Nhập khẩu, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật: Chưa hết mối lo

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, trong 8 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã nhập khẩu 594 triệu USD thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).

Cùng với đó, việc lạm dụng thuốc BVTV trong canh tác nông nghiệp đang dẫn tới những nguy cơ ô nhiễm môi trường, mất ATTP, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
80% là thuốc BVTV hóa học

Trung Quốc hiện vẫn đang là thị trường nhập khẩu thuốc BVTV và nguyên liệu lớn nhất của Việt Nam (chiếm khoảng 50%). Trong 5 năm gần đây, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 500 triệu USD thuốc BVTV và nguyên liệu từ Trung Quốc. Đáng lo ngại, giá trị nhập khẩu đang tăng nhanh tại nhiều quốc gia như Anh (29%), Malaysia (20%), Ấn Độ (15,5%)…
Pha chế thuốc bảo vệ thực vật phun cho cây lúa ở huyện Sóc Sơn. Ảnh: Lâm Nguyên
Các DN Việt Nam không chỉ nhập khẩu thuốc BVTV và nguyên liệu về để bán lại mà còn nhằm mục đích phối trộn, sang chai đóng gói và tái xuất đi các nước khác. Thủ tục nhanh gọn, thuận tiện trong vận chuyển, giá cả cạnh tranh khiến việc nhập khẩu thuốc BVTV và nguyên liệu đang có chiều hướng tăng…

Nhưng điều khiến nhiều người lo lắng hơn cả là hiện nay, trong số trên 1.700 hoạt chất thuốc BVTV với khoảng 4.080 tên thương phẩm, chỉ có khoảng 20% là thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học và thảo mộc. Trong khi đó, 80% lượng thuốc BVTV còn lại hiện đang lưu hành trên thị trường Việt Nam có thành phần chính là các chất hóa học độc hại cho môi sinh, cũng như sức khỏe của con người.

Sẽ tăng 30% lượng thuốc BVTV sinh học

Cùng với việc nhập khẩu một khối lượng khổng lồ thuốc BVTV và nguyên liệu, tình trạng lạm dụng các loại hóa chất này trong sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam hiện cũng rất đáng lo ngại.

"Thời gian qua, Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội thường xuyên đôn đốc cán bộ cơ sở sâu sát, hướng dẫn nông dân kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh bằng thuốc BVTV đảm bảo thời gian cách ly, an toàn và hiệu quả. Bên cạnh đó là tăng cường thông tin, tuyên truyền, vận động người nông dân lựa chọn, sử dụng các loại thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học và thảo mộc." - Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương

Theo số liệu của Viện Tài nguyên môi trường quốc tế, khối lượng thuốc BVTV được sử dụng trên 1ha cây trồng/năm của Việt Nam vào khoảng 10kg, cao hơn nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Bangladesh… Đối với TP Hà Nội, báo cáo của Chi cục BVTV cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp đang ở mức rất tích cực, thuộc nhóm thấp nhất trên cả nước với khoảng 1,6 - 2kg/ha/năm. Không chỉ vậy, tỷ lệ thuốc BVTV có nguồn gốc thảo mộc và sinh học mà người nông dân Hà Nội đang sử dụng trong canh tác chiếm tới 60% tổng khối lượng.

Trước tình trạng nhập khẩu và sử dụng thuốc BVTV ở mức báo động hiện nay, Bộ NN&PTNT đã có nhiều giải pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu các loại thuốc BVTV. Thống kê trong những năm qua, Bộ đã loại bỏ trên 1.024 tên thương phẩm ra khỏi danh mục thuốc BVTV được phép lưu hành tại Việt Nam. Theo Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NN&PTNT) Hoàng Trung, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu, loại bỏ khỏi danh mục các loại thuốc BVTV có chứa hoạt chất độc hại. Đồng thời, khuyến khích nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và ứng dụng biện pháp sinh học, thuốc BVTV sinh học trong phòng, chống sinh vật gây hại. “Chủ trương của Bộ NN&PTNT thời gian tới là tiếp tục giảm 30% tên thương phẩm thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam. Đồng thời, tăng 30% lượng thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học và thảo mộc được đăng ký, sử dụng” - ông Trung thông tin.

Thực tế cho thấy, việc tiết giảm khối lượng nhập khẩu thuốc BVTV hóa học có vai trò rất lớn từ các DN trong nước. Do đó, bên cạnh quản lý chặt chẽ khâu nhập khẩu, Bộ NN&PTNT khuyến khích các DN xây dựng chiến lược kinh doanh theo hướng tăng dần tỷ trọng thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học, thảo mộc, an toàn cho sức khỏe cộng đồng và thân thiện với môi trường.