Nhiều yếu tố tích cực "nâng đỡ" thị trường chứng khoán cuối năm 

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường chứng khoán cuối năm được kỳ vọng sẽ hoạt động ổn định, thanh khoản tốt nhờ vào hàng loạt yếu tố tích cực nâng đỡ như lạm phát nằm trong tầm kiểm soát, lãi suất cho vay giảm, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, các chương trình hỗ trợ của Chính phủ,...

Chiều 9/11/2023, Diễn đàn đầu tư Việt Nam 2024 (Vietnam Investment Forum 2024) với chủ đề “Theo dấu dòng tiền – Tracking the Cash flow” được tổ chức tại khách sạn Vinpearl Landmark 81, TP Hồ Chí Minh.

Tại diễn đàn, bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán thuộc Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) cho biết, từ đầu năm 2023, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua nhiều biến động trong bối cảnh kinh tế - chính trị thế giới có nhiều bất ổn, tăng giảm đan xen nhưng nhìn chung trong xu hướng giảm điểm kể từ tháng 9, thanh khoản dần cải thiện trong nửa cuối năm.

Thị trường chịu áp lực giảm điểm trước sự suy giảm tăng trưởng của các nền kinh tế lớn, lo ngại về tác động của căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông, áp lực tỷ giá cùng các động thái rút tiền của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông qua hoạt động bán tín phiếu.

Tuy nhiên, đại diện UBCKNN cũng chỉ ra một số tín hiệu tích cực tới thanh khoản trên thị trường chứng khoán trong thời gian tới như lạm phát nằm trong tầm kiểm soát, mặt bằng lãi suất cho vay có xu hướng giảm, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, tăng giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình hỗ trợ của Chính phủ,...

Các diễn giả tham gia thảo luận tại Diễn đàn đầu tư Việt Nam 2024. Ảnh: BTC
Các diễn giả tham gia thảo luận tại Diễn đàn đầu tư Việt Nam 2024. Ảnh: BTC

Có góc nhìn tương tự, ông Nguyễn Xuân Thành - chuyên gia kinh tế, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright cũng nhận định, thị trường chứng khoán cuối năm có nhiều tín hiệu tích cực. Đầu tiên là sự tích cực từ xuất khẩu đã phục hồi và tăng trưởng. Động lực tích cực thứ hai là giải ngân vốn đầu tư công từ cuối năm nay đến sang năm sau.

“Thị trường có thể thắc mắc là giải ngân ít quá nhưng chúng ta phải hiểu là tác động của vốn đầu tư công luôn có độ trễ khoảng 5 tháng.Trong quý I, gần như sẽ không giải ngân được, quý II chuẩn bị thì tới quý III và quý IV mới là lúc tiền ra. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công năm nay đã cao hơn năm ngoái và do độ trễ của đầu tư công nên con số 32 tỷ USD sẽ tác động đến kinh tế vào cuối năm nay, đầu năm sau” - ông Nguyễn Xuân Thành phân tích.

Chưa kể, sắp tới, Quốc hội sẽ phê duyệt ngân sách năm 2024. Năm sau sẽ không có chương trình phục hồi và phát triển kinh tế nên quy mô đầu tư công sẽ thấp đi, chỉ còn khoảng 29 tỷ USD. Nhưng đây vẫn là một con số lớn.

Bên cạnh đó, hai động lực với nền kinh tế sẽ đến từ xuất khẩu phục hồi, đơn hàng quay trở lại sẽ khiến cho lao động khu công nghiệp sẽ quay trở lại tạo cú hích cho tiêu dùng. Nếu Quốc hội thông qua việc giảm thuế VAT 2% cũng cũng là cú hích tiếp theo cho 6 tháng đầu năm 2024. Ở Việt Nam, những chính sách cho từng đối tượng sẽ khó giải ngân nhưng giảm thuế sẽ mang lại hiệu quả rất tốt.

Ông Nguyễn Xuân Thành - chuyên gia kinh tế, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright dự báo chính sách tiền tệ. Ảnh: BTC
Ông Nguyễn Xuân Thành - chuyên gia kinh tế, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright dự báo chính sách tiền tệ. Ảnh: BTC

Một lo ngại nữa về thị trường chứng khoán là USD lên giá trên toàn cầu. Áp lực tỷ giá khiến NHNN phải phát hành tín phiếu, ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán. Nhưng kỳ hạn của tín phiếu chỉ có 28 ngày đến giờ đã đáo hạn và đã bơm tiền trở lại.

Đồng USD đã không lên giá mạnh nữa sẽ không gây áp lực đến chính sách tiền tệ, tạo dư địa cho NHNN duy trì chính sách tiền tệ mở rộng. Lãi suất đã đáy nhưng nếu duy trì được trong cả năm 2024 sẽ là tín hiệu tích cực.

Đồng quan điểm, chia sẻ tại diễn đàn, ông Trần Hoài Nam - Phó Tổng Giám đốc HDBank cho biết, lãi suất cho vay sẽ giảm dần từ nay đến cuối năm và sang quý I/2024, đây cũng là cơ hội để dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, để đưa ra dự báo trong thời gian dài là rất khó, tùy thuộc vào biến động kinh tế vĩ mô trong nước và thế giới.

