Nhân lực ngành sư phạm: Đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các trường sư phạm (SP) cần được tái cấu trúc, Bộ GD&ĐT sẽ giao chỉ tiêu để đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu sử dụng,... là những giải pháp được đề xuất nhằm cải thiện chất lượng đào tạo nhân lực ngành SP.

Đào tạo theo đơn đặt hàng

Việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh của nhiều trường SP trong thời gian qua chưa phù hợp thực tế, chính sách miễn học phí cho sinh viên SP không còn hấp dẫn học sinh khá, giỏi, nên điểm đầu vào SP quá thấp. Điều này dẫn đến đầu ra nhiều nơi không đạt chuẩn.

Để cải thiện tình hình, đại diện nhiều trường kiến nghị, đào tạo SP phải gắn với nhu cầu sử dụng của địa phương. Theo đó, UBND các tỉnh, TP xác định nhu cầu nhân lực giáo viên trong từng giai đoạn đối với các bậc học, môn học. Đồng thời, xây dựng kế hoạch đặt hàng trường SP đào tạo và tuyển dụng, phân công công việc ngay khi giáo sinh tốt nghiệp. Các trường SP xây dựng đề án tuyển sinh từng năm, cụ thể đến từng ngành trên cơ sở năng lực đào tạo của mình và đề xuất chỉ tiêu của địa phương. Tất nhiên, các trường phải đảm bảo những điều kiện về chất lượng theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Đồng tình với giải pháp này, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội đề xuất áp dụng với cả các trường bên ngoài. Bộ giao chỉ tiêu cần gắn với chất lượng đầu ra do cơ quan kiểm định thực hiện. Còn PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ - nguyên Phó Hiệu trưởng ĐH SP Hà Nội đề nghị nên tập trung đầu tư vào những trường chuyên về đào tạo SP. Những trường ĐH đa ngành có đào tạo giáo viên trở thành phân hiệu hay cơ sở của trường SP.

Tăng lương cho giáo viên

Thực tế hiện nay, trừ một vài trường SP trọng điểm, đa số các cơ sở đào tạo giáo viên có điểm tuyển sinh thấp. Thậm chí nhiều trường có ngành SP điểm đầu vào chỉ "ngang sàn” do Bộ GD&ĐT quy định. Để giải bài toán này, các trường đề nghị ngân sách nhà nước cấp cho cơ sở giáo dục ĐH theo định mức kinh tế kỹ thuật qua việc giao chỉ tiêu và kết quả tuyển sinh. Đồng thời, cần có chính sách điểm sàn riêng đối với ngành SP để tuyển sinh được người khá giỏi. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, từ năm 2018 chỉ tiêu tuyển sinh các trường SP phải gắn chặt với nhu cầu sử dụng. Học sinh vào học ngành SP phải là những người ưu tú, điểm đầu vào SP phải nằm trong top đầu.

Trước ý kiến này, nhiều chuyên gia nghiêng về phương án cho sinh viên nghèo vay tiền với mức lãi suất thấp. Khi tốt nghiệp, nếu đi làm đúng ngành đã học sẽ không phải trả vốn vay và lãi. Để nâng chất lượng giáo viên, TS Tùng Lâm đề xuất, nên tuyển những sinh viên giỏi đã học hết năm thứ hai ở các trường bên ngoài, sau đó đưa về trường SP đào tạo về kỹ năng và chuyên môn thêm 2 năm nữa.

Tuy nhiên, lương giáo viên vẫn là yếu tố quyết định nếu muốn nâng chất lượng nhân lực ngành SP. Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Phạm Tất Dong cho rằng, hiện lương giáo viên quá thấp, không đủ sống nên nhà giáo phải đi dạy thêm, làm thêm, làm nảy sinh những mặt trái của việc dạy và học. Vì thế, ông Dong đề nghị có những chính sách cụ thể đối với trường SP và giáo sinh. Cụ thể, đầu tư cho các trường SP trọng điểm, sinh viên được vay vốn ưu đãi để học tập, được bố trí việc làm sau khi ra trường, tăng lương giáo viên, khi đó mới thu hút được người giỏi vào ngành SP và chất lượng đào tạo SP mới được cải thiện.