Nhìn lại 10 sự kiện chứng khoán Việt nổi bật năm 2016

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là những sự kiện đã ghi lại dấu ấn đậm nét sau một năm đầy biến động của thị trường chứng khoán Việt Nam.

1. Dấu ấn 20 năm thị trường chứng khoán

Ngày 28/11/2016, Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm ngành truyền thống ngành Chứng khoán Việt Nam và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì.

Nhìn lại chặng đường 20 năm qua, chính những người đặt nền móng đầu tiên và gắn bó với những bước thăng trầm của TTCK Việt Nam cũng không khỏi ngạc nhiên về thành quả đạt được vượt ngoài sức tưởng tượng của những ngày đầu. 20 năm qua, Việt Nam đã xây dựng được một TTCK vận hành suôn sẻ, gồm các Sở GDCK (HSX và HNX) với trên 1.000 doanh nghiệp đại chúng đưa cổ phiếu vào giao dịch tập trung, quy mô vốn hóa cổ phiếu niêm yết trên 70 tỷ USD, thu hút 1,6 triệu nhà đầu tư trong và ngoài nước.
 Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì

Trong suốt 2 thập kỷ qua, TTCK đã huy động trên 2 triệu tỷ đồng vốn cho đầu tư phát triển doanh nghiệp và đất nước. Khoảng 4.000 doanh nghiệp đã thực hiện bán đấu giá công khai cổ phần ra công chúng thông qua TTCK.

Năm 2016 cũng là năm đánh dấu chặng đường 10 năm đầu tiên của Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) với vai trò là tổ chức duy nhất tại Việt Nam cung cấp các dịch vụ về đăng ký, lưu ký, bù trừ, thanh toán chứng khoán và các dịch vụ khác hỗ trợ việc giao dịch mua, bán chứng khoán, đảm bảo cho thị trường vận hành an toàn, thông suốt và hiệu quả.

Cũng trong năm 2016, cùng với dấu ấn 20 năm ngành chứng khoán, các sản phẩm mới và đặc thù đã lần lượt được xác nhận. Lần đầu tiên hành lang pháp lý cho sự ra đời và hoạt động của quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện đã được Chính phủ ban hành tại Nghị định 88/2016/NĐ-CP về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện. Bộ tài chính đang hoàn chỉnh các văn ản hướng dẫn để mở đường cho sự ra đời các loại hình quỹ mới này tại Việt Nam với kỳ vọng cải thiện sức cầu cho TTCK.

2. Năm của thiên nga đen và những cú sốc bất ngờ

TTCK Việt Nam năm 2016 chứng kiến những cú sốc bất ngờ từ bên ngoài có tác động mạnh mẽ chưa từng thấy. Đó là các sự kiện rất ít nhà đầu tư nghĩ tới khả năng xảy ra như sự kiện TTCK ngắt giao dịch ngày 1/4, sự kiện Anh rời khỏi EU (Brexit) ngày 24/6, kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 9/11.
 

Hầu hết các sự kiện này đều tác động đến TTCK Việt Nam và dẫn đến hoạt động bán tháo, dù chỉ là những biến động từ bên ngoài. Ngày 24/6, Vn-Index có lúc sụt giảm 5,47%, ngày 9/11 giảm sâu nhất 3%, tuy nhiên do nền tảng của thị trường vẫn tốt nên phục hồi ngay sau đó.

3. Từ IPO đến sàn chứng khoán - con đường ngắn “kỷ lục”

Ngày 1/11/2016, Thông tư số 115/2016/TT-BTC chính thức có hiệu lực. Theo quy định của Thông tư này chỉ sau khoảng 20 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn thanh toán tiền mua cổ phần qua đấu giá, nhà đầu tư mua cổ phần qua đấu giá đã có thể giao dịch cổ phần trên thị trường UPCoM. Như vậy, con đường từ hậu IPO đến sàn chứng khoán đã được rút ngắn rất nhiều so với quy định trong vòng 90 ngày tại Quyết định 51/2014/QĐ-TTg.
 

