70 năm giải phóng Thủ đô

Nhịp cầu nhà nông: Giúp nông dân Hoài Đức tiếp cận khoa học kỹ thuật

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp đã tư vấn cho nông dân, chủ trang trại trên địa bàn huyện Hoài Đức nhiều biện pháp xử lý hiệu quả những vấn đề phát sinh trong quá trình chăm sóc cây trồng, vật nuôi, giúp giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Ngày 6/4, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với UBND huyện Hoài Đức tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu nhà nông. Diễn đàn có sự tham gia của hơn 200 đại biểu là các hộ nông dân, chủ trang trại, giám đốc hợp tác xã trên địa bàn huyện. Cùng tham dự diễn đàn còn các nhà quản lý, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp.

Đông đảo nông dân, chủ trang trại tham gia trao đổi với các chuyên gia tại diễn đàn. Ảnh: Ngọc Ánh
Đông đảo nông dân, chủ trang trại tham gia trao đổi với các chuyên gia tại diễn đàn. Ảnh: Ngọc Ánh

Giải đáp các câu hỏi liên quan đến nuôi trồng thủy sản, TS Kim Văn Tiêu -nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, việc xử lý môi trường nước trong nuôi trồng thủy sản là quan trọng hàng đầu. Do đó, nông dân phải có kế hoạch phòng bệnh ngay từ sớm, từ xa.

Cụ thể, phải thường xuyên theo dõi nguồn nước, khi thấy nước đục phải dùng ngay các chế phẩm sinh học để xử lý nguồn nước. Cùng với đó, khâu quản lý chăm sóc đàn cá, tôm phải thực hiện thường xuyên từ thức ăn đến các biểu hiện thời tiết. Ao nuôi cần kiểm soát 3 vấn đề lớn gồm: Nước sạch, cân bằng độ PH và bảo đảm đủ ôxy.

Đối với các vấn đề canh tác cây trồng hiện nay như sâu bệnh hại trên rau ăn lá, ruồi vàng gây hại cây ăn quả, hiện tượng rụng quả non… cũng được chuyên gia hướng dẫn cách xử lý chi tiết với từng loại bệnh. Đặc biệt là khuyến khích sử dụng chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật sinh học nhằm tăng hiệu quả đặc trị bệnh, giảm chi phí sản xuất.

Ban cố vấn của diễn đàn là các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp. Ảnh: Ngọc Ánh
Ban cố vấn của diễn đàn là các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp. Ảnh: Ngọc Ánh

Theo báo cáo của UBND huyện Hoài Đức, thời gian qua, nông dân ở một số xã của huyện đã chuyển đổi hàng trăm héc ta từ trồng lúa sang trồng bưởi, nhãn, ổi, táo, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, trên toàn địa bàn huyện Hoài Đức đã phát triển được 158ha trồng ổi Đài Loan, ổi Thái Lan, 110ha trồng táo đại, táo đào… tập trung ở các xã: Kim Chung, Di Trạch, Đức Giang, Đắc Sở, Dương Liễu; vùng nhãn muộn 97ha tại An Thượng, Đông La, Song Phương; vùng bưởi đường 40ha tại Cát Quế, Đông La; cam Canh, phật thủ 95ha tại Đắc Sở, Yên Sở; rau an toàn 71ha ở Tiền Yên... Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện cũng hình thành một số trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Đặc biệt, nhờ chú trọng công tác phối hợp với các sở, ngành xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm nông sản, chú trọng tập huấn kỹ thuật canh tác an toàn, theo quy trình VietGAP cho hộ sản xuất... nên những sản phẩm nông nghiệp của huyện đã dần xây dựng được thương hiệu. Giá trị thu nhập của nhiều vùng sản xuất được gia tăng rõ rệt từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng/ha canh tác.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Đoàn Đức Dân cho biết, Diễn đàn Nhịp cầu Nhà nông được đơn vị triển khai tại nhiều huyện, thị xã sản xuất nông nghiệp trọng điểm và thu hút được sự quan tâm của người dân. Diễn đàn không những giúp nông dân nắm bắt tiến bộ kỹ thuật, nâng cao trình độ canh tác mà còn là dịp để các hộ sản xuất, chủ trang trại học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giúp nhau làm giàu.

Cùng với đó, thời gian qua, Trung tâm triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình khuyến nông thông qua việc xây dựng trình diễn các mô hình, chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho bà con nông dân. Các mô hình đã tăng năng suất 20 - 25%, cho hiệu quả kinh tế tăng 30 - 35%, hạn chế dịch bệnh, giảm ô nhiễm môi trường và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…