Bê bối Choigate: Nhân chứng tin bà Park chỉ đạo can thiệp quỹ phi lợi nhuận

Hà Phương (Theo Yonhap)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Tòa án Hiến pháp tiếp tục phiên điều trần thứ 11 xung quanh vụ bê bối tham nhũng liên quan đến Tổng thống Hàn Quốc.

Giới truyền thông đưa tin, Tòa án Hiếp pháp Hàn Quốc đã triệu tập 3 nhân chứng, song chỉ có hai người xuất hiện. Trong khi, nhân chứng thứ 3 là ông Kim Ki-choon, cựu Chánh văn phòng phủ Tổng thống – một trong những nhân chứng quan trọng trong vụ bê bối tham nhũng đã gửi đơn lên Tòa án Hiếp pháp xin phép vắng mặt, với lý do sức khỏe yếu.

 Cựu Tổng thư ký của quỹ K-Sports Jeong Hyun-sik có mặt trong phiên điều trần.

Theo đó, một trong hai nhân chứng là cựu Tổng thư ký của quỹ K-Sports Jeong Hyun-sik đã xuất hiện trước phiên điều trần để làm rõ về cáo buộc bà Choi Soon-sil, bạn thân Tổng thống Hàn Quốc gây sức ép, buộc các tập đoàn lớn ủng hộ một khoản tiền lớn cho hai quỹ phi lợi nhuận Mir và K-Sports do bà Choi sáng lập. Trước đó, Nhóm công tố viên đặc biệt cũng cáo buộc, Tổng thống Park Geun-hye đã thông đồng với bà Choi để buộc các tập đoàn ủng hộ tiền.

Trước những câu hỏi từ phía Tòa án Hiến pháp, cựu Tổng thư ký của quỹ K-Sports cho biết, bà Choi Soon-sil không hề có tên trong danh sách ban giám đốc của hai quỹ phi lợi nhuận. Đồng thời tuyên bố, cựu Thư ký cấp cao của Tổng thống Hàn Quốc, ông Ahn Chong Bum là người trực tiếp phối hợp thực hiện các chính sách, cũng như tham gia sâu vào công việc của hai quỹ phi lợi nhuận. Cựu Tổng thư ký của quỹ K-Sports tin rằng, ông Ahn làm theo yêu cầu của Tổng thống Park Geun-hye.

Cũng trong phiên điều trần của Tòa án Hiến pháp, cựu Bộ trưởng Văn hóa Kim Jong-deok dự kiến sẽ xuất hiện để tiến hành trả lời câu hỏi về những cáo buộc Tổng thống Hàn Quốc có liên quan đến việc thành lập “danh sách đen” các nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa. Cùng ngày, Tòa án Hiến pháp sẽ đưa ra quyết định có thông qua yêu cầu triệu tập 15 – 17 nhân chứng từ phía đại diện pháp lý của Tổng thống Hàn Quốc để chuẩn bị cho phiên điều trần tới.

Giới chuyên gia nhận định, nếu Tòa án Hiến pháp thông qua yêu cầu trên, có thể vượt quá kỳ hạn hoàn tất vụ luận tội trước ngày 13/3, với lý do bà Lee Jung-mi, thẩm phán Tòa án Hiến pháp sẽ hết nhiệm kỳ vào ngày này. Trong khi đó, để thông qua việc luận tội Tổng thống Hàn Quốc cần có sự xác nhận của ít nhất 6 thẩm phán.

Trong diễn biến liên quan, giới truyền thông cho hay, vụ bê bối tham nhũng liên quan đến bà Park Geun-hye đã giúp cho đảng đối lập lớn nhất Hàn Quốc được hưởng lợi lớn, với tỷ lệ ủng hộ áp đảo từ công chúng. Theo công bố kết quả cuộc thăm dò dư luận gần đây do hãng thông tấn Yonhap phối hợp cùng đài KBS thực hiện, đảng Dân chủ Đồng hành đã giành được mức ủng hộ có tỷ lệ 43%. Đây là mức áp đảo mà đảng đối lập lớn nhất của Hàn Quốc giành được trước các đối thủ khác. Trong khi đó, đứng ở vị trí thứ hai là đảng cầm quyền Saenuri của bà Park, với chỉ 12,5% số phiếu ủng hộ.