Cùng với việc cải tiến về thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian lên sàn chứng khoán, các chế tài cưỡng chế đối với việc chây ì lên sàn chứng khoán hậu IPO đã được sửa đổi theo hướng nghiêm khắc hơn. Ngày 1/11/2016, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 145/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 108/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trên thị trường chứng khoán. Một trong những nội dung được chú ý nhất tại Nghị định 145 chính là việc sửa đổi khung phạt đối với hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông, đến tính minh bạch trong hoạt động và quản trị của công ty đại chúng. Các mức phạt tiền, tương ứng với tính chất, mức độ vi phạm, trong đó cao nhất là phạt tiền 400 triệu đồng đối với hành vi chậm lên sàn trên 12 tháng.

4. Ra mắt chỉ số chứng khoán chung, mở đầu cho lộ trình hợp nhất 2 sở GDCK

Ngày 24/10/2016, chỉ số chung VNX-Allshare đã chính thức vận hành và là chỉ số cơ sở đầu tiên kết nối 2 sàn niêm yết hiện nay. Đây là một trong những dấu mốc quan trọng trên con đường hợp nhất 2 Sở GDCK tại Việt Nam.
 

Việc ra đời chỉ số chung VNX-Allshare được giới đầu tư trong và ngoài nước đánh giá cao, bởi từ trước đến nay, 2 Sở GDCK tại Việt Nam vận hành những bộ chỉ số độc lập. Các chỉ số hiện hành của mỗi Sở mới đo lường sự biến động chứng khoán tại mỗi Sở, chưa có chỉ số nào đo lường sự biến động chung của chỉ số trên toàn TTCK Việt Nam.

Tuy nhiên, sau diễn biến ra mắt chỉ số chung, việc hợp nhất 2 Sở GDCK vẫn đang chờ quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Việc hợp nhất 2 Sở GDCK thành Sở GDCK Việt Nam sẽ giúp thị trường được tổ chức thống nhất, nâng quy mô vốn hóa toàn thị trường niêm yết tại Việt Nam lên khoảng 70 tỷ USD và là một trong những yếu tố thuận lợi trên con đường nâng hạng TTCK VIệt Nam từ mức cận biên lên mới nổi.

5. Hiện thực hóa quyết tâm bán vốn nhà nước tại các ông lớn và các vấn đề đang đặt ra

Ngày 12/12/2016, phiên chào bán cạnh tranh 9% cổ phần của Nhà nước do Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) làm đại diện chủ sở hữu tại Cty Cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk (mã CK: VNM-Hose) đã diễn ra tại Sở GDCK. TP.HCM. Theo đó 78.378.300 cổ phần VNM, tương đương 60% số lượng cổ phần chào bán, đã dược bán cho 2 nhà đầu tư nước ngoài bao gồm F&N Dairy Investment Pte Ltd và F&N Bev Manufacuring Pte Ltd. Với giá bán 144.000 đồng/cp, nhà nước thu về 11.286 tỷ đồng sau khi bán 5,4% cổ phần tại Vinamilk.
 

Mặc dù khối lượng bán không như kỳ vọng, nhưng với mức giá giao dịch đạt 144.000 đồng/cp, cao hơn 7,7% giá đóng cửa của ngày chào bán, thương vụ thoái vốn đợt 1 của SCIC tại Vinamilk được xem là một thương vụ tiêu biểu của năm 2016 (giá trị giao dịch lớn nhất Đông Nam Á năm 2016 đạt 500 triệu USD).

Việc thành công trong bán vốn tại Vinamilk lần này chính thức “mở hàng” cho một loạt các hoạt động thoái vốn tại 10 doanh nghiệp lớn mà SCIC đang nắm giữ, theo yêu cầu của Chính phủ tại văn bản số 1787/TTg-ĐMDN, đồng thời khai mở một con đường cho quá trình bán vốn Nhà nước tại các DN lớn và có mức ảnh hưởng nhất định tới thị trường năm 2017.

6. Cổ phiếu ROS gây ngạc nhiên TTCK

Trong năm 2016, cổ phiếu ROS của CTCP Xây dựng FLC (Faros) không chỉ thu hút sự chú ý của giới truyền thông Việt Nam, mà còn gây tò mò với cả giới truyền thông tài chính quốc tế như The Wall Street Journal. 

