Nhận diện kinh tế Việt Nam 2019: Hội nhập vẫn là xu hướng chủ đạo

Nam Bắc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại chương trình “Nhận diện kinh tế Việt Nam 2019 và khả năng thích ứng của doanh nghiệp” diễn ra mới đây do báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức, các chuyên gia cho rằng: Năm 2019, xu hướng hội nhập vẫn là xu hướng chủ đạo. Bên cạnh đó, các DN cần xây dựng mô hình hoạt động gắn liền với nền kinh tế số và chọn phát triển theo hướng bền vững.

TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại tọa đàm.
3 xu hướng cho doanh nghiệp hiện đại
Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong bối cảnh kinh tế hiện nay, xu hướng quan trọng nhất của nền kinh tế vẫn là vấn đề hội nhập, mặc dù trong môi trường này có sự tranh chấp, đe dọa về thương mại nhưng xu hướng hội nhập vẫn là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới.
Thứ hai, đối với nền kinh tế số, DN phải hiểu cho đúng khái niệm về công nghệ 4.0. “Các văn kiện của APEC không ai nói đến 4.0, nhưng xu hướng chung hiện nay là kỷ nguyên số, kinh tế số, xã hội số. Trong nền kinh tế số, các DN hãy nghĩ đến những điều cụ thể, đơn giản nhất như việc cần có một địa chỉ trang web của DN mình, card của DN cần có địa chỉ các trang web để hội nhập kinh tế số,...
Các DN hãy đưa công nghệ số vào từng công việc cụ thể như việc quản trị vào kinh doanh. Nền kinh tế số là yếu tố quan trọng trong xu hướng cạnh tranh giữa các DN hiện nay. Kinh tế số cũng là điều rất quan trọng để các DN tạo ra được sự cạnh tranh công bằng với các doanh nghiệp lớn” - ông Vũ Tiến Lộc nói.
Thứ ba, DN phải hướng đến sự phát triển bền vững. Giá cả sản phẩm không quyết định được tất cả khi hiện nay các nhà bán hàng, các đối tác của các DN luôn có xu hướng chọn việc kinh doanh hàng hóa bảo đảm mang lại lợi ích cho cộng đồng, môi trường và mang lại lợi nhuận. Nếu DN đi ngược lại với các tiêu chí phát triển hàng hóa bền vững sẽ tạo ra những rào cản khi tham gia thương mại tự do. Các DN cần lưu ý đến các tiêu chí phát triển bền vững để đảm bảo tạo ra lợi nhuận bằng cách phụng sự xã hội, phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Chia sẻ thêm về những vấn đề của DN trong nền kinh tế hiện nay, ông Vũ Tiến Lộc cho biết, có một điều mà cộng đồng DN đang rất lạc quan, đó là mặc dù trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra khó lường, nhưng 51% DNcho biết sẽ mở rộng kinh doanh trong giai đoạn tới.
Hiện Việt Nam được biết đến là quán quân trong việc thu hút đầu tư nước ngoài trong 12 tháng tới. Với Hiệp định thương mại tự do được thông qua sẽ mở ra kỳ vọng không gian thị trường vô tận - cơ hội để DN tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thu hút đầu tư. Đây cũng là động lực để thúc đẩy Chính phủ, cộng đồng phát triển tới một môi trường kinh doanh công bằng. "Chỉ có môi trường kinh doanh cạnh tranh công bằng mới tạo ra điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp phát triển", ông Vũ Tiến Lộc nói.
Kinh tế Việt Nam sẽ không có nhiều thay đổi
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia kinh tế cũng đưa ra nhiều ý kiến nhận định về nền kinh tế 2019. Theo TS Đỗ Thiên Anh Tuấn - Giảng viên Fulbright Việt Nam: “Triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2019 sẽ không có nhiều thay đổi so với kinh tế 2018. Trong khi đó, chỉ tiêu của Quốc hội đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2019 tăng thêm 0,1% so với năm 2018. Nhìn vào chỉ tiêu và dự báo của các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế hay Ngân hàng Thế giới, chúng ta thấy năm 2018, bên cạnh những tăng trưởng trong nước đã thúc đẩy cải cách và môi trường kinh doanh tốt hơn.
Tuy nhiên, tốc độ suy giảm kinh tế toàn cầu chắc chắn sẽ góp phần làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019 sẽ không còn thuận lợi như 2018. Do vậy, cần sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của cộng đồng DN…”.
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn cho rằng, để phù hợp với bối cảnh kinh tế 2019, các DN cần có sự điều chỉnh kinh doanh sao cho phù hợp, nhất là các DN xuất nhập khẩu. Các DN sử dụng đòn bẩy tài chính cũng cần chú ý tới các khoản vay dài hạn, đặc biệt là những khoản vay lãi suất thả nổi. Với những DN vay bằng ngoại tệ mà không có nguồn thu ngoại tệ thì khả năng rủi ro cũng khá lớn... Do đó, DN cũng cần tăng cường năng lực quản trị tài chính, công cụ quản trị rủi ro, tái sinh… để phòng vệ cho những rủi ro tài chính có thể xảy ra. Các DN cũng nên tận dụng những cơ hội thương mại, trong đó có Hiệp định thương mại tự do CPTPP mà chúng ta chuẩn bị tham gia trong thời gian tới.
Ngoài ra, nói về giải giải pháp dài hạn, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần nhanh chóng cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư cho DN, đầu tư công nghệ cao. Thực tế, nếu không đầu tư vào năng lực công nghệ thì có lẽ các DN Việt sẽ bị bỏ lại ngoài lề của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.