“Hiện tại không còn nhiều dư địa để giảm lãi suất. Lãi suất cho vay có độ trễ hơn lãi suất tiền gửi, các ngân hàng thương mại đã có thời kỳ nâng lãi suất cho vay lên cao trong giai đoạn nền kinh tế khóa khăn cuối năm 2022, đầu năm 2023. Bên cạnh đó, room tín dụng ở các ngân hàng đã sớm được NHNN điều chỉnh từ tháng 7 vừa qua, khi các yếu tố vĩ mô tiến triển tích cực hơn cùng môi trường lãi suất thấp thì nhu cầu giải ngân vốn tín dụng sẽ tăng. Hiện các ngân hàng thương mại đều thừa thanh khoản” - ông Trần Hoài Nam cho hay.

 Ông Trần Hoài Nam - Phó Tổng Giám đốc HDBank khẳng định lãi suất cho vay sẽ giảm dần từ nay đến cuối năm. Ảnh: BTC
 Ông Trần Hoài Nam - Phó Tổng Giám đốc HDBank khẳng định lãi suất cho vay sẽ giảm dần từ nay đến cuối năm. Ảnh: BTC

Bàn về vấn đề thanh khoản của thị trường chứng khoán, theo ông Trần Hoài Nam, điều này đến từ sức hấp dẫn của thị trường cũng như là kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, định hướng của nền kinh tế được tốt hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, tâm lý của nhà đầu tư cá nhân chưa được chuyên nghiệp, thiếu bình tĩnh, sẽ không ảnh hưởng nhiều tới thanh khoản của thị trường. Hôm qua thị trường chứng khoán giảm, nay lại tăng ầm ầm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Linh - Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán VPBank cho rằng, thị trường chứng khoán sẽ trở lại như những gì nhà đầu tư mong muốn và nỗ lực. Nhà đầu tư phải chuẩn bị tư duy rất rõ là thị trường chứng khoán luôn tồn tại cơ hội.

“Năm 2023 từng được các chuyên gia dự báo rất khó nhưng lại có giai đoạn rất tốt. Ngay cả những năm Covid-19, thị trường chứng khoán cũng có cơ hội. Điều quan trọng nhất là làm gì để tận dụng được cơ hội đó. Nếu nhà đầu tư xem thị trường chứng khoán là nơi để vào gặt hái thì rất khó. Thật xuất sắc nếu chúng ta chọn được thời điểm mua cổ phiếu. Tiếp theo nhà đầu tư phải có các tiêu chí để phân bổ tài sản và cân đối tỷ trọng, cuối cùng là thời điểm bán (bán chốt lời và bán cắt lỗ)” - ông Nguyễn Duy Linh nói và nhấn mạnh, vào thời điểm VN-Index lên 1.200 điểm, nhà đầu tư trên thị trường từng rất lạc quan và bỏ qua yếu tố quản trị rủi ro.

“Chúng ta luôn luôn phải làm bài tập về nhà: Trong lúc bi quan nhất cũng cần làm việc để tận dụng tất cả trạng thái của thị trường” - ông Nguyễn Duy Linh nói thêm.

Ông Dominic Scriven - Chủ tịch Dragon Capital Việt Nam tin tưởng vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Ảnh: BTC
Ông Dominic Scriven - Chủ tịch Dragon Capital Việt Nam tin tưởng vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Ảnh: BTC

Bày tỏ tin tưởng vào thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Dominic Scriven - Chủ tịch Dragon Capital Việt Nam đánh giá, Việt Nam là quốc gia có nhiều yếu tố thuận lợi, không chỉ kinh tế mà còn là dân số, địa chính trị. Việt Nam có dân số 104 triệu người, tốc độ tăng trưởng rất tốt trong khi nhiều quốc gia châu Á khác thì hầu hết đang có dân số già.

Yếu tố thứ hai là vị trí địa chính trị, địa lý về kinh tế. Không có nước nào có kênh đối thoại cùng lúc với các nước lớn gồm: Nga, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ như Việt Nam.

“Tôi cho rằng, vốn quốc tế đầu tư vào Việt Nam hiện vẫn rất nhỏ. Tại hội nghị của 50 quỹ hưu trí Mỹ mà tôi vừa tham dự mới chỉ có 3 quỹ đầu tư vào Việt Nam. Lý do là họ còn thận trọng và thứ hai là tổng vốn của các quỹ này rất lớn lên tới 500 triệu USD nên phải phân bổ tại nhiều quốc gia. Với những yếu tố trên, theo tôi các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ quan tâm, tìm hiểu mà là phải đầu tư vào Việt Nam”  - ông Dominic Scriven nhấn mạnh.

 

UBCKNN sẽ tăng cường giám sát thị trường chứng khoán

Cũng trong khuôn khổ diễn đàn, bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán thuộc UBCKNN khẳng định, với vai trò là cơ quan trực tiếp quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, UBCKNN đang và sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy thị trường phát triển theo hướng bền vững, an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

Cụ thể, UBCKNN sẽ đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về chính sách kinh tế vĩ mô, công tác điều hành kinh tế; phối hợp với các tổ chức  liên quan quyết liệt triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam theo lộ trình đã đặt ra.

Đồng thời, tăng cường giám sát chặt chẽ thông tin, chống các tin đồn thất thiệt trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là các tin đồn, tin xấu nhằm trục lợi, gây bất ổn tâm lý trên thị trường. Xử lý nghiêm một số vụ việc điển hình nhằm tạo tính răn đe, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trên thị trường.

UBCKNN cũng sẽ tăng cường giám sát, kiểm tra đối với hoạt động huy động, sử dụng vốn của các tổ chức phát hành; tăng cường kiểm tra chất lượng báo cáo tài chính và hoạt động kiểm toán; tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt...