Nhìn thẳng vào vấn đề

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội bắt đầu diễn ra và dự kiến sẽ “nóng” bởi những vấn đề được đưa ra nghị trường lần này đều gắn chặt với đời sống xã hội, được cử tri đặc biệt quan tâm.

Do đó không chỉ các đại biểu, mà cử tri đều hy vọng rằng, với tinh thần nhìn thẳng vào vấn đề, qua chất vấn sẽ chỉ rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm và rõ giải pháp trước quá nhiều vấn đề còn băn khoăn, nhiều lời hứa còn cần thời gian để giải quyết.
Mục đích của phiên chất vấn và trả lời chất vấn là làm rõ trách nhiệm của các bộ trưởng, trưởng ngành trước những nội dung thuộc lĩnh vực mình phụ trách, thúc đẩy việc thực thi nhiệm vụ đặt ra.
Bởi vậy, tiếp tục tinh thần đổi mới từ những kỳ họp trước, phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần này sẽ không chỉ có hỏi và đáp, mà còn có sự tranh luận giữa đại biểu với các bộ trưởng và có thể cả các đại biểu với nhau để cộng hưởng trách nhiệm trong việc chung tay giải quyết những vấn đề bức xúc của thực tiễn cuộc sống.
Mỗi đại biểu khi bước vào phiên chất vấn đều đã chuẩn bị sẵn những câu hỏi cho các bộ trưởng. Có đại biểu quan tâm đến các vụ bạo hành, xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em xảy ra thời gian qua, gây bức xúc cho dư luận; nhiều vụ việc khi được phát hiện nhưng quá trình xử lý rất khó khăn do hành lang pháp lý yếu và sự lúng túng trong cách áp dụng luật. Có đại biểu lại băn khoăn trước các vấn đề quản lý thị trường bất động sản, hoạt động đầu tư xây dựng… Hay tình trạng giao thông đang là vấn đề nhức nhối, đặc biệt là tình trạng ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn…
Nhưng dù quan tâm đến vấn đề gì, các đại biểu đều mong rằng, người được chất vấn sẽ nhìn thẳng vào các tồn tại của ngành mình, có tiếng nói, trách nhiệm với lĩnh vực thuộc mình phụ trách. Bởi khi lĩnh vực hay ngành đó xảy ra những sai sót, bộ trưởng cần nhận trách nhiệm cá nhân không chỉ là đòi hỏi của đại biểu mà cũng là mong muốn của cử tri. Để sau đó, người đứng đầu và ngành sẽ có sự rút kinh nghiệm thực sự, tận tâm giải quyết những tồn tại, yếu kém, tránh những sai sót và tránh tạo ra “ấn tượng trái chiều” với lĩnh vực đó.
Đồng thời, như nhiều ý kiến nhận định, cùng với việc truy trách nhiệm của bộ trưởng, cử tri cũng mong muốn nhìn thấy sự chia sẻ của đại biểu trước những tồn tại, khó khăn đặt ra với người đứng đầu các ngành, lĩnh vực. Bởi có những tồn tại không thể một sớm, một chiều giải quyết dứt điểm được hoặc có khi nằm ngoài thẩm quyền của một người.
Nhìn từ các phiên chất vấn trước có thể thấy, không chỉ hỏi, nhiều đại biểu đã sử dụng quyền tranh luận để “gỡ khó” và “hiến kế” khi bộ trưởng, trưởng ngành vẫn loay hoay với những giải pháp hoặc lúng túng trong giải quyết vấn đề. Do đó, để phiên chất vấn trước Quốc hội lần này thực sự đạt đến mục đích như cử tri mong muốn, cũng đòi hỏi mỗi đại biểu phải nghiên cứu kỹ, đánh giá thấu đáo những việc mà các cơ quan này chưa làm được, trách nhiệm thuộc về cá nhân người đứng đầu chưa quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc thực hiện hay thuộc về yếu tố khách quan, về cơ chế chính sách, để có thể đưa ra những nội dung chất vấn “đắt giá”, đúng bản chất nhất. Và người được chất vấn là các bộ trưởng sẽ không né tránh mà đưa ra được cả những biện pháp tức thời lẫn biện pháp dài hơi, chiến lược để giải quyết vấn đề thực tiễn cuộc sống đặt ra và thực hiện cho được lời hứa trước Quốc hội.