Nhận diện để kiểm soát

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự thảo Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ vừa được Ban Tổ chức T.Ư lấy ý kiến hoàn thiện nhận được nhiều sự quan tâm từ dư luận.

Ban Tổ chức T.Ư tổ chức Hội nghị góp ý vào Dự thảo Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ, ngày 10/10.
Với 8 cơ chế kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, 19 hành vi chạy chức, chạy quyền (5 hành vi của người chạy và 14 hành vi của người được chạy, kể cả hành vi tập thể và cá nhân) được nhận diện, Dự thảo Quy định lần này chắc chắn sẽ tạo nên những bước đột phá ngăn ngừa các nguy cơ “tha hóa” quyền lực đang hiện hữu.
Làm sao để quyền lực được kiểm soát một cách chặt chẽ, “nhốt” quyền lực vào trong cơ chế, thể chế, để quyền lực không bị tha hóa, không dẫn đến chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, tiêu cực. Đó là vấn đề liên tục được đặt ra trong những năm vừa qua.
Nhưng thực tế, dù T.Ư đã có rất nhiều quy định chặt chẽ liên quan đến công tác bổ nhiệm, đánh giá cán bộ, nhưng tình trạng lạm quyền, thao túng trong công tác cán bộ, sử dụng quyền lực được giao để thực hiện mục đích cá nhân, dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ vẫn chậm được ngăn chặn. Nếu như trước đây việc chạy chức, chạy quyền thường diễn ra ở một hoặc một số đối tượng, thì nay, việc "chạy" diễn ra phổ biến hơn, xuyên đến tầng sâu, tràn qua nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều đối tượng, kết nối thành bè cánh, phe nhóm... hết sức tinh vi, bài bản, không dễ nhận diện.
Những câu chuyện về việc đề bạt, cất nhắc người nhà, người thân quen mặc dù không đủ tiêu chuẩn; rồi bổ nhiệm đúng quy trình nhưng lại không đúng người… liên tục được phát hiện khiến dư luận không khỏi băn khoăn. Nhiều vụ án lớn về kinh tế, tham nhũng đã và đang được xử lý gần đây cũng cho thấy những người nắm quyền lực trong tay đã lợi dụng để chi phối, tư lợi. Dù nhiều cá nhân, thậm chí cán bộ cấp cao đã bị pháp luật xử lý, nhưng sự cám dỗ của quyền lực vẫn rất khó từ bỏ. Trong khi đó lại chưa có cơ chế để kiểm soát, chống chạy chức, chạy quyền thực sự hiệu quả.
“Mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ, quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao, trách nhiệm càng lớn; ngăn ngừa tận gốc những sai phạm, khuyết điểm một cách căn cơ, bài bản bằng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước”, đó là quan điểm được nhấn mạnh khi Dự thảo Quy định được xây dựng.
Dự thảo lần này được đánh giá cao bởi sự công phu, kỹ lưỡng, ngoài cơ chế kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, nhận diện các hành vi chạy chức, chạy quyền, Dự thảo còn quy định 6 cách thức phát hiện hành vi chạy chức, chạy quyền về việc kiểm tra, kết luận, xử lý hành vi chạy chức, chạy quyền.
Cùng với các quy định khác liên quan đến công tác cán bộ đã được ban hành, có thể nói, những quy định này chính là “cẩm nang” cần thiết cho các cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát các hành vi vi phạm.
Bởi để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền thì cần phải nhận diện rõ chạy ở cấp nào, ở mắt xích nào, không thể chung chung. Và cùng với hoàn thiện cơ chế để giám sát, kiểm soát quyền lực, cũng cần khắc phục những hạn chế, lỗ hổng trong công tác cán bộ, hướng tới 4 không: Không thể “chạy”; không dám “chạy”; không cần “chạy” và không muốn “chạy”. Đồng thời, đề cao phương thức quan trọng khác là công khai minh bạch những vấn đề liên quan đến những người nắm quyền lực cũng như vợ, chồng, con cái, anh, em, người nhà của họ, nhất là thu nhập, tài sản.... Đó cũng là một “cơ chế” khác để nhận diện và kiểm soát quyền lực.