Nhiều gia đình thành kính dâng cơm cúng vua Hùng

Ngọc Tú - Ảnh Đức Hoàng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ năm 2019, Ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng đã khuyến khích các gia đình làm mâm cơm cúng tổ tiên, vua Hùng. Năm 2020, phong trào này càng lan rộng ra nhiều gia đình ở tỉnh Phú Thọ.

Mâm cơm cúng vua Hùng của gia đình anh Nguyễn Tùng Linh, phường Tân Dân, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ

Mâm cơm cúng tổ tiên, vua Hùng vào ngày 10/3 xuất phát từ tâm của mỗi thành viên trong gia đình. Việc bày biện cũng không mang tính chất mâm cao cỗ đầy, hay mê tín cũng bái mà mà là nét đẹp văn hóa, phong tục tập quán của cha ông để lại. Vì thế, mâm cỗ cúng tổ tiên chỉ đơn giản, phù hợp với "đất lề quê thói".

Một trong những món ăn không thể thiếu trong mâm cơm cúng ngày 10/3 Âm lịch đó là bánh chưng và bánh dày

Từ những sản vật sẵn có trong vườn nhà, các gia đình đã chuẩn bị mâm cơm cúng giản dị nhưng đủ đầy các món ăn truyền thống của người Việt như: Xôi, gà, nem, bánh chưng, bánh giày… thể hiện lòng thành kính dâng cúng tổ tiên với ý nghĩa tri ân, tưởng nhớ công ơn vua Hùng đã đặt nền móng ban đầu cho cuộc sống muôn dân.

Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Phú Thọ - Phạm Bá Khiêm cho biết: “Thờ cúng Hùng Vương cũng là một tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên nhưng được nâng lên một tầm cao đó là tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Cứ mỗi dịp tới ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3 âm lịch, tất cả những người con đất Việt trên khắp thế giới đều hướng về ngày lễ chung toàn dân tộc - ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương.

Hoa lúa cũng là một sản vật riêng tưởng nhớ thời vua Hùng

Có một nghi lễ không thể thiếu trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên dù là ở gia đình nhỏ hay lễ trọng của dân tộc thì việc dâng lễ vật lên ban thờ trong đó có mâm cơm là vô cùng quan trọng, thể hiện sự thành kính của người sống với người đã khuất cũng như nhằm tri ân với tổ tiên”.

Đã thành thông lệ 2 năm nay, vào ngày giỗ Tổ, nhiều gia đình ở tỉnh Phú Thọ cùng dâng cơm giỗ vua Hùng

Cỗ cúng ngày giỗ Tổ khác với cỗ cúng gia tiên ngày Tết, sẽ có những món cơ bản như bánh chưng, bánh dày và cơm tẻ. Theo lý giải của nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: “Sở dĩ người dân chọn các món bánh chưng, bánh dày vì là 2 sản vật thời kỳ Hùng Vương tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở của muôn loài. Cơm tẻ cũng do vua Hùng dạy dân cấy lúa mà ra, là lương thực hàng ngày, nên trong mâm cỗ có nếp, có tẻ cũng như có âm có dương đầy đủ sẽ sinh sôi”.