Nhiều quy định mới về thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngày 22/9, Sở Xây dựng Hà Nội tổ chức Hội nghị tập huấn về một số quy định mới trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án và thiết kế, dự toán xây dựng công trình; công tác lập, thẩm duyệt thiết kế phòng cháy, chữa cháy (PCCC) công trình xây dựng.

Tham dự hội nghị có lãnh đạo Cục, Vụ thuộc Bộ Xây dựng, TP Hà Nội và đại diện lãnh đạo các phòng ban thuộc Sở Xây dựng tỉnh: Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Nguyên, Hòa Bình.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng cho biết, công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng đóng vai trò quan trọng để đảm bảo sự thành công của dự án, từ việc lên kể hoạch và thực hiện đến giám sát và kiểm soát. Quá trình đó được thực hiện dưới các quy dịnh của pháp luật.

Trong những năm qua, các quy định của pháp luật về xây dựng không ngừng được hoàn thiện theo hướng phân cấp quản lý, cụ thể, chi tiểt, kiểm soát chặt chẽ trong công tác thẩm định dự án đầu tư, thiết kế xây dựng nhưng tạo quyền chủ động, nâng cao vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư trong triển khai thực hiện; đồng thời tránh phát sinh thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện nhằm đem lại hiệu quả cao nhất cho dự án...

Một trong những điểm mới trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án và thiết kế, dự toán xây dựng công trình được sửa đổi lần này nổi bật như: Quy định lập báo cáo đề xuất chủ trương dự án là công việc thuộc bước chuẩn bị đầu tư dự án; Quy định lại việc phân kỳ đầu tư dự án (không phân biệt nhóm dự án); Phân cấp bổ sung cho Sở Xây dựng cấp tỉnh thẩm định toàn bộ dự án, thiết kế đổi với dự án nhóm B, công trình cấp II trở xuống trên địa bàn (kể cả các dự án do cơ quan T.Ư đầu tư trên địa bàn);

Quy định lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật được phép tăng không quá 10% thì không phải chuyển báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng; Cho phép thực hiện song song thủ tục thẩm định thiết kế với PCCC...

Đối với các dự án đầu tư xây dựng, công trình xây dựng, ngoài công tác quản lý dự án, quản lý chi phí, quản lý chất lượng thì công tác PCCC luôn được các cấp, ngành quan tâm… Nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác PCCC đối với công trình xây dựng, việc tuân thủ thiết kế PCCC từ bước lập, thẩm duyệt thiết kế PCCC là một trong những bước quan trọng để đảm bảo công tác an toàn PCCC.

“Hội nghị lần này sẽ dành một chuyên đề hướng dẫn chi tiết một số nội dung về lập, thẩm duyệt thiết kế PCCC trong công trình xây dựng theo quy định của Luật PCCC, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCCvà các quy định mới. Trong đó sẽ tập trung vào các điểm mới của Nghị định số 35/2023/ND-CP liên quan đến công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng và giới thiệu một số quy định đối với việc lập, thẩm duyệt thiết kế PCCC công trình xây dựng” – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng cho hay.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) Bùi Văn Dưỡng hướng dẫn thi hành một số quy định mới liên quan đến dự toán xây dựng công trình và thẩm duyệt PCCC.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) Bùi Văn Dưỡng hướng dẫn thi hành một số quy định mới liên quan đến dự toán xây dựng công trình và thẩm duyệt PCCC.

Hội nghị đã được nghe chuyên gia đến từ Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) và Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Hà Nội – những người trực tiếp tham gia vào soạn thảo các nghị định và quy định liên quan đến công tác quản lý dự án, PCCC trình bày, hướng dẫn. Trong đó, tập trung vào một số vấn đề, như: Thẩm quyền, trách nhiệm theo các quy định mới trong công tác thẩm định dự án, thiết kế triển khai sau thiết kể cơ sở, dự toán xây dụng đối các dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn Nhà nước ngoài đầu tư công nói riêng và dự án sử dụng vốn khác; Những khó khăn, vướng mắc trong việc lập, thẩm định dự án, thẩm định thiết kế xây dựng, thẩm duyệt thiết kế PCCC;

Làm rõ tính đồng bộ hóa giữa các cấp độ quy hoạch làm cơ sở lập, thẩm định dự án đầu tư. Xác định nhiệm vụ lập quy hoạch chi tiết các KCN (bao gồm cả ô đất hay chỉ hạ tầng khung của khu); Nhận biết rõ các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ. Trách nhiệm thẩm duyệt, thẩm định về thiết kế phòng cháy của cơ quan Cảnh sát PCCC và cơ quan chuyên môn về xây dựng, cũng như chủ đầu tư.