Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhân vật đưa vào đề thi phải mang tính giáo dục

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đề kiểm tra học kỳ 1 môn Ngữ văn được cho là của Trường THPT Hạ Hòa (Phú Thọ) với sự xuất hiện của hotgirl Chi Pu đã gây ra tranh cãi trong dư luận. Nhiều giáo viên cho rằng, đề thi chưa phù hợp về lứa tuổi tiếp cận và chưa có tính giáo dục.

Theo đó, trong đề kiểm tra môn Ngữ văn của trường THPT Hạ Hòa (Phú Thọ), yêu cầu học sinh hãy hóa thân vào Chi Pu, viết một bài văn tự sự có sử dụng yếu tố biểu cảm kể về một ngày của cô hotgirl Hà Thành sau khi ra mắt MV “Từ hôm nay”. Trước đó, bài hát "Em gái mưa" của Hương Tràm đang được giới trẻ yêu thích xuất hiện trong đề kiểm tra 15 phút môn Vật lý lớp 10 của trường THPT chuyên Hùng Vương (Bình Dương).
 
Khoảng tháng 2/2017, đề thi môn Ngữ văn lớp 11 trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc yêu cầu học sinh chỉ ra thông điệp đoạn trích trong bài hát "Lạc Trôi" của nam ca sĩ Sơn Tùng MTP. Đề thi trích dẫn một phần lời bài hát với câu hỏi liên quan phương thức biểu đạt của văn bản, tìm từ Hán Việt trong đoạn trích. Đề bài còn yêu cầu học sinh hiểu thế nào về hai câu "Bâng khuâng mình ta lạc trôi giữa đời/Ta lạc trôi giữa trời"…
Đưa ra nhận định về điều này, Hiệu trưởng trường THCS Dân Hòa, huyện Thanh Oai (Hà Nội), thầy Nguyễn Khắc Thành cho rằng, đề giúp cho học sinh có khả năng hóa thân, tưởng tượng vào nhân vật để bày tỏ quan điểm và suy nghĩ riêng của mình, kích thích khả năng sáng tạo, hướng các em ít nhiều quan tâm đến các vấn đề thời sự của đời sống xã hội hoặc những hiện tượng tương đối gần gũi với tuổi học trò. “Tuy nhiên, những nhân vật đã đưa vào văn học, vào đề thi, những nhân vật này phải được xã hội thừa nhận và có điểm sáng để có tính giáo dục, để có cái mà tranh luận, học tập, mà chủ yếu để học tập, để làm điểm tựa cho học sinh về mặt tâm hồn” - thầy Thành nhấn mạnh. Cũng theo thầy Thành, những cái gì mới, lạ, chưa được thẩm định, chưa có độ vững chắc, chưa hẳn đã có giá trị. Do vậy, “đưa vào đề thi phải đưa những hình tượng, nguyên mẫu, những ngôi sao phải có giá trị về nhân cách sống. Không nên đưa nhân vận chỉ để câu khách. Vì, môn Văn là môn dạy con người” - thầy Thành chia sẻ.
Đồng quan điểm, một giáo viên dạy Ngữ văn tại Trường THPT trên địa bàn quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cũng không hoàn toàn đồng tình với cách ra đề thi như trên. Giáo viên này cho rằng, bản thân Chi Pu chỉ là một hot girl tuổi teen. Gần đây, Chi Pu mới bắt đầu đi hát và muốn thành ca sĩ. Nhiều học sinh cũng hát theo, hay theo dõi, nhưng cười nhạo là chính. “Nếu đưa ra một đề bài thì nhân vật đó phải mang ý nghĩa xã hội. Tôi vẫn tôn trọng khát vọng của bạn Chi Pu muốn trở thành ca sĩ. Không ai có quyền ngăn cấm ước mơ của người khác. Có thể người ra đề với mục đích muốn hướng tới giá trị nhân sinh với học sinh rằng đừng giết chết những giấc mơ của ai đó chứ không nên làm tổn thương” - giáo viên này chia sẻ.
Với một số đề thi đưa vào các nhân vật là ca sĩ gần đây, khá nhiều giáo viên bày tỏ thất vọng với dạng đề bài này. Đa số các giáo viên cho rằng, đề bài cung cấp cho học sinh nói chung phải gần gũi với hiện thực cuộc sống, nhưng cần được tinh lọc, có giá trị nâng cao năng lực thẩm mỹ, hướng tới mục đích nhận thức, giáo dục nhân cách cho học sinh chứ không thể đưa một cách xô bồ.