Nhận diện Vành đai 4: Động lực phát triển mới cho vùng Thủ đô

Hải Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vành đai 4 đi qua 14 huyện của 3 tỉnh, TP gồm: Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh, nhưng còn có 2 tỉnh khác có kết nối gần, trực tiếp hưởng lợi từ dự án là: Bắc Giang, Vĩnh Phúc. Khi tuyến đường hình thành sẽ thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của vùng Thủ đô, đó còn là động lực cho sự phát triển chung của cả nước.

Mạng lưới hạ tầng giao thông khung vùng Thủ đô (vành đai, hướng tâm).
Mở rộng liên kết vùng
Dự án đường Vành đai 4, kết nối vùng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2011 với chiều dài toàn tuyến khoảng 98km, đi qua 14 huyện của 3 tỉnh: Hà Nội (56,5km), Hưng Yên (20,3km) và Bắc Ninh (21,2km).

Hiện nay, tuyến đường Vành đai 3 đã cơ bản hoàn thành. Nhưng gần như ngay lập tức, tuyến đường này đã trở nên quá tải do nhu cầu vận chuyển hàng hóa, hành khách liên tỉnh trong Vùng Thủ đô, quá cảnh qua Hà Nội, cũng như nhu cầu nội tại của TP quá lớn. Các cửa ngõ, đầu mối giao thông ra vào TP; các nút giao giữa các trục hướng tâm với Vành đai 3 hiện nay thường xuyên UTGT, mà điển hình là khu vực cửa ngõ phía Nam TP. Trong bối cảnh đó, Vành đai 4 sẽ là tuyến liên vùng phục vụ kết nối giao thông giữa Hà Nội với các tỉnh thuộc vùng Thủ đô, giải quyết nhu cầu giao thông trực tiếp cho khu vực đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh của TP, phân giải mạnh mẽ áp lực cho Vành đai 3.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, tại Thông báo số 92/TB-VPCP ngày 3/5/2021 của Văn phòng Chính phủ Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo căn cứ tính hiệu quả để tập trung khẩn trương, nghiên cứu, đề xuất triển khai ngay các tuyến đường bộ cao tốc khác có nhu cầu cấp thiết được các địa phương, cử tri và đại biểu Quốc hội đề nghị trong thời gian vừa qua, trong đó có tuyến đường Vành đai 4, Vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội.

Đường Vành đai 4, đoạn qua Hà Nội dài 56,5km; điểm đầu khoảng Km3+695 trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đi theo hướng Tây - Nam giao với QL2, và tiếp tục qua Khu đô thị (KĐT) mới Mê Linh; vượt sông Hồng tại vị trí cầu Hồng Hà; giao với QL32 và cắt qua đại lộ Thăng Long tại Km12+600; giao cắt QL6; đi theo hướng Đông - Nam, giao QL1A và đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, vượt sông Hồng bằng cầu Mễ Sở, rồi giao với QL5.

Đoạn qua tỉnh Hưng Yên dài 20,3km; bắt đầu từ điểm giao QL5 tại Km17+900, cách trạm thu phí QL5 khoảng 150m về phía Hà Nội, và giao vượt qua đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, sau đó rẽ phải đi theo hướng Đông sang địa phận huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Đoạn qua tỉnh Bắc Ninh dài 21,2km; từ vị trí giáp ranh với tỉnh Hưng Yên, tuyến đi theo hướng Đông, rồi rẽ trái, giao QL38, tiếp tục theo hướng Bắc vượt sông Đuống tại trị cách cầu Hồ khoảng 1km về phía hạ lưu. Điểm cuối tuyến tại khoảng Km35+300 trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long, địa phận xã Nam Sơn, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.

Hai tỉnh có kết nối gần nhất, thuận tiện nhất với Vành đai 4 là Bắc Giang, theo hướng cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, và Vĩnh Phúc theo hướng cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, hiện Bắc Giang có kết nối giao thông rất cao với Hà Nội, nếu thêm đường Vành đai 4, sẽ mở rộng kết nối với cả vùng Thủ đô, thuận tiện cho giao thương đến cả các tỉnh như: Hưng Yên, Vĩnh Phúc... “Bắc Giang rất vui mừng phấn khởi và ủng hộ tuyệt đối Dự án” - ông Lê Ánh Dương nói.

