Nhân Ngày Môi trường thế giới (5/6): Khẩn cấp bảo vệ đa dạng sinh học

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với chủ đề “Hành động vì thiên nhiên”, Ngày Môi trường thế giới năm nay Liên Hợp quốc kêu gọi hành động khẩn cấp để bảo vệ đa dạng sinh học (ĐDSH), trước nguy cơ hàng triệu loài động thực vật tuyệt chủng do những tác động của con người.

Ô nhiễm môi trường là nguyên nhân chính
Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP) cho thấy, có 5 nguyên nhân chính gây mất ĐDSH do hoạt động của con người gây ra. Đó là thay đổi nhu cầu sử dụng đất, khai thác quá mức động thực vật hoang dã, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và sinh vật ngoại lai xâm hại.
Cụ thể, để đáp ứng nhu cầu thực phẩm và tài nguyên, con người đã thúc đẩy nạn phá rừng, thay đổi mô hình sử dụng đất và phá hủy môi trường sống tự nhiên trên toàn cầu. Hiện nay, 1/3 diện tích đất mặt của thế giới đang bị suy thoái do axit hóa, ô nhiễm và các hoạt động sử dụng, quản lý đất không bền vững. Cùng đó, việc con người đang khai thác quá mức các nguồn tài nguyên, bao gồm đánh bắt cá, khai thác gỗ và săn bắt động vật hoang dã bất hợp pháp đang đe dọa sự tồn tại của các sinh vật lớn nhỏ.
 Trồng rừng ngập mặn chống biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Không những thế, biến đổi khí hậu và sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan dẫn đến mất và suy thoái môi trường sống. Ước tính đến năm 2050, 1/6 loài có thể bị đe dọa tuyệt chủng nếu xu hướng nóng lên toàn cầu tiếp tục như hiện nay. Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm môi trường đang gia tăng là nguyên nhân chính gây mất ĐDSH.
Hiện có khoảng 5.000 tỷ mảnh vi hạt nhựa, chiếm tới 60 - 90% các mảnh vụn trong đại dương. Chất thải ảnh hưởng đến động thực vật, trong khi phân bón, thuốc trừ sâu và các loại hóa chất độc hại khác ảnh hưởng đến các loài thụ phấn như ong và dơi - là những sinh vật săn mồi tự nhiên của dịch bệnh.
Hành động của Việt Nam
Việt Nam được ghi nhận là một trong 16 quốc gia có tính ĐDSH cao trên thế giới. Song với công nghiệp hóa, đô thị hóa mạnh mẽ, gia tăng dân số và biến đổi khí hậu đã tạo sức ép lớn đến ĐDSH của Việt Nam. Theo GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung - Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng, suy thoái ĐDSH của nước ta nhanh về số lượng, chất lượng ở cả 3 dạng: Hệ sinh thái, các loài, gen di truyền. Các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng như các rừng nguyên sinh trên cạn, rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển, đất ngập nước nội địa, ven biển… đều bị thu hẹp diện tích, thành phần và suy giảm về chất lượng các quần xã sinh vật.
Các chuyên gia cho rằng, muốn chặn đứng các nguyên nhân gây hại đến ĐDSH, cần phải chỉnh sửa, bổ sung Chiến lược quốc gia về ĐDSH do Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt số 1250 ngày 31/7/2013. Bởi Chiến lược chưa đánh giá hết tác hại của biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh chóng và khó lường như hiện nay. Đồng thời, các công ty, nhà sản xuất cần phát triển chuỗi cung ứng bền vững, không gây hại cho môi trường. Người dân và các tổ chức xã hội dân sự cùng phải tham gia thực hiện các hoạt động bảo tồn, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên đang bị suy thoái...
Hiện cả nước có 173 khu bảo tồn với tổng diện tích hơn 2.500ha, gồm 33 vườn quốc gia, 66 khu dự trữ thiên nhiên, 18 khu bảo tồn loài và sinh cảnh, 56 khu bảo vệ cảnh quan (tăng 7 khu bảo tồn so với năm 2015 với tổng diện tích tăng thêm gần 73.260ha). Trong đó, năm 2019 được công nhận thêm 4 Vườn di sản ASEAN, nâng tổng số vườn di sản ASEAN của Việt Nam thành 10 khu. Mới đây nhất đã thành lập 2 khu bảo tồn đất ngập nước là Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) và Phá Tam giang - Cầu Hai (tỉnh Thừa Thiên Huế).
Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, hiện nay, Bộ TN&MT đang tiến hành sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường, trong đó đang dự thảo 7 điều có nội dung liên quan để góp phần làm tốt hơn công tác bảo tồn ĐDSH. Đồng thời, tiến hành lập quy hoạch quốc gia về bảo tồn ĐDSH, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ; tăng cường giải pháp quản lý thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào thiên nhiên; thúc đẩy các hoạt động quan trắc, xây dựng cơ sở dữ liệu về ĐDSH. Cùng với đó, tiếp tục thúc đẩy hợp tác của các bên liên quan, bao gồm các đối tác quốc tế, sự phối hợp liên ngành, sự tham gia của khu vực tư nhân và cộng đồng...
Theo UNEP, hệ sinh thái lành mạnh, với sự ĐDSH phong phú, là nền tảng cho sự tồn tại của con người. Hệ sinh thái duy trì sự sống của con người theo rất nhiều cách  thức khác nhau, làm sạch không khí, thanh lọc nước, bảo đảm sự sẵn có của thực phẩm dinh dưỡng, thuốc thiên nhiên và nguyên liệu, vật liệu, giảm sự xuất hiện của thiên tai.