 

Chỉ cần gõ cụm từ "cổ phiếu ROS", Google lập tức cho ra tới 290.000 kết quả chỉ trong 0,34 giây với hàng loạt thông tin, bình luận về cổ phiếu này. Thành lập từ năm 2011 với số vốn điều lệ khoảng 1,5 tỷ đồng, sau 5 năm, vốn điều lệ của ROS đã tăng lên mức 4.300 tỷ đồng. Kể từ khi niêm yết, cổ phiếu ROS đã tăng từ mức 12.600 đồng/CP ngày 1/9 lên mức 126.000 đồng/CP vào ngày 25/11 - gấp 10 lần chỉ trong vòng 3 tháng lên sàn, đưa cổ phiếu này vào TOP 10 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.

7. MTM và gáo nước lạnh dội vào sàn chứng khoán

Ngày 16/9/2016, cơ quan an ninh điều tra - Bộ công an đã ra quyết định khởi tố hình sự “Trần Hữu Tiệp cùng đồng bọn lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Hà Nội và các tỉnh. Ngày 19/9/2016, Cơ quan an ninh điều tra - Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam với Trần Hữu Tiệp - Chủ tịch HĐQT CTCP Mỏ và Xuất nhập khẩu khoáng sản miền Trung (mã MTM).
 

Trước đó, ngày 20/6/2016, Sở GDCK Hà Nội đã quyết định buộc 31 triệu cổ phiếu MTM phải tạm ngừng giao dcihj tại sàn Upcom với lí do bảo vệ nhà đầu tư. Tại thời điểm bị tạm ngừng, cổ phiếu MTM chỉ còn 2.600 đồng/cp, mất 80% giá trị so với lúc chính thức lên sàn.

Với sự việc MTM, thị trường lần đầu tiên chứng kiến một dạng rủi ro mới xuất hiện, đó là khả năng lừa đảo có chủ đích khi đưa một doanh nghiệp không còn hoạt động, tài sản không có thật lên sàn chứng khoán, lợi dụng những quy định thông thoáng nhằm trục lợi.

Rủi ro này đặt vấn đề giám sát tốt hơn với thị trường Upcom, nhất là khi sự tăng trưởng của thị trường đang rất nhanh. Sau 7 năm hoạt động, tính đến 16/12/2016, Upcom có 394 doanh nghiệp đăng ký giao dịch. Với đà tăng trưởng hiện nay, dự báo giá trị vốn hóa của thị trường Upcom có thể lên tới gần 13 tỷ USD, dự kiesn tăng gấp đôi với với thị trường HNX hiện nay.

8. Thị trường chứng khoán phái sinh - Cơ bản sẵn sàng cho khai trương năm 2017

Ngày 16/3/2016, HNX và VSD tổ chức công bố mô hình và kế hoạch phát triển hệ thống giao dịch và bù trừ thanh toán chứng khoán phái sinh. Việc công bố nhằm giúp các thành viên thị trường nắm bắt được mô hình và lộ trình triển khai, từ đó phối hợp với HNX, VSD đưa thị trường chứng khoán phái sinh vào vận hành theo kế hoạch.
 

Mở đường bằng Nghị định 42/2015/NĐ-CP, tiếp đó được chi tiết hóa bằng Thông tư 11/2016/TT-BTC, khung pháp lý cho TTCK phái sinh cơ bản được hoàn thiện. Tính tới cuối năm 2016, theo thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, HNX, VSD và các thành viên thị trường, các khâu chuẩn bị về cơ bản đã được hoàn thiện, sẵn sàng cho cho TTCK phái sinh chính thức vận hành vào đầu năm 2017.

Sự hiện diện của thị trường chứng khoán phái sinh được xem như một dấu ấn quan trọng trong lộ trình hoàn thiện cấu trúc của TTCK Việt Nam, góp phần hoàn thiện cơ cấu hàng hóa trên thị trường tài chính và giúp hỗ trợ đa dạng hóa danh mục đầu tư, cung cấp công cụ phòng ngừa rủi ro và đáp ứng nhu cầu ngày một nhiều đối với các sản phẩm tài chính bậc cao.

