Mạo danh sàn TMĐT lừa đảo nhận quà tặng miễn phí:

Nhiều người dân bị lừa tiền tỷ

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Các hình thức mạo danh hệ thống siêu thị, nhãn hàng và sàn thương mại điện tử giả mạo tặng quà, nộp tiền tài khoản đang ngày càng nhức nhối.

Bị dụ nhận quà tri ân ảo

Chị Trần Ngọc (45 tuổi, ở Hoàng Mai) cho biết, ngày 22/7 tôi nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng là nhân viên của sàn Tiki với nội dung: "Chúc mừng chị đã nhận được quà của đợt khuyến mại mùa hè sôi động của Tiki".

Gói quà tặng được liệt kê gồm 1 tủ lạnh Panasonic, máy giặt, điện thoại iphone và nhiều đồ gia dụng khác. "Tất cả đều là quà tặng miễn phí, chị sẽ không phải trả thêm bất cứ một khoản chi phí nào. Lát nữa sẽ có nhân viên liên hệ với chị để hướng dẫn cách thức nhận quà. Chị dùng Zalo số này đúng không, bên em sẽ gửi kết bạn qua đây" - người tư vấn nói.

Sau khi chọn xong một món đồ gia dụng, chị được yêu cầu cung cấp họ tên, số điện thoại, tuổi và địa chỉ nhà để được nhận quà. Sau khi đăng ký, trang “Quà Tặng Tiki”… các đối tượng yêu cầu chị Ngọc cung cấp số điện thoại, địa chỉ nhận quà và hướng dẫn tạo tài khoản Telegram để cấp "phiếu xác nhận quà tặng".

Ban đầu các đối tượng sẽ hướng dẫn nạn nhân làm nhiệm vụ đơn giản là xem video của nhãn hiệu hàng trên Tiki và nhận được 10.000 – 20.000 đồng mỗi lượt xem. Sau khi tạo được sự tin tưởng cho nạn nhân khi làm nhiệm vụ, chắc chắn sẽ có tiền thưởng, đối tượng yêu cầu nạn nhân nâng cấp nhiệm vụ để nhận được phần thưởng lớn hơn. Chị Ngọc cho biết, tham gia vào nhóm tuyển dụng của công ty thì thấy có rất nhiều ứng viên như mình.

Tiếp đó, các ứng viên được chia thành nhóm nhỏ 3 người để bắt đầu đánh giá năng lực với yêu cầu đầu tiên là tải một số ứng dụng (app) và làm theo nhiệm vụ. Người hướng dẫn với tài khoản có tên TÙNG LÂM, chức vụ "trưởng phòng kinh doanh".

Theo chị Ngọc, để được nhận tiền, họ bắt buộc chị phải cung cấp thông tin số tài khoản ngân hàng, tên người thụ hưởng. Khi thực hiện xong chị được nhận đầy đủ số tiền tương ứng nhanh chóng. Tuy nhiên, đó chỉ là lúc chị đóng 350.000 đồng, chị được hoàn lại 485.000 đồng. Tiếp theo các đối tượng yêu cầu chị đóng các gói cao hơn 1,99 triệu đồng; 8,8 triệu đồng đồng với lý do “nhiệm vụ kép” tăng tương tác cho công ty vào tài khoản: TRAN TRONG ANH. Số tài khoản: 0000048397. Ngân hàng: KIEN LONG BANK.

Các đối tượng liên tục yêu cầu nạn nhân thực hiện nhiệm vụ với số tiền lớn dần, đồng thời đưa ra các lý do như: Để nhận phần thưởng lớn hơn thì phải lưu lại phần thưởng trước đó hoặc khi làm đủ nhiệm vụ mới nhận được toàn bộ số tiền gồm tiền đã chuyển và tiền thưởng… buộc nạn nhân phải tiếp tục chuyển tiền.

Nhiều người dân bị lừa tiền tỷ - Ảnh 1
Tội phạm lừa đảo qua mạng ngày càng tinh vi, nguy hiểm, gây thiệt hại lớn. (Trong ảnh: Nhiệm vụ đối tượng lừa đảo yêu cầu chị Ngọc).
Tội phạm lừa đảo qua mạng ngày càng tinh vi, nguy hiểm, gây thiệt hại lớn. (Trong ảnh: Nhiệm vụ đối tượng lừa đảo yêu cầu chị Ngọc).

Chị Ngọc cho biết, do bọn chúng còn đưa 2 đối tượng mồi vào trong nhóm thôi thúc chị đóng tiền. “Vì đóng tiền cả nhóm cùng lúc mới được hoàn tiền”- chị kể. Chưa dừng lại, họ tiếp tục đưa ra các gói đầu tư 8,8 triệu đồng; 18,8 triệu đồng; 52,8 triệu đồng và tăng dần 209 triệu, 350 triệu, 518 triệu… và đề nghị nhóm nộp tiền vào tài khoản.

Khi đối tượng dụ “con mồi” chuyển số tiền nhiều thì nhắn tin cho rằng đây là lỗi của chị, không phải lỗi của hệ thống: “Nhắc nhở! Hoàn tiền thất bại! (Thời gian bạn hoàn thành nhiệm vụ quá dài, dẫn đến không thể hoàn tiền cho bạn! Vì bạn quá giờ, hệ thống hiển thị không thể hoàn tiền, hiện tại bạn phải làm nhiệm vụ…” và buộc nộp phạt).

Các đối tượng luôn hứa hỗ trợ chị lấy lại tiền khi chị chuyển khoản thêm, nhưng càng chuyển càng mất, dừng thì tiếc số tiền đã chuyển. Chưa kể 2 đối tượng “chim mồi” trong nhóm của chúng liên tục thôi thúc chị nộp tiền rồi chụp ảnh được hoàn tiền cho chị khiến chị càng sốt ruột đóng tiền vào để được hoàn tiền. Thậm chí chúng còn dụ cho chị vay để nộp cùng nhóm.

Sau khi nộp tới 1,5 tỷ, chị Ngọc được hướng dẫn làm việc với kế toán để giải ngân và hưởng hoa hồng số tiền là  2,299 tỷ đồng. Tài khoản xưng là kế toán Đỗ Thị Hảo còn nhắc chị Ngọc thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân đóng vào cho chúng là 383 triệu đồng.

"Sập bẫy" với chiêu thức này, chị Q.T (trú quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, chỉ vì tin vào lời dụ dỗ ngon ngọt trên mạng xã hội mà chị đã bị lừa gần 3 triệu đồng. Chị T.V (trú tại Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội), chia sẻ theo hướng dẫn của các đối tượng, chị đã tải ứng dụng Telegram, đăng ký tài khoản và nhận nhiệm vụ từ các đối tượng qua các ứng dụng này. Và chị V. đã mất 44 triệu đồng khi nghe lời mời gọi, dụ dỗ của các "chuyên gia đọc lệnh".

Trước đó, chị V. được chủ tài khoản Facebook có tên Võ Lê Bảo Yến giới thiệu công việc là tương tác theo chuyên viên hướng dẫn để tăng lượng tương tác cho khách hàng mua sản phẩm bên công ty thời trang Khanh Anh.

Theo khảo sát, nhiều phụ nữ khác cũng bị lừa đảo với các chiêu thức trên. Hiện, nhiều người còn bị lừa mất tiền từ vài chục triệu đồng đến vài tỷ đồng chỉ vì tham quà tặng hoặc hoa hồng.

Cảnh báo tội phạm lừa đảo nở rộ trên mạng

Sau khi biết mình bị lừa, chị Ngọc đã ra cơ quan công an trình báo. Tại đây chị cũng gặp một người bị hại trình báo mất 212 triệu đồng như trường hợp của chị. Theo cơ quan điều tra, qua thụ lý các vụ án đã xảy ra, cơ quan công an xác định hầu hết người dân bị lừa do kẻ gian đánh trúng tâm lý, dễ tin tưởng, thích được nhận quà, quà gửi có kèm theo tiền, vàng với giá trị lớn... Kẻ gian thường sử dụng mạng xã hội (như: Facebook, Zalo...) để giao tiếp với các bị hại. Do đó, mọi người dùng điện thoại, mạng xã hội cần tỉnh táo để không "sập bẫy" lừa đảo.

Tương tự, ngày 22/7/2023, Công an huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) cho biết đang phối hợp các cơ quan chức năng thụ lý tin báo bị lừa hơn 2 tỉ đồng với chiêu thức nhận quà tặng qua mạng.

Đại diện Lazada, Tiki, cho biết công ty không có tặng quà tri ân theo các hình thức trên. Các hãng này gần đây nhận khá nhiều cuộc gọi phản ánh của khách hàng nên họ cũng liên tục cảnh báo.

Đại diện các hãng trên cho biết, đã có rất nhiều trường hợp mạo danh họ gửi tin nhắn chúc mừng khách trúng thưởng quà tặng. Nếu khách đồng ý nhận quà, họ sẽ được yêu cầu trả thêm phí vận chuyển hoặc phí hỗ trợ. Ngoài ra, nhiều trường hợp gửi tin nhắn SMS đến khách hàng, trong đó có chứa các link liên kết hoặc yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân như thẻ ngân hàng, mã OTP. Nếu khách hàng làm theo yêu cầu có nguy cơ bị đánh cắp thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng.

Để tránh bẫy lừa đảo, các hãng khuyên không nên trả bất cứ loại phí nào nếu không mua hàng trên các hệ thống bán hàng chính thức. Ngoài ra, không được bấm vào đường link từ những tin nhắn không rõ nguồn gốc gửi tới để tránh bị đánh cắp thông tin, mất tiền oan hoặc bị dẫn vào các nhóm kinh doanh bất hợp pháp.