Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong - Một huyền thoại dân ca xứ Nghệ

An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 24/9, tại báo Kinh tế & Đô thị, Nhà xuất bản Văn học đã tổ chức lễ ra mắt và giới thiệu tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong: Tác phẩm - tác giả”. Nói đến nền sân khấu truyền thống Nghệ - Tĩnh, nhất là quá trình hình thành và phát triển kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh, người ta không thể không nói đến nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong (1929 - 1990) nguyên là Phó ty Văn hóa tỉnh Nghệ An, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Nghệ Tĩnh.

TS Nguyễn Anh Vũ - Giám đốc Nhà xuất bản Văn học phát biểu tại lễ giới thiệu sách. Ảnh: Lại Tấn
Một con người của công chúng
Nói đến Nguyễn Trung Phong, người ta không thể không nhắc đến vở chèo nổi tiếng “Cô gái sông Lam” và làn điệu “Giận mà thương”. Đây là làn điệu cả nước biết đến và nhầm tưởng là dân ca cổ. Ít ai biết rằng, tác giả biên kịch Nguyễn Trung Phong xuất thân chỉ là anh nông dân sinh ra ở vùng quê nghèo (Diễn Minh, Diễn Châu, Nghệ An).

Ngày 19/10/2019, tại TP Vinh (Nghệ An), Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam phối hợp cùng Sở VH&TT Nghệ An tổ chức Hội thảo khoa học “Vai trò Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong với nền kịch hát dân ca Ví - Giặm”. Tại hội thảo, các tham luận đã đề cập nhiều góc nhìn khác nhau về sự nghiệp nghệ thuật của Nguyễn Trung Phong, với nhiều tác phẩm, trong đó có thể kể đến như: Vở chèo “Nhắc lại” (1952), giải Nhất Hội diễn tỉnh Nghệ An; “Tấc đất, tấc vàng” (1956); “Chị Thảo” (1968); “Khi ban đội đi vắng” (1969); “Hạt lúa quê ta” (1970), Huy chương Bạc Hội diễn sân khấu toàn quốc; “Vẫn còn ra trận” (1976); “Một cuộc đời”(1980), tham dự Hội diễn sân khấu toàn quốc 1980; “Ngọn lửa không bao giờ tắt” (1981); “Giữa vụ cày” (1983), Huy chương Vàng Hội diễn sân khấu Nghệ Tĩnh; “Nhóm sản xuất đồng chí Liêm” (1986).

Đặc biệt, vở chèo “Cô gái sông Lam” với 5 màn diễn đặc sắc đã đưa sân khấu chèo Nghệ An lên một tầm cao mới. Vở diễn đã giành 3 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1962. Đặc biệt, tối 27/5/1962 đích thân Bác Hồ đã mời Đoàn chèo Nghệ An ra Phủ Chủ tịch công diễn. Sau buổi diễn, Bác đã tặng huy chương của Người cho các nghệ sĩ tham gia. Về âm nhạc, dù không phải là một nhạc sĩ nhưng Nguyễn Trung Phong đã để lại cho đời làn điệu “Giận mà thương” bất hủ. Đến nay, đã có hàng trăm phiên bản “Giận mà thương”, nổi tiếng nhất phải kể đến nhạc phẩm “Trông cây lại nhớ đến Người” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Với nhiều góc nhìn khác nhau nhưng mọi người đều thống nhất vai trò to lớn của ông đã góp phần quan trọng vào kho tàng dân ca, ví giặm xứ Nghệ để năm 2014, UNESCO vinh danh dân ca ví, giặm Nghệ - Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ông đã đi vào kịch hát dân ca Nghệ - Tĩnh như là một huyền thoại, một con người của công chúng.

Thể theo nguyện vọng của đông đảo những người yêu dân ca ví giặm xứ Nghệ, những công chúng yêu quý ông Nguyễn Trung Phong và cũng là nguyện vọng của gia đình, mọi người thấy cần thiết phải có những ấn phẩm đủ tầm vóc để khẳng định rõ vai trò của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong. Và tất thảy đều mong muốn đặt ông vào vị trí xứng tầm của sân khấu nước nhà.

