Nhiều bệnh viện vẫn loay hoay vì thiếu thiết bị y tế

Thùy Linh (laodong.vn)
Chia sẻ Zalo

Hiện tình trạng thiếu trang thiết bị ở các bệnh viện còn tồn tại, trong đó nhiều bệnh viện, kể cả bệnh viện cấp T.Ư vẫn chưa thoát khỏi tình trạng “thiếu đủ thứ”.

Nguyên nhân là do vướng mắc trong đấu thầu và một phần do chậm trễ cấp phép lưu hành trang thiết bị y tế (TTBYT).

Bệnh viện Trung ương quá tải vì y tế tuyến dưới thiếu trang thiết bị

Theo tìm hiểu của phóng viên Lao Động, hiện nay nhiều bệnh viện tuyến Trung ương tiếp tục rơi vào tình trạng quá tải. Một trong những lý do tình trạng quá tải nặng nề chính là do lượng bệnh nhân được chuyển lên từ tuyến dưới khá nhiều. Không những thế, các cơ sở y tế các tuyến cũng đang lâm vào tình cảnh “thiếu đủ thứ”, vì vậy người dân không yên tâm khám chữa bệnh mà đổ dồn lên tuyến trên.

Người bệnh ung thư chờ đợi nhiều ngày để được chiếu chụp vì bệnh viện thiếu máy móc, trang thiết bị. Ảnh: Thùy Linh
Người bệnh ung thư chờ đợi nhiều ngày để được chiếu chụp vì bệnh viện thiếu máy móc, trang thiết bị. Ảnh: Thùy Linh

Chia sẻ của một cán bộ phòng vật tư tại tỉnh Ninh Bình cho biết: “Bệnh viện chúng tôi cũng thiếu trang thiết bị vật tư y tế. Có nhiều lý do nhưng kết quả chung là các cơ sở y tế không thể mua sắm được trang thiết bị y tế trong giai đoạn này”.

“Mẹ tôi từ quê lên đã 3 ngày, đến hôm nay mới được chụp cộng hưởng từ, vì bệnh viện nói là máy bị hỏng, chưa sửa được. Nhiều người bệnh khác cũng phải chờ đợi mấy hôm nay, chưa được chụp”- chị N.M.V (trú tại Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên Lao Động, Giám đốc một bệnh viện tuyến Trung ương thừa nhận: “Tình trạng thiếu trang thiết bị y tế ở các cơ sở y tế tuyến dưới là một phần nguyên nhân khiến bệnh nhân đổ dồn lên tuyến trên. Đặc biệt, sau nghỉ lễ, có ngày chúng tôi khám đến 6.000 - 8.000 bệnh nhân ngoại trú, hiện BV có hơn 4.000 bệnh nhân nội trú. Nếu đã phải lên đến bệnh viện Trung ương để điều trị nội trú thì hầu hết là các trường hợp bệnh nhân nặng, khó chẩn đoán, hầu hết các tuyến đều không xử lý được về mặt chuyên môn mới chuyển lên”.

Thiếu người thẩm định, hàng nghìn hồ sơ thiết bị y tế chưa được cấp phép

Hiện nay, theo thống kê, còn hơn 7.000 hồ sơ đã nộp nhưng chưa được cấp phép. Nhiều doanh nghiệp phải chi tiền tuyển thêm nhân sự, kỹ sư hiểu biết về thiết bị y tế mới để đào tạo, cập nhật kiến thức về trang thiết bị y tế.

“Hồ sơ đã nộp cả năm vẫn chưa được cấp phép. Chúng tôi tuyển dụng, đào tạo xong, chờ đợi mãi mà thiết bị y tế vẫn không được cấp phép lưu hành, đành phải sa thải nhân viên chất lượng cao, vì không có tiền để chi lương cho họ để chờ đợi sản phẩm được cấp phép” - đại diện một doanh nghiệp nhập khẩu TTBYT chua chát nói.

Đại diện các doanh nghiệp mong muốn cơ quan chức năng, Bộ Y tế cải tiến ngay quy trình, phân cấp phân quyền; cử nhân sự đọc, thẩm định và trả lời hồ sơ sớm nhất có thể, nếu không thực hiện thì nhiều doanh nghiệp, cơ sở y tế không có đủ nguồn lực để duy trì nữa.

