Nhiều giải pháp bảo vệ môi trường

Trực Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường (BVMT) Thủ đô với người dân; Xây dựng hệ thống cập nhật và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực BVMT; Hoàn thiện chính sách pháp luật, xử lý, di dời triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường… là những giải pháp TP Hà Nội đã triển khai nhằm BVMT trên địa bàn Thủ đô.

Đẩy mạnh truyền thông - nâng cao nhận thức
Trên tinh thần "lấy nhận thức làm ngòi nổ", TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở TN&MT cùng các sở, ngành, các tổ chức chính trị xã hội, các đoàn thể xây dựng và lồng ghép các chương trình truyền thông, mô hình BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu. UBND TP đã chỉ đạo các cơ quan báo chí, phát thanh và truyền hình tăng cường tuyên truyền rộng rãi trên báo chí về công tác quản lý môi trường. Đặc biệt là các chương trình, giải pháp trọng điểm về xử lý ô nhiễm môi trường cấp bách của Thủ đô. Thực hiện các mô hình truyền thông BVMT có sự tham gia của cộng đồng như: Mô hình sống xanh; phân loại rác thải tại nguồn...

Phân loại rác tại nguồn để giảm diện tích chôn lấp. Ảnh:  Võ Trâm

Trong quý IV/2016, UBND TP đã xây dựng và vận hành Trung tâm điều hành và quản lý dữ liệu môi trường. Số liệu từ các trạm quan trắc không khí và nước tự động truyền số liệu quan trắc trực tiếp về Sở TN&MT, nhằm kiểm soát, giám sát các hoạt động xả thải theo quy định của pháp luật...
Xử lý, di dời các cơ sở gây ô nhiễm
 Đến nay, UBND TP Hà Nội đã thực hiện các biện pháp xử lý với 3 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng và đang hướng dẫn các thủ tục để các đơn vị này ra khỏi danh sách các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng. Hoàn thành dự án “Cải thiện và phục hồi môi trường tại điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật khu Lò Gạch, xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ”. Quan trắc, phân tích đánh giá tại các cơ sở có khả năng gây ô nhiễm trên địa bàn 12 quận nội thành. Rà soát, đối chiếu danh mục 12 quận báo cáo, để xác định các cơ sở không phù hợp quy hoạch và dự kiến quy hoạch sử dụng đất sau khi di dời. Đề xuất cơ chế mang tính nguyên tắc chung, áp dụng đối với từng loại đối tượng để hỗ trợ, khuyến khích thực hiện di dời cơ sở gây ô nhiễm. Khai thác sử dụng quỹ đất, tạo nguồn vốn tái đầu tư cho các cơ sở phải di dời. Sẽ điều tra nguồn thải công nghiệp cho 300 cơ sở trong 8 khu công nghiệp, 500 cơ sở tại các cụm công nghiệp. Điều tra 700 cơ sở sản xuất ngoài khu, cụm công nghiệp. Tiến hành xử lý ô nhiễm 80 hồ trên địa bàn bằng chế phẩm Redoxy – 3c của Cộng hòa Liên bang Đức
Vướng mắc và kiến nghị
Sở dĩ vấn đề ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP còn nhiều tồn tại là do sự phối hợp chưa đồng bộ, chặt chẽ từ cấp TP đến quận, huyện, phường, xã trong thực hiện một số nhiệm vụ về môi trường và bảo vệ tài nguyên. Tốc độ đô thị hóa nhanh, việc xây dựng hạ tầng thiếu đồng bộ, quản lý trật tự xây dựng chưa chặt chẽ, dẫn đến ô nhiễm cục bộ một số nơi. Luật cũng chưa có quy định về chính sách, cơ chế ưu đãi, khuyến khích hỗ trợ trong lĩnh vực môi trường. Ngoài ra Luật Thủ đô và Luật BVMT nói chung, cũng chưa quy định cụ thể việc thực hiện cưỡng chế thi hành trong lĩnh vực môi trường, hệ thống văn bản pháp luật chưa đồng bộ, chồng chéo…Từ thực trạng trên, TP Hà Nội đã kiến nghị Bộ TN&MT đề xuất với Chính phủ - Quốc hội sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện về BVMT. Tạo điều kiện cho TP kiện toàn hệ thống tổ chức ngành TN&MT các cấp. Ban hành bổ sung hoặc điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực BVMT, nhằm cụ thể hóa quy định của Luật BVMT 2014. Đề nghị Bộ TN&MT nghiên cứu thành lập hệ thống thanh tra chuyên ngành môi trường từ cấp T.Ư đến cấp tỉnh/thành, cấp quận/huyện nhằm tăng cường hiệu quả công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT…
Năm 2016, Hà Nội đã và đang thẩm định 205 hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường, 81 đề án BVMT chi tiết, 46 Kế hoạch BVMT cấp sở, 50 đề án BVMT đơn giản... Tính đến tháng 10/2016, các cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường trên địa bàn Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra tại 1.667 đơn vị, xử lý vi phạm hành chính 494 đơn vị với tổng số tiền phạt 9.651.750.000 đồng.