Phải mất 2 năm sưu tầm, tuyển chọn, nhà báo Nguyễn Minh Đức và nhà thơ Nguyễn Trung Hợi là bậc cháu con của cụ đã cho ra mắt bạn đọc 8 tác phẩm xuất sắc cùng 29 bài viết. Đây là tập hợp các bài viết của các nhà lý luận phê bình, nhạc sĩ, nhà viết kịch, nhà nghiên cứu sân khấu, nhà báo, nhà quản lý văn hóa, nghệ sĩ. Với khâu tổ chức bản thảo khá dày công, Nhà xuất bản Văn học đã cho ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong: Tác phẩm - tác giả” dày 559 trang.
  Tác phẩm ''Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong: Tác phẩm - tác giả'' dày 559 trang
Giá trị thời sự vẫn còn nguyên

Tại buổi ra mắt cuốn sách, khi các khách mời được xem phóng sự “Nguyễn Trung Phong - Huyền thoại của dân ca xứ Nghệ” do Đài Truyền hình Nghệ An và gia đình tổ chức thực hiện cách đây một năm, nhiều người đã nhận xét, rất nhiều tác phẩm là kịch bản sân khấu của ông viết cách đây hơn nửa thế kỷ nhưng vẫn còn nguyên giá trị thời sự cho đến ngày nay. Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức - chủ biên cuốn sách "Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong: Tác giả - tác phẩm" chia sẻ: “Các tác phẩm của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong đã khắc họa thành công hình tượng người chiến sĩ cách mạng những năm 1930 - 1931; khắc họa đời sống văn hóa tinh thần thời xây dựng chủ nghĩa xã hội;. Trong một số tác phẩm đã nhen nhóm xây dựng con người mới, trong một xã hội mới và đấu tranh cho cái cũ, nghèo nàn, lạc hậu. Với 3 đặc điểm như vậy, về âm nhạc, dân ca, tác giả Nguyễn Trung Phong chuyển thể từ dân ca dân gian lên chính kịch... Ông cũng là người dẫn dắt, đào tạo và tạo ra một thế hệ tài năng cho các văn nghệ sĩ xứ Nghệ”.

Khá nhiều nhà báo tham gia buổi ra mắt sách đề xuất cần phải làm lan tỏa những giá trị nghệ thuật vở sân khấu “Cô gái sông Lam”, làn điệu “Giận mà thương” và các tác phẩm của Nguyễn Trung Phong đến công chúng. Tuyển tập cho thấy nhiều tác phẩm của nhà biên kịch Nguyễn Trung Phong đã ra đời cách đây hơn nửa thế kỷ nhưng vẫn có giá trị đương đại, cần được quảng bá rộng rãi.

Nhiều nhà nghiên cứu khi viết về ông đã cho rằng, Nguyễn Trung Phong đã sống một cuộc đời nhiều cống hiến sáng tạo nhưng bản thân ông lại luôn lặng lẽ, giản dị, khiêm nhường. Cuộc đời sự nghiệp của Nguyễn Trung Phong có lẽ sinh ra để viết, ngoài những tác phẩm đã được công bố, hiện còn nhiều tác phẩm kịch bản chưa công bố và có những tác phẩm còn viết dở dang được lưu giữ tại gia đình. NSND Lê Tiến Thọ tin rằng, những đóng góp có giá trị của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong sẽ được nhìn nhận và tôn vinh xứng đáng với những giải thưởng cao quý của Nhà nước.
Với những đóng góp to lớn, nhất là quá trình hình thành và phát triển kịch hát dân ca Nghệ -Tĩnh, nhà biên kịch Nguyễn Trung Phong hoàn toàn xứng đáng được tặng giải thưởng cao quý của Nhà nước. Tác phẩm “Cô gái sông Lam” gây được tiếng vang từ năm 1962 vì có đủ 3 yếu tố của một vở diễn sân khấu hay, đó là tính chất tự sự, trữ tình và kịch tích. Chính vì điều đó nên ngay Liên hoan sân khấu lần đầu tiên của miền Bắc vở diễn đã được tặng thưởng 4 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc, một thành tích đặc biệt thời bấy giờ.

NSND Tiến Thọ - nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam
Phải đến khi tham gia biên tập cuốn sách, tôi mới biết ông Nguyễn Trung Phong là tác giả của ca khúc đậm chất ví giặm “Giận mà thương”. Khi nghiên cứu về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong mới biết ông có một khối lượng sáng tác đồ sộ. Tác phẩm này tuy đã dày 559 trang nhưng vẫn còn quá khiêm tốn và nên chăng gia đình cần tiếp tục sưu tầm, tuyển chọn các tuyển tập tiếp theo.

TS Nguyễn Anh Vũ - Giám đốc Nhà xuất bản Văn học