Nhiều băn khoăn về hội đồng trường

Bảo Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại hội nghị triển khai Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học (ĐH) do Bộ GD&ĐT tổ chức sáng 6/1, nhiều ý kiến băn khoăn về hội đồng trường. Đại diện các trường cũng như các chuyên gia giáo dục mong chờ Bộ sớm giải đáp thỏa đáng.

Luật Giáo dục phải ngấm đến từng giáo viên
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các đơn vị tập trung làm rõ một số nội dung căn bản, mang tính đột phá cũng như nâng cao tính tự chủ của các cơ sở giáo dục, nhà trường.
Theo đó, các chế định được Bộ trưởng Nhạ lưu ý tới các cơ sở giáo dục là việc thành lập hội đồng trường, liên kết trường, các điều kiện để trở thành ĐH. Trong đó, nội dung được quan tâm nhất là tính tự chủ trong nhà trường. Điển hình là quá trình thành lập, hoạt động và quản lý liên quan hội đồng trường.
 Sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội trên giảng đường. Ảnh: Phạm Hùng
“Bộ GD&ĐT sẽ tập trung công tác quản lý Nhà nước, không can thiệp hành chính sâu, rộng vào các nhà trường. Ngoài ra, các cơ quan liên quan cùng vào cuộc theo phân công, Bộ GD&ĐT là đầu mối” - ông Nhạ nói.
Phân tích, chỉ đạo kỹ về tính tự chủ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ dặn dò: “Tránh tình trạng vấn đề của mình cứ đi đổ cho người khác. Do vậy, các cơ sở cần tổ chức hội nghị để quán triệt sâu trong nội bộ về Luật 34 cho từng giáo viên. Phải để cho từng giáo viên, từng cán bộ, từng giáo sư "ngấm" luật và hiểu đúng theo từng vị trí, trách nhiệm của mình”.
Tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, Nguyễn Thị Kim Phụng đã nêu bật các nội dung, như việc thành lập hội đồng trường, thành lập, kiện toàn hội đồng trường ĐH tư thục. Đơn cử như việc phát triển trường ĐH thành ĐH, bà Phụng lưu ý các điều kiện mang tính quyết định, đó là các trường đã được đạt chuẩn chất lượng giáo dục ĐH; có ít nhất 3 trường thuộc trường ĐH được thành lập; có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người.
Nhiều điểm còn "vênh" nhau
Câu chuyện tự chủ trong đào tạo gắn kết chặt chẽ với việc ra đời của các hội đồng trường, chính vì vậy, ở hội nghị triển khai văn bản hướng dẫn Luật Giáo dục ĐH, khá nhiều lãnh đạo nhà trường đã đặt các câu hỏi rất “sát sườn” với “sinh mệnh” của hội đồng trường, như việc nhiệm kỳ có trùng với hiệu trưởng, thành phần tham gia...
PGS.TS Nguyễn Tiến Công - Chủ tịch hội đồng trường - Trường ĐHSP TP Hồ Chí Minh đưa ra những băn khoăn về nhiệm kỳ của hội đồng trường: Trường đã thành lập hội đồng trường theo đúng tinh thần của Luật Giáo dục ĐH (sửa đổi, còn gọi là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH) nhưng còn những nội dung “vênh” về mặt thời gian. Bởi, hội đồng trường được thành lập theo quyết định vào tháng 12/2019 nhưng nhiệm kỳ 2018 - 2025.
“Vậy nhiệm kỳ của hội đồng trường được tính như thế nào?” - ông Nguyễn Tiến Công thắc mắc. Cũng theo ông Công, với “sự cố” về mặt thời gian như trên, khi tính nhiệm kỳ của hội đồng trường sẽ căn cứ vào tiêu chí nào, có hay không theo nhiệm kỳ của hiệu trưởng?
Cũng là những câu hỏi về vấn đề hội đồng trường, PGS.TS Đỗ Ngọc Mỹ - Hiệu trưởng trường ĐH Quy Nhơn lại băn khoăn, nhà trường đã thành lập hội đồng trường trước khi Nghị định 99 (hướng dẫn thi hành một số điều Luật Giáo dục ĐH) có hiệu lực (15/2), vậy việc sẽ triển khai, thực hiện ra sao? Đại diện trường ĐH Cần Thơ nêu tình huống của trường này, thời hạn trong nhiệm kỳ của hội đồng trường còn 6 tháng thì phải điều chỉnh thế nào để đúng với tinh thần Luật Giáo dục ĐH?
Hoặc trường hợp ở đầu cầu Thái Nguyên, các chuyên gia đã đặt câu hỏi: “Nhiệm kỳ hiệu trưởng không trùng với hội đồng trường, vậy sau khi kiện toàn hội đồng trường, có phải làm thủ tục bổ nhiệm lại hiệu trưởng hay không?”.
Đề nghị Bộ hướng dẫn sớm
Thắc mắc về thành phần hội đồng trường, GS.TS Nguyễn Đình Đức - ĐH Quốc gia Hà Nội phân tích, ở nhiều quốc gia trên thế giới, đơn cử như Singapore, hội đồng trường thường trùng với hội đồng giáo sư, với các chuyên gia hàng đầu. Còn ở Việt Nam, với Luật Giáo dục và Nghị định 99 hướng dẫn, theo ông Đức, chưa thấy quy định chi tiết về điều này. Do vậy, ông Nguyễn Đình Đức đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét, có thể ban hành các văn bản hướng dẫn, như các quy chế đào tạo mới.
Phó Hiệu trưởng trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) - ông Võ Thanh Hải bộc bạch, mong sớm có thông tư hướng dẫn, trong đó có quy định các vấn đề về tự chủ học thuật, mở ngành. “Trường rất mong các tổ chức kiểm định được Bộ GD&ĐT thừa nhận trong vấn đề học thuật” - ông Hải đề đạt.
Để nhắc nhở chung các cơ sở giáo dục trong việc triển khai tinh thần của đạo luật Giáo dục ĐH, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, luật và các văn bản, cụ thể là Nghị định 99 hướng dẫn đã rất dễ hiểu, chi tiết, không cần thiết phải ban hành quá nhiều văn bản khác, để tránh những nguy cơ xung đột hoặc hiểu sai tinh thần của luật.
Theo Bộ trưởng Nhạ, đối với Luật Giáo dục ĐH (còn gọi Luật 34) cũng như Nghị định 99 đã nêu rất rõ vai trò của hội đồng trường. Bổ sung ý kiến này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho hay, tại Điều 7, 8 và 9 của Nghị định 99 đã quy định chi tiết các chế định liên quan hội đồng trường, văn bản này đã tạo ra cơ chế để hội đồng trường thể hiện vai trò tiên quyết trong định hướng phát triển các cơ sở giáo dục, không phụ thuộc vào hiệu trưởng như hiện tại.