9. Trái phiếu chính phủ - Thêm một năm “đại được mùa”

Thị trường TPCP năm 2016 liên tiếp lập nhiều kỷ lục ấn tượng: Thị trường sơ cấp ghi nhận mức huy động kỷ lục với con số lên tới 281 nghìn tỷ đồng. Đó là chưa tính tới việc, kế hoạch huy động cả năm được thay đổi tới 3 lần, từ mức 220, lên 250 và 281 nghìn tỷ đồng. Chưa bao giờ như năm nay, chỉ tính tới giữa tháng 9, thị trường sơ cấp đã hoàn thành kế hoạch năm đã điều chỉnh (250 nghìn tỷ đồng).
 

Cũng chưa năm nào như năm 2016, kỳ hạn huy động TPCP trên thị trường sơ cấp liên tiếp được kéo dài. Mặc dù Nghị quyết 99/2015/NQ-QH đã cho phép phát hành thêm kỳ hạn 3 năm, nhưng năm nay là năm mà các kỳ hạn dài, siêu dài (20, 30 năm) mới thực sự gây ấn tượng. Tính tới thời điểm cuối năm 2016, kỳ hạn vay bình quân TPCP trong năm đạt ? năm, nâng kỳ hạn bình quân của cả danh mục TPCP đạt ? năm (cao hơn ? năm so với kỳ hạn bình quân danh mục TPCP đến cuối năm 2015 là 4,44 năm).

Cùng với việc lãi suất huy động giảm mạnh (có thời điểm kỳ hạn 5 năm về dưới mốc 5%/năm), điều này có ý nghĩa rất lớn đối với việc tái cơ cấu kỳ hạn nợ của Chính phủ theo hướng kéo dài thời gian trả nợ, giảm bớt áp lực lên “đỉnh” nợ ngắn hạn và chi phí huy động vốn.

Năm 2016, cũng là năm ghi nhận sự sôi động của thị trường TPCP thứ cấp. Chưa năm nào, tổng lượng giao dịch TPCP đạt con số khoảng 1,5 triệu tỷ đồng và giá trị bình quân phiên đạt trên 6.200 tỷ đồng/phiên. Thêm một điểm đáng lưu ý trên thị trường thứ cấp là lượng gioa dịch repo đã chiếm tỷ trọng lớn hơn nhiều, điều này phần này cho thấy thị trường đã có sự phát triển mạnh theo chiều sâu.

10. Nới room cho nhà đầu tư nước ngoài: bài toán chuyển sang năm 2017

Nới rộng tỷ lệ đầu tư tối đa của nhà đầu tư nước ngoài trong các DN đại chúng của Việt Nam là chính sách được chờ đợi nhiều nhất, bàn thảo nhiều nhất và kỳ vọng nhiều nhất tại TTCK Việt Nam.
 

Tuy nhiên, hơn 1 năm kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 60/2015/NĐ-CP quy định những điểm mới về tư duy nới room, nhưng thực tế, số DN thực thi việc này lai quá ít (chưa đầy 10 DN). Điểm mắc nhất trong triển khai Nghị định nới room lại chính nằm ở Luật Đầu tư khi quy định, các DN có sở hữu trên 51% vốn ngoại sẽ được đối xử như nhà đầu tư nước ngoài. Các DN gặp khó với quy định về tỷ lệ 51% này khi họ buộc phải cân nhắc, nếu nới room và nhà đầu tư ngoại mua đến quá bán cổ phiếu của DN, DN sẽ trở thành pháp nhân nước ngoài.

Thực tế, các DN niêm yết phải cân nhắc việc nới room và những quy định tại Luật Đầu tư vì quy định hiện hành trên TTCK cho phép khối ngoại mua đến 49% vốn của DN. Ngưỡng 49% và 51% cách nhau quá nhỏ, nhưng địa vị pháp lý của DN lại có sự khác biệt lớn, bởi nếu DN thuộc đối tượng nhà đầu tư nước ngoài, nhiều thủ tục liên quan như về thuế, về đầu tư, về tín dụng… sẽ phải thực hiện theo quy định của nhà đầu tư nước ngoài.

Gỡ nút thắt nới room trên TTCK như thế nào là dấu hỏi của năm 2017 khi Luật Đầu tư mới được ban hành, còn Luật Chứng khoán (văn bản pháp lý tương đương), dự kiến đến năm 2018 Chính phủ mới trình Quốc hội ban hành thế hệ Luật Chứng khoán thứ hai.