10 năm ấp ủ

Phó Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở GTVT Hà Nội Phan Trường Thành cho biết, trong giai đoạn từ năm 2016 - 2020, đoạn tuyến Vành đai 4 nằm trên địa phận Hà Nội, và đoạn nối từ cầu Mễ Sở đến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thuộc địa bàn tỉnh Hưng Yên, đã có 3 nhà đầu tư đề xuất thực hiện 4 đoạn tuyến theo hình thức đối tác công tư PPP, loại Hợp đồng BT và BOT. Tuy nhiên, các dự án theo hình thức hợp đồng BT đã dừng triển khai thực hiện theo quy định mới, không còn hình thức hợp đồng BT. Các đoạn tuyến còn lại trên địa bàn các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh chưa được triển khai nghiên cứu đầu tư. “Vành đai 4 là dự án chiến lược, mang đến động lực vô cùng mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cũng phải sau 10 năm ấp ủ, đến nay, Hà Nội và các tỉnh liên quan mới có cơ hội hiện thực hóa” - ông Phan Trường Thành chia sẻ.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, dự án đã được giao cho một đơn vị của Bộ GTVT nghiên cứu và đưa ra hai phương án triển khai. Theo phương án xây dựng cao tốc đi bằng, cần nguồn vốn khoảng 105.000 tỷ đồng; theo phương án cao tốc đi trên cao, tổng mức đầu tư toàn tuyến vào khoảng 135.000 tỷ đồng, đã bao gồm 2 cầu lớn vượt sông Hồng là: Hồng Hà và Mễ Sở. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chia sẻ thêm: “Tuyến Vành đai 4 rất quan trọng, nó kết nối nhiều cụm công nghiệp, khu đô thị 5 tỉnh, TP của vùng Thủ đô. Nếu làm sớm vừa tiết kiệm được chi phí đầu tư, vừa phát huy tác dụng nhanh chóng với kinh tế - xã hội. Bởi vậy, tôi đánh giá rất cao quyết tâm của Hà Nội qua việc khẩn trương bàn cách triển khai dự án Vành đai 4 với các địa phương liên quan”.

Bộ trưởng Bộ GTVT cũng cho biết, trước mắt, theo kiến nghị của các địa phương, sẽ cần phải xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch hướng tuyến cho phù hợp với hiện trạng phát triển của các tỉnh, TP. Việc GPMB toàn dự án nên làm một lần dứt điểm. “Đặc biệt, việc xây dựng tuyến đi bằng cầu cạn trên cao có thể tốn thêm 30.000 tỷ đồng, nhưng rất xứng đáng, và tối ưu, bởi sẽ tăng thêm không gian kết nối cho toàn tuyến” - Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

Ngày 6/5 vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị triển khai quy hoạch và phương án đầu tư, xây dựng tuyến Vành đai 4. Các địa phương tham dự đã thống nhất quan điểm, dự án có tổng mức đầu tư rất lớn, cần phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, báo cáo Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư và trình lên Quốc hội. Với tổng mức đầu tư lớn như vậy, không thể chỉ trông chờ vào ngân sách, mà cần phải có hình thức huy động nguồn vốn xã hội hóa; chia nhỏ thành nhiều dự án thành phần để triển khai có hiệu quả.
Tuyến đường Vành đai 4 là tuyến giao thông đối ngoại có tính chất kết nối liên vùng vùng Thủ đô và được khép kín theo tiêu chuẩn đường cao tốc để kết nối các cao tốc, quốc lộ hướng tâm, tạo hệ thống phát triển hiệu quả, góp phần giảm tình trạng UTGT khu vực đô thị trung tâm của Thủ đô; tăng cường khả năng kết nối giao thông liên vùng giữa Hà Nội với các tỉnh trong vùng Thủ đô, từng bước hoàn thiện quy hoạch giao thông Thủ đô, quy hoạch giao thông các tỉnh trong khu vực; tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần