Nhờ bạn...

Ái Châu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ nhỏ đã là đứa trẻ được rất mực cưng chiều, bởi Cường vừa là đích tôn, vừa là con trai duy nhất của một gia đình đứng đầu dòng họ to nhất nhì làng.

Trong giai đoạn cả nước cơm phải độn sắn, độn khoai, thì với Cường đó chỉ là thứ ăn cho vui miệng, vì gia đình y thuộc diện có của ăn, của để.

Nói như vậy là bởi bố Cường công tác ở một ngành kinh tế mũi nhọn trong nội thành. Ở cái thời mà thiên hạ còn “được bữa sáng, lo bữa chiều”, nhà Cường đã có tivi, tủ lạnh...

Dù học giỏi, lại là con nhà có điều kiện, nhưng Cường sống rất hòa đồng và hào phóng. Chưa bao giờ cậu tỏ ra kênh kiệu hoặc có thái độ sống “trên phân” với bạn bè.

Vào những năm 80 của thế kỷ trước, khi đám trẻ con nông thôn còn chưa biết đến “quả táo to bằng quả na - lon coca to bằng ống thổi lửa”, thì mỗi khi bố đi công tác về, bao giờ Cường cũng “thủ” mấy thứ được gọi là của ngon vật lạ để chiêu đãi bạn bè. Và cũng không như những gia đình khác, nếu con cái trót “đãi thiên hạ” thì chỉ có nước ăn đòn, ngược lại mẹ Cường lại không lấy điều đó làm phiền lòng.

Bà luôn dạy dỗ con biết san sẻ, yêu thương những đứa bạn thua thiệt. Chính điều này đã cứu rỗi Cường về sau, khi y rơi vào cảnh sa cơ…

Như đã nói, Cường là đứa trẻ thông minh. Ngay lần thi đầu tiên, trong khi bạn bè cùng lứa đều trượt vỏ chuối, thì không những đỗ vào một trường đại học danh giá, Cường còn đủ điểm đi du học nước ngoài.

Nhưng cuộc đời đúng là chẳng biết đường nào mà lần… Nhập học được một tuần thì Cường có giấy gọi sang một trường chuyên về ngoại ngữ để bỗi dưỡng kiến thức, chờ ngày xuất ngoại; nhưng chính môi trường mới này đã “báo hại” cu cậu.

Dẫu được sinh ra trong một gia đình có điều kiện, nhưng so với thiên hạ, kinh tế nhà Cường vẫn chưa là gì. Từ khi nhập vào môi trường mới, Cường bắt đầu đua đòi theo thói phố phường, học dần thành xao nhãng.

Hết 1 năm học, Cường không đủ trình độ ngoại ngữ, giấc mơ du học chấm dứt. Buồn vì kết cục không như kỳ vọng, cộng với thói ăn chơi đã “ngấm”, cuộc sống của cu cậu bắt đầu trượt dài. Ban đầu là nợ điểm các môn học, dần dà nợ quán cơm, quán cà phê, quán nhậu.

Học ít chơi nhiều, kết cục là Cường phải đúp và sau đó một năm, Cường chủ động bỏ học giữa chừng!

Khi đó gia cảnh cũng đi xuống, Cường phải tự “bơi” để nuôi sống gia đình, vợ con, bởi cô bạn gái ngày nào giờ đã sinh cho y hai “con vịt giời”. Gặp lúc cơn đen vận tối, vợ ốm, con đau, không còn cách nào khác Cường phải đến với tín dụng đen. Từ chỗ chỉ vài chục triệu, sau một năm lãi mẹ đẻ lãi con, số tiền nợ của Cường đã lên đến tiền trăm triệu.

Không còn khả năng chi trả, dân xã hội đã mò về tận quê để đòi nợ. Cửa nhà ở quê qua vài đận ốm đau, mẹ Cường cũng đã phải cầm cố. Bạn bè thì vay mãi mà không trả được nên dần dà nhiều người đã quay lưng với Cường.

Giữa lúc khốn đốn ấy, vào một sáng thứ 7, khi đang đứng chờ xe buýt quay ra nhà trọ, Cường nghe tiếng gọi giật giọng! Tưởng lại bị xã hội đen bắt nợ, hóa ra người gọi Cường là Thắng, cậu bạn cũ từ cấp 3. Cũng “nhờ” đói rách nên học xong cấp 3, Thắng đã quyết tâm vào Nam lập nghiệp.

Từ chỗ đi cày thuê cuốc mướn, đến nay Thắng đã làm chủ một công ty chuyên trồng, thu mua và xuất khẩu cà phê. Biết hoàn cảnh của Cường, Thắng tranh thủ về quê và tìm cách giúp đỡ bạn. Xong bữa rượu hàn huyên, hôm sau Thắng đưa Cường ra phố thu dọn đồ đạc rồi “rước” cả gia đình bạn vào Nam.

… Vào một buổi sáng của mười năm sau, người làng thấy Cường cưỡi ô tô về làng ra chiều rất phú quý. Sau khi đi thăm anh em, chòm xóm và “làm công tác trả nợ”, người ta thấy Cường phá nhà cũ và rục rịch thuê thợ.

Qua cách thể hiện, người ta biết cuộc sống của Cường đã bước sang một trang mới. Trong bữa cơm tân gia, rất đông bạn cũ đến tham dự; khi rượu đã ngấm, Cường cầm tay Thắng, mắt rơm rớm nói lời cảm ơn. Đáp lại, Thắng nói rằng, sở dĩ mình ra tay giúp bạn vì nghĩ đến khi xưa Cường là người bạn tốt, tuy gia đình giàu có nhưng chưa bao giờ khinh rẻ bạn nghèo…