Nhờ Nga, dầu Ấn Độ "thoát" sự tấn công của Houthi

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nếu trước đây ảnh hưởng cuộc xụng đột kéo dài ở Gaza chỉ giới hạn ở Trung Đông, thì hiện đã lan đến các liên kết kinh tế và chuỗi cung ứng hàng hải trên toàn cầu.

Theo Aaryaman Nijhwan, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế và bình luận chính trị từ Đại học Delhi và Học viện Quan hệ Quốc tế Quốc gia Moscow (MGIMO), cuộc chiến Israel-Gaza bước sang tuần thứ 13 đã đem lại hậu quả lan rộng khắp các thủ đô trên thế giới. 

Trong khi khủng hoảng bùng phát, phiến quân Houthi có trụ sở tại Yemen đã bắt đầu tấn công các chuyến hàng trên đường biển hướng tới Israel, đi qua eo biển Hormuz.

Cụ thể, vào tháng 11/2023, lực lượng Houthi đã bắt giữ một tàu chở hàng có tên Galaxy Leader đến Israel. Con tàu của chủ sở hữu Anh được nhà vận hành Nhật Bản quản lý sau đó đã chuyển hướng đến cảng Hodeidah của Yemen và bị bắt làm con tin. Kể từ cuộc tấn công này, hơn 40 tàu đã bị Houthi nhắm tới, chủ yếu ở Biển Đỏ.

Một con tàu đi qua Kênh đào Suez hướng tới Biển Đỏ vào ngày 10/1/2024 tại Ismailia, Ai Cập. Ảnh: Getty
Một con tàu đi qua Kênh đào Suez hướng tới Biển Đỏ vào ngày 10/1/2024 tại Ismailia, Ai Cập. Ảnh: Getty

Nếu trước đây ảnh hưởng cuộc xung đột kéo dài ở Gaza chỉ giới hạn ở Trung Đông, thì hiện đã lan đến các liên kết kinh tế và chuỗi cung ứng hàng hải trên toàn cầu. Eo biển Bab-el-Mandeb xử lý tới 30% lưu lượng container toàn cầu và là một trong những nút thắt hải quân của thế giới, hai điểm còn lại là eo biