Nhiều hình thức cung cấp thông tin cho người dân

Tuấn Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tiếp cận thông tin.

Trong đó, đáng chú ý là việc tạo điều kiện cho người dân ở các vùng khó khăn được tiếp cận thông tin và biện pháp bảo đảm thi hành luật.

Theo quy định của dự thảo Nghị định, đối với người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, việc cung cấp thông tin được thực hiện bằng nhiều hình thức phù hợp với các đối tượng, điều kiện thực tế của địa phương, căn cứ vào loại thông tin, cơ quan nhà nước trên địa bàn quyết định lựa chọn một hoặc một số phương thức tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin phù hợp.

Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước có trách nhiệm ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào việc xây dựng hệ thống thông tin công cộng, nâng cấp, đầu tư các trang thiết bị chuyên dùng phục vụ cho hoạt động cung cấp thông tin của địa phương, khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về DN và pháp luật về tiếp cận thông tin.

Đối với người khuyết tật, dự thảo Nghị định quy định các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật thực hiện quyền tiếp cận thông tin như: Cơ quan cung cấp thông tin đa dạng hóa các hình thức, phương thức cung cấp thông tin phù hợp với người yêu cầu cung cấp thông tin; bố trí thiết bị nghe - xem và các thiết bị phụ trợ phù hợp với dạng và mức độ khuyết tật, phù hợp với điều kiện thực tiễn của cơ quan; bố trí cán bộ hướng dẫn, giải thích và giúp đỡ người khuyết tật khi có khó khăn trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin, đặc biệt khi người khuyết tật gặp khó khăn trong việc điền thông tin, mô tả thông tin, ký Phiếu yêu cầu cung cấp thông tin, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người khuyết tật... Các quy định này được đánh giá nhằm bảo đảm tính khả thi của luật, nhất là đối với những người được coi là “yếu thế” trong xã hội.

Khoản 4 Điều 33 Luật Tiếp cận thông tin xác định một trong những biện pháp bảo đảm quyền tiếp cận thông tin đó là việc xác định đơn vị, cá nhân làm đầu mối cung cấp thông tin. Để làm rõ trách nhiệm của đơn vị đầu mối cung cấp thông tin, cá nhân làm đầu mối cung cấp thông tin, dự thảo Nghị định đã xác định trách nhiệm cụ thể. Bên cạnh đó, xét về tính chất công việc có sự tương đồng của cá nhân làm đầu mối cung cấp thông tin với người tiếp công dân, dự thảo Nghị định cũng quy định về chế độ bồi dưỡng của cá nhân làm đầu mối cung cấp thông tin như đối với người tiếp công dân. Ngoài việc được hưởng chế độ bồi dưỡng, để nâng cao năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ về cung cấp thông tin, tăng cường nhận thức về trách nhiệm cung cấp thông tin của cơ quan, dự thảo Nghị định cũng quy định bồi dưỡng đối với cá nhân đầu mối cung cấp thông tin, cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị tham gia vào việc cung cấp thông tin.

Với mục đích cung cấp thông tin cho người yêu cầu thuận lợi, kịp thời và góp phần giảm yêu cầu cung cấp thông tin thì ứng dụng công nghệ thông tin trong việc trong cung cấp thông tin là rất quan trọng. Do đó, dự thảo Nghị định quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan cung cấp thông tin bảo đảm các biện pháp kỹ thuật nhằm ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp thông tin; tổ chức số hóa, sử dụng chữ ký số, sử dụng kỹ thuật công nghệ thông tin trong quản lý tài liệu điện tử, quản lý thông tin, theo dõi việc cung cấp thông tin và thiết lập Sổ theo dõi cung cấp thông tin theo yêu cầu; tổ chức chuyển nguồn tài liệu giấy hoặc hình thức chứa đựng thông tin khác sang tài liệu điện tử để đảm bảo cung cấp thông tin cho công dân thuận lợi, kịp thời, dễ dàng tra cứu.