Nhà văn, nhà biên kịch Lê Phương và Tình yêu cổ tích

Lê Anh Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Vừa xong lễ 49 ngày của chồng (nhạc sĩ Hồng Đăng), tôi vội vã đến thăm ông – nhà văn, nhà biên kịch Lê Phương. Nằm thiêm thiếp trong căn phòng như bệnh viên thu nhỏ với chằng chịt máy móc, dây, ống; thấy tiếng người, ông hé mắt nhìn tôi, đôi mắt muốn nói.

Tôi nắm tay ông, nói câu đùa quen thuộc để khỏa lấp nước mắt. Thương ông, thương người phụ nữ yêu ông tận tâm và dâng hiến đang hoang mang trước ngưỡng chia tay.

Khi về già, nhà văn, nhà viết kịch Lê Phương được vợ - nhà viết kịch Trịnh Thanh Nhã tận tâm chăm sóc.
Khi về già, nhà văn, nhà viết kịch Lê Phương được vợ - nhà viết kịch Trịnh Thanh Nhã tận tâm chăm sóc.

Cặp đôi Lê Phương- Trịnh Thanh Nhã gặp nhau khi kịch bản tốt nghiệp Truyện cổ tích dành cho tuổi 17 của bà được ông hướng dẫn và đưa vào sản xuất. Họ yêu nhau, đến với nhau thành cặp biên kịch hết sức ăn ý. Người phụ nữ tưởng như mạnh mẽ, quyết đoán, ăn sóng nói gió hoàn toàn bị tình yêu khuất phục. Tinh yêu đi qua hết thời tuổi trẻ cho đến khi ông ngày một yếu- chống gậy, ngồi xe lăn rồi nằm bệnh viện nhiều hơn ở nhà- lúc nào chị cũng chăm ông như chăm đứa trẻ lười ăn, ham chơi. Chuyện tình cổ tích hơn 30 năm của họ đầy sóng gió, đầy yêu thương và ngập tràn hạnh phúc.

Cố nhạc sĩ Hồng Đăng (bên trái) và cố nhà văn, nhà viết kịch Lê Phương (bên phải) vẫn thường xuyên thăm nom, trò chuyện khi sức khỏe cho phép.
Cố nhạc sĩ Hồng Đăng (bên trái) và cố nhà văn, nhà viết kịch Lê Phương (bên phải) vẫn thường xuyên thăm nom, trò chuyện khi sức khỏe cho phép.

Nhà văn Lê Phương và chồng tôi- nhạc sĩ Hồng Đăng- chơi với nhau từ những ngày đầu giải phóng Thủ đô. Nhóm văn nghệ sĩ trẻ ở nhiều lĩnh vực: Khánh Dư (quay phim), Lưu Công Nhân (họa sĩ), Trần Quốc Vượng (sử học), Lê Phương, Chu Phú, Chính Yên (nhà báo)...  lúc ấy tụ thành một nhóm đầy khát vọng sáng tạo, tìm tòi.

Anh lính trẻ Nguyễn Văn Tiến từng máu mê trinh thám, phiêu lưu từng hoạt động đặc tình chuyển sang làm báo nổi tiếng với bút danh Lê Phương rồi trình làng văn chương tiểu thuyết Bất khuất. Chất trinh thám, phiêu lưu tạo cho cuốn tiểu thuyết sức hấp dẫn đặc biệt với người đọc thời kỳ ấy. Trong 15 năm, ông ra đời liên tục bảy cuốn tiểu thuyết trong đó Thung lũng Cô tan gây xôn xao văn đàn. Bảy cuốn tiểu thuyết ở bảy lĩnh vực khác nhau định danh Lê Phương- nhà văn ăn khách, tiểu thuyết của ông tái bản nhiều lần. Ông chẳng quan tâm sách mình được in bao nhiêu, tái bản mấy lần, ông kể thỉnh thoảng ra hiệu sách thấy sách mình tái bản.

Máu phiêu lưu đẩy ông sang với điện ảnh bởi chán đời sống công chức ngày ngày 8 tiếng chôn chân trong văn phòng. Và đến với điện ảnh, ông cũng để lại những dấu ấn không nhỏ. Ông là tác giả kịch bản của nhiều bộ phim ăn khách. Những bộ phim do ông viết kịch bản như Nơi gặp của tình yêu, Câu lạc bộ không tên, Đêm hội Long trì, Cơn lốc biển, Biệt động Sài gòn 4 tập (cùng với Nguyễn Thanh)... đã một thời làm mưa làm gió phòng vé các rạp phim trên toàn quốc.

Cuộc phiêu lưu với điện ảnh cho ông thỏa chí giang hồ xê dịch, cho ông bà Nhã, người bạn đời yêu và tôn thờ ông vô điều kiện, cho ông nhiều đàn em là những nhà biên kịch như Dương Thu Hương, Hoàng Nhuận Cầm, Đỗ trí Hùng, Đặng Huy Quyển..., nhà quay phim Trần Hùng luôn tôn ông làm Đại ca.

Làm việc hết mình, cũng rong chơi hết mình, ông quảng giao và được bạn bè yêu mến. Bạn thân của bà Nhã, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, nhà báo Chu Thu Hằng, nhà biên kịch Phương Lan nhận là các bà ba, tư năm cùng gọi bà Nhã là chị Hai, ông bà như gia đình thứ hai của họ. Đêm 14/5 trang Facebook của nhà văn Thu Huệ đăng "Tối nay, bốn chị em Trịnh Thanh Nhã, Chu Thu Hằng, Phương Lan tiễn ông- nhà văn, nhà biên kịch Lê Phương đi chơi xa một chuyến dài thật dài…

Ông yên tâm nhé, ba chị em em sẽ luôn bên cạnh chị Nhã, vì chúng ta luôn là một gia đình ông nhỉ. Giờ thì ông tha hồ rong chơi như bao năm nay, nhất là nơi ấy có quá nhiều bạn quý

Mấy chị em chào ông, con người  tài hoa, trí tuệ sống trọn đời với đam mê và tình yêu dành người bạn đời vĩ đại Trịnh Thanh Nhã."

Ông đã sống và ra đi thật hạnh phúc giữa vòng tay những người thương yêu. Vĩnh biệt ông.

 

Nhà văn Lê Phương tên thật là Nguyễn Văn Tiến, sinh năm 1933 tại làng Thiết Úng, thôn Vân Hà, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Ông tham gia quân đội năm 16 tuổi. Ông là tác giả các tiểu thuyết: Bất khuất ( về vùng mỏ), Pháo đài 44 (về các chiến sĩ pháo cao xạ bảo vệ cầu Hàm Rồng, 1965); Thung lũng Cô Tan (địa chất, 1973); Bạch Đàn (lâm nghiệp, 1975); Ngã Ba thời gian (thuỷ lợi, 1978); rồi Bông mai mùa lạnh, Vết xích đường mòn…, các kịch bản điện ảnh: Nơi gặp của tình yêu, Biệt động Sài Gòn, Câu lạc bộ không tên... và các kịch bản truyền hình: Giọt nước mắt giữa hai thế kỷ, Sống mãi với Thủ đô, Con nhện xanh, Ngã ba thời gian…