Nhận diện rõ, quy định cụ thể để xử lý hành vi bạo lực gia đình

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sáng 8/9, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Các đại biểu cho rằng, cần làm rõ hơn khái niệm và các hành vi bạo lực gia đình, bảo đảm sự thống nhất với các Luật hiện hành.

Báo cáo một số vấn đề lớn về tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về quy định hành vi bạo lực gia đình, hầu hết các hành vi bạo lực gia đình đều được thể hiện dưới dạng cụ thể của bạo lực thể xác, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục hoặc bạo lực kinh tế. Tuy nhiên, có hành vi bạo lực tác động đến người bị bạo lực gia đình dưới dạng đan xen nhiều hình thức khác nhau, do vậy, nếu quy định khái quát thành 4 nhóm hành vi bạo lực gia đình thì có thể trùng lặp, bỏ sót hoặc không bao quát hết các hành vi bạo lực gia đình.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Quochoi.vn

Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị cho phép chỉnh lý Dự Luật theo hướng bổ sung quy định chủ tịch UBND cấp xã tự mình ra quyết định cấm tiếp xúc “khi có căn cứ hành vi bạo lực gia đình đe dọa tính mạng của người bị bạo lực gia đình, trừ trường hợp người bị bạo lực gia đình từ chối”.

Về việc bổ sung biện pháp “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng”, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, người có hành vi bạo lực gia đình thực hiện những công việc phục vụ lợi ích cho cộng đồng, xuất phát từ nhu cầu cộng đồng và do cộng đồng quyết định là cần thiết, không phải là lao động cưỡng bức.

Thảo luận về nội dung của Dự Luật, đại biểu Nguyễn Minh Đức (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị, dự thảo cần quy định rõ hơn khái niệm về bạo lực gia đình, theo hướng quy định bao hàm trọn vẹn, toàn bộ những hành vi được quy định trong Dự Luật; bảo đảm thống nhất với tất cả các hành vi quy định trong Bộ Luật Hình sự về những tội danh hành hạ, ngược đãi cha mẹ, vợ chồng, con cái, ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái, tội làm nhục người khác…

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Đức (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Đức (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quochoi.vn

Còn đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) nhận thấy, Dự Luật chưa thực sự chú trọng đến đối tượng trẻ em - đối tượng dễ bị bạo lực gia đình và thực tế hằng năm, số lượng trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình là rất lớn. Do đó đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo rà soát kỹ và có những quy định riêng phù hợp hơn với nạn nhân bạo lực gia đình là trẻ em, thống nhất với nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình là ưu tiên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực gia đình là trẻ em, phụ nữ có thai...

Đề cập đế quy định trong Dự Luật về việc “cưỡng ép thành viên gia đình học tập, lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính”, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn Ninh Bình) đề nghị, cần rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng quy định này để bảo đảm thống nhất với quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình về quyền và nghĩa vụ chăm sóc, giáo dục con cái của cha mẹ. Bên cạnh đó, cũng phải làm rõ khái niệm như thế nào là lao động quá sức, học tập quá sức và hậu quả của việc ép buộc này cụ thể như thế nào để tránh chồng chéo với các Luật hiện hành.

Đại biểu Quốc hộiTrần Thị Hồng Thanh (Đoàn Ninh Bình) phát biểu thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hộiTrần Thị Hồng Thanh (Đoàn Ninh Bình) phát biểu thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Nêu quan điểm cần kịp thời ngăn chặn các hành vi bạo lực gia đình, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, Dự Luật quy định báo cho trưởng thôn, người đứng đầu tổ chức chính trị xã hội của xã, sau đó Chủ tịch xã mới chỉ đạo thông báo cho lực lượng công an. Theo đại biểu, quy định như vậy sẽ mất nhiều thời gian, và có thể sẽ không ngăn chặn kịp thời hành vi bạo lực gia đình không. Do vậy Dự Luật cần cân nhắc lại quy định này, sửa đổi theo hướng khi nhận được tin báo cần can thiệp ngay, báo cho lực lượng công an để kịp thời ngăn chặn luôn, không nhất thiết phải theo trình tự như quy định của dự thảo Luật, tránh để xảy ra những hậu quả nghiêm trọng.