Nhiều ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Bất chấp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất thêm 0,25%. Biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng thương mại trong nước vẫn đang trên đà giảm. Sau nghỉ lễ 30/4-1/5, lãi suất huy động giảm từ 0,1 - 1,55%/tùy ngân hàng.

Lãi suất giảm trên diện rộng

Trên thị trường trong nước, khảo sát biểu lãi suất niêm yết của các ngân hàng cho thấy, một số ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động. Hiện mức lãi suất cao nhất đang được các ngân hàng niêm yết cho kỳ hạn 12 tháng là 8,8%/năm, được áp dụng tại ABBank và OCB. Tiếp đến là  Viet A Bank (8,7%), Bắc Á Bank (8,6%), VietBank (8,6%), HDBank (8,6%). Nhóm ngân hàng tư nhân lớn đều đã đưa lãi suất tiền gửi 12 tháng xuống còn trên dưới 8% như SHB (7,9%), Techcombank (7,8%), ACB (7,75%), Sacombank (7,6%), MB (7,3%).

Từ 1/5, Vietcombank tiếp tục giảm lãi suất cho vay thêm 0,5%/năm.
Từ 1/5, Vietcombank tiếp tục giảm lãi suất cho vay thêm 0,5%/năm.

Lãi suất tiết kiệm trực tuyến tại NamA Bank thay đổi kể từ ngày 4/5, theo hướng điều chỉnh giảm. Kỳ hạn 6 tháng giảm 0,1% xuống 8,5%/năm. Kỳ hạn 12 tháng giảm 0,2% xuống còn 8,5%/năm và đây cũng là mức lãi suất được áp dụng với các kỳ hạn 13-14 tháng. Với các kỳ hạn từ 15 tháng trở đi, NamA Bank giảm 0,2% lãi suất, đồng loạt tại mức 8,4%/năm.

SaigonBank cũng giảm lãi suất huy động, với mức giảm từ 7,9% xuống còn 7,6%/năm đối với các kỳ hạn từ 6-8 tháng, giảm từ 8% về mức 7,7%/năm với các kỳ hạn từ 9-11 tháng; giảm còn 8%/năm sau thời gian dài niêm yết tại 8,3% với kỳ hạn 12 tháng; giảm đồng loạt 0,3% về mức 7,6%/năm với các kỳ hạn từ 18 tháng trở lên.

Hiện, nhóm ngân hàng thương mại nhà nước Big 4 có mức lãi suất tiền gửi 12 tháng thấp nhất thị trường ở mức 7,2%/năm khi gửi tại quầy. Với hình thức gửi tiền online, lãi suất huy động 12 tháng cao hơn khoảng 0,2 - 0,3 điểm % so với gửi tại quầy.

Ở kỳ hạn 6 tháng, Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank cũng có mức lãi suất thấp nhất thị trường, niêm yết đồng loạt 5,8%. Ngoài ra, TP Bank có mức lãi suất thấp là 6,1%, MB Bank 6,5%, SeaBank 6,8%, Đông Á Bank 6,9%...

Không chỉ giảm lãi suất huy động, các ngân hàng cũng giảm lãi suất cho vay. Chiều ngày 4/5, ngân hàng Vietcombank tiếp tục công bố giảm lãi suất cho vay thêm 0,5%/năm, áp dụng đến hết tháng 7 năm nay.

Ngoài Vietcombank, trước đó, Agribank cũng công bố giảm 1,5%/năm lãi suất cho vay bằng VND và 1%/năm cho khoản vay bằng USD, áp dụng từ 15/3 đến hết tháng 6.

Tương tự, MBBank cũng tuyên bố giảm 1%/năm lãi suất khi khách hàng vay vốn trên nền tảng số BIZ MBBank. Ngoài ra, một loạt ngân hàng như VietinBank, HDBank, BIDV, Agribank, ACB, Techcombank, VPBank... đều đang có các gói tín dụng ưu đãi lãi suất hỗ trợ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh.

Cần giảm mạnh lãi suất huy động và cho vay

Diễn biến hạ lãi suất rục rịch giảm từ quý II/2023 và càng trở nên rõ nét hơn khi bước vào nửa cuối năm. Các công ty chứng khoán đều cùng chung nhận định lãi suất sẽ rục rịch giảm từ quý II. Cuộc đua lãi suất huy động cũng đã chững lại gần đây sau nhiều động thái của Ngân hàng Nhà nước như yêu cầu giảm lãi suất hay hạ trần lãi suất.

Tính từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động đã hạ nhiệt đáng kể. Riêng kỳ hạn 12 tháng, lãi suất huy động đã giảm khoảng 1 - 1,7%/năm so với hồi cuối năm 2022.

Trong báo cáo thị trường tiền tệ mới phát hành, Chứng khoán VnDirect cũng kỳ vọng lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục giảm cho đến cuối năm 2023 do: FED có thể kết thúc chu kỳ tăng lãi suất điều hành vào giữa năm 2023, qua đó giảm áp lực lên tỷ giá cũng như lãi suất của Việt Nam trong nửa cuối năm nay; nhu cầu vay giảm do tăng trưởng kinh tế giảm tốc và thị trường bất động sản nhà ở ảm đạm; và Chính phủ thúc đẩy đầu tư công, qua đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế.

"Chúng tôi kỳ vọng lãi suất tiền gửi trung bình kỳ hạn 12 tháng (trung bình của cả ngân hàng tư nhân và quốc doanh) sẽ giảm thêm 50 điểm cơ bản xuống 7%/năm trong nửa cuối năm 2023" - Chứng khoán VnDirect cho hay.

Ngày 25/4, trong cuộc họp Thường trực chính phủ với các bộ, ngành và 5 ngân hàng thương mại Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động và cho vay, trên cơ sở đảm bảo cân đối lạm phát - tỷ giá để khuyến khích người dân gửi tiền.

Báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 vào sáng nay 5/5, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng kiến nghị, để đạt mục tiêu tăng trưởng năm nay, cần có các giải pháp điều hành quyết liệt, chủ động, kịp thời và phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng hơn giữa các cấp ngành.

Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ Tài chính quản lý chặt các nguồn thu, triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên; nghiên cứu, đề xuất chính sách giảm thuế, phí, lệ phí..., gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, ưu đãi lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước… Ngân hàng Nhà nước cần giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay; giữ ổn định thị trường ngoại tệ, điều hành tỷ giá phù hợp với tình hình và theo dõi chặt chẽ tình hình triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, việc trích lập dự phòng của các tổ chức tín dụng.