Nhận “gà”!

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

kinhtedothi - Dù đã nhận lời xin lỗi, nhưng ông Thanh vẫn còn ấm ức vì chuyện con rể đón trượt thì ít, mà bực cánh xe ôm ngoài bến thì nhiều.

Cách đây mấy hôm khi ra thăm cháu ngoại, dù đã lên lịch đón bố vợ, thế nhưng ông lão phải đứng đợi anh con rể ở bến xe suốt mấy giờ đồng hồ và cuối cùng vẫn phải đi xe ôm…

Và điều khiến ông bực mình nhất là đám xe ôm - chúng xem ông như món hàng, đứa giành phía trước, đứa giật đàng sau. Có thằng còn nhận ông là “gà” của nó! Láo lếu quá đỗi.

Lẽ ra thì ông Thanh cũng chẳng phải lọ mọ ra Hà Nội nếu như quê ông độ này điện không bị cắt liên miên. Bởi như mọi năm, cứ nghỉ Hè là mấy đứa cháu được bố mẹ cho về quê chơi cùng ông bà ngoại.

Thế nhưng năm nay điện đóm chập chờn quá, mà quê ông lại đang mùa gió Lào. Để đám nhỏ về quê, nắng nóng tội chúng, ông lão đành khăn gói quả mướp ra Thủ đô.

Đêm hôm trước, cô con gái đã gọi điện và thông báo rằng hôm sau chàng rể sẽ ra bến xe đón bố vợ. Sau gần 4 giờ đồng hồ, chiếc xe giường nằm cũng đưa ông đến Hà Nội.

Bước xuống xe, ông lão thấy thời tiết ở Hà Nội cũng thường, đâu có nóng hầm hập như người ta tả! Theo lời dặn của con gái, xe dừng, hành khách xuống hết, ông Thanh mới thong thả sau cùng vì chân chậm rồi, không dại gì mà chen lấn.

Nhưng chân vừa chạm đất, ông Thanh đã nghe thấy tiếng người nói như quát: "Áo bay là của tao"! Thế rồi một gương mặt khá bặm trợn tóm lấy cánh tay của ông hỏi một cách xấc xược: "Bố già về đâu?". Do đã có kinh nghiệm, ông xua tay, "tôi đã có người nhà đón".

Nói xong, ông rảo bước ra cổng phía Nam của bến xe, đảo mắt tìm anh con rể… Để chắc ăn, ông lão tạt vào quán nước gọi cốc trà đá vừa giải khát, vừa nghỉ chân và cái chính là cắt đuôi đám xe ôm đang ra sức chèo kéo...

Nửa tiếng, rồi cả tiếng đồng hồ trôi qua, ông Thanh căng mắt dò từng người trên đường nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng chàng rể. Gọi vào điện thoại của cả con gái, con rể đều không liên lạc được.

Ngồi khá lâu tại quán nước mà vẫn chưa có người tới đón; cánh xe ôm lại một lần nữa biến ông Thanh thành món hàng để giành giật. Cuối trưa, trời mỗi ngày một nóng, cực chẳng đã ông lão đành vẫy một bác tài cứng tuổi nhất trong đám, đội nắng lên đường.

Đến cổng nhà con gái, ông lại phải đứng chờ vì chẳng nghe thấy tiếng đám trẻ, cửa nhà thì khóa trái, chừng mươi phút sau anh con rể hớt hải phi xe máy về. Sau khi vào nhà, rót cốc cam vắt vợ pha để sẵn trong tủ mời bố vợ.

Anh lại tất tả đi đón hai đứa nhỏ, vì đêm qua mất điện nên vợ chồng anh phải “di cư” chúng đến nhà người quen. Sau bữa tối, ông Thanh hỏi con rể: "Bố tưởng việc chèo kéo khách ở bến xe, bến tàu chỉ tồn tại những năm trước, ai ngờ chưa kịp đặt chân xuống đất, mình đã biến thành món hàng để người ta xí phần. Thật là hết sức phiền hà và bực tức".

Đến lúc này cô con gái mới lên tiếng: "Đáng lẽ chúng con phải liên hệ để đón bố, nhưng đêm qua mất điện, điện thoại biến thành cục gạch. Vì vậy sáng ra chẳng biết liên hệ với bố kiểu gì.

Thôi từ lần sau, con cứ cho cái lộ trình xe buýt, lúc nào ra chơi, xuống xe khách, bố cứ lên luôn tuyến 05, bến xuống thì ngay đầu phố; đi bộ vài trăm mét là vào đến nhà con, vừa tiện lợi, lại an toàn".