải có được một số đổi mới, ví dụ vai trò của nhà văn, theo tôi không gọi là thẻ hội viên mà nên gọi là thẻ hành nghề nhà văn. Có 2 vạn nhà báo mà chỉ có 1 nghìn nhà văn. Phải tạo được uy tín trong xã hội bằng thẻ hành nghề của mình”. Đồng thời, nhà văn Võ Khắc Nghiêm mong muốn, người vào Ban chấp hành phải biết tổ chức, biết điều hành và phải có tấm lòng với hội viên, lo cho các hội viên.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ kỳ vọng, Ban chấp hành mới phải thay đổi một số vấn đề, quyền lợi của hội viên phải được chú ý hơn. Những người cao tuổi nhưng vẫn còn đau đáu với văn học nước nhà, kể cả 68 -70 tuổi cũng không ngần ngại kết nạp họ vào Hội Nhà văn Việt Nam. Bởi, họ là lực lượng còn lại của dòng văn học cách mạng. Cho nên, ngoài việc kết nạp hội viên trẻ để thay da đổi thịt, bắt kịp với đời sống xã hội có những tác phẩm phản ánh đời sống hiện thực thì vẫn cần chú ý đội ngũ nhà văn cao tuổi.

Đồng thời, hầu hết văn sĩ mong muốn, Đại hội chọn được người biết làm việc, dám tận tuỵ để đưa đất nước lên đôi vai, để quyền lợi của Hội Nhà văn Việt Nam tiếp tục dòng chảy của văn học cách mạng thích hợp với tình hình mới, biến động mới; đoàn kết, tập hợp mọi tài năng văn học, góp phần xứng đang xây dựng văn hóa, xây dựng con người, thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của đất nước.

Diện mạo mới của văn học

Theo báo cáo trình bày tại Đại hội, trong 5 năm qua, văn sĩ cả nước đã có nhiều đổi mới trong tư duy văn học, đề tài, chủ đề, phương pháp sáng tác, đem đến một diện mạo văn học đa dạng phong phú, nhiều tìm tòi thể nghiệm cái mới. Tự do sáng tác được tôn trọng, xu hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo, nâng cao tính chuyên nghiệp trong mọi hoạt động đang thu hút nghị lực và tâm huyết của đông đảo nhà văn hiện nay. Vì vậy, số sách xuất bản của Hội trong 5 năm qua tiếp tục tăng.

Tuy nhiên, Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: “Số sách ăn khách nhất là truyện ngôn tình và thuần túy mang tính giải trí. Sách lý luận phê bình và thơ hầu như chỉ lưu hành trong giới. Đó là hiện tượng đáng suy nghĩ. Nguyên nhân chính là do áp lực của văn hóa nghe nhìn và văn học mạng”. Trong tình hình khó khăn đó, văn sĩ cả nước đã phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức các buổi ra mắt sách nhằm thu hút bạn đọc. Đồng thời, Hà Nội và TP.HCM tổ chức các phố sách đã góp phần đáng kể đưa tác phẩm đến công chúng. Mặt dù vậy, nhà thơ Hữu Thỉnh khách quan nhìn nhận: “Dù có nhiều đổi mới về tư duy văn học nhưng tình trạng trung bình, tản mạn còn khá phố biến, tính chuyên nghiệp chưa cao. Bên cạnh đó việc tiếp thu các trào lưu nghệ thuật của nước ngoài được mở rộng nhưng chưa có sự chọn lọc, nghiền ngẫm sâu sắc”.

Về công tác hội nhập quốc tế, hoạt động tiêu biểu của Hội Nhà văn Việt Nam là việc tổ chức thành công Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam lần thứ 4 và Liên hoan thơ quốc tế lần thứ 3 với gần 200 đại biểu đến từ 51 quốc gia. Hoạt động văn học dịch cũng sôi động trong 5 năm qua. Nhưng theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiếu – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: “Cho dù lượng đầu sách dịch và giới thiệu ra thế giới tăng lên, nhưng chưa thực hiện được dự án dịch và giới thiệu nền văn học Việt Nam ra thế giới một cách đầy đủ và có hệ thống thường xuyên”.

Theo báo cáo của Ban Kiểm tra Hội Nhà văn Việt Nam, trong nhiệm kỳ, Ban đã nhận và xử lý 20 trường hợp đơn, thư tố cáo, khiếu nại và báo cáo phản ánh của hội viên và bạn đọc ở địa phương, đơn vị. Các đơn thư phản ánh tập trung vào một vấn đề như: Tố cáo hội viên vi phạm tư cách đạo đức, gây mất đoàn kết nội bộ, đạo văn; phản ảnh một về một số cuốn sách có sai sót về chính trị, chuyên môn, cần phải xem xét trách nhiệm của người viết, người biên tập và lãnh đạo Nhà xuất bản; việc kết nạp hội viên không đảm bảo chất lượng, hoặc ngược lại là người xứng đáng nhưng không được vào hội; dư luận lùm xùm qua việc xét và trao giải thưởng của Hội Nhà văn đối với một số tác phẩm; qua việc xuất bản một vài cuốn sách có sơ hở về chính trị, non kém về chuyên môn, học thuật.