Chia sẻ với PV Lao Động, TS Nguyễn Minh Lợi, Cục trưởng Cục Cơ sở hạ tầng và Thiết bị y tế, Bộ Y tế thừa nhận tình trạng chậm xử lý hồ sơ cấp phép TTBYT vẫn còn đang tồn tại và cho rằng, việc xử lý chậm có nhiều nguyên nhân.

Trước đây khi đơn vị này là cấp Vụ, nhân lực quản lý TTBYT chỉ có 9 chuyên viên (các lĩnh vực quản lý tương tự khác là khoảng 90 biên chế), ngoài việc thẩm định hồ sơ còn rất nhiều nhiệm vụ khác như quản lý chất lượng, quản lý giá... Hơn nữa, từ năm 2021 đến nay, do xảy ra một số sự cố, vụ việc liên quan lĩnh vực quản lý TTBYT, các chuyên gia mời bên ngoài có tâm lý e ngại nên đã không tham gia thẩm định...

Theo ông Lợi, vấn đề phí thẩm định hồ sơ cũng là một trở ngại, khi mức phí này ở Việt Nam thấp nhất trong khu vực cũng như so với các nước. Hồ sơ tài liệu nhiều vài trăm trang tiếng Anh. Mức phí chưa tương xứng với công sức người làm trực tiếp, đặc biệt là chuyên gia.

Ngoài ra, việc chuẩn bị hồ sơ của nhiều doanh nghiệp cũng chưa đáp ứng yêu cầu, phải bổ sung, làm lại nhiều lần; trong khi số lần được bổ sung từ 3 đến 5 lần.

“Với tốc độ như vậy, nếu không được tăng thêm nhân sự thì dự báo sẽ khó đáp ứng đúng yêu cầu mà Bộ Y tế đã cam kết với Thủ tướng và chúng tôi cũng phải cam kết với Bộ trưởng Bộ Y tế, là đến cuối năm 2024 sẽ giải quyết dứt điểm số hồ sơ bị “tắc” nói trên” - ông Lợi nói.

Hiện Cục cũng đang đề nghị thành lập Trung tâm Thẩm định hồ sơ cấp số lưu hành TTBYT, bổ sung thêm 15 nhân sự, số nhân sự này được trả lương từ phí cấp phép (hiện Bộ Tài chính đã đồng ý tăng mức phí thẩm định hồ sơ từ 5 triệu đồng lên 6 triệu đồng/hồ sơ). Khi có thêm 15 biên chế, tiến độ thẩm định hồ sơ sẽ nhanh hơn rất nhiều.

Ông Lợi cũng cho rằng, Bộ Y tế đã áp dụng mạnh mẽ việc phân cấp, ủy quyền cho Cục trưởng tổ chức thẩm định, ký giấy phép và chịu trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện.

Về bổ sung nhân sự, năm 2022 chúng tôi được bổ sung thêm 3 biên chế và mới đây được bổ sung thêm 5 biên chế, tháng 9 này sẽ tuyển dụng ngay. Khi có thêm 5 biên chế, dự báo mỗi tháng Cục sẽ xử lý được khoảng 900 đến 1.000 hồ sơ, dự kiến sẽ mất 7 đến 8 tháng nữa sẽ giải quyết hết hơn 7.000 hồ sơ đang tồn đọng. Ngoài số hồ sơ này, mỗi ngày đều có một lượng lớn hồ sơ mới bên cạnh lượng hồ sơ sai sót phải bổ sung làm lại.

Nói về giải pháp cho vấn đề này, TS Nguyễn Minh Lợi - Cục trưởng Cơ sở hạ tầng và Thiết bị y tế - cho biết: Từ tháng 9.2022, chúng tôi đã tham mưu báo cáo với lãnh đạo Bộ Y tế và được điều chỉnh lại quy trình.

Cụ thể: chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, các chuyên viên của Cục sẽ thẩm định, nếu đạt sẽ trình Hội đồng (Hội đồng gồm những người ở bên ngoài Bộ Y tế) xem xét, báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế phê duyệt, sau đó các chuyên gia độc lập sẽ thực hiện hậu kiểm.

Làm như vậy sẽ bớt đi một khâu nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc không bị khép kín, tiến độ sẽ rút ngắn lại. Sau khi điều chỉnh, tiến độ đọc, thẩm định hồ sơ được cải thiện nhiều. Hiện nay, mỗi một tháng chúng tôi giải quyết được khoảng 600 đến 800 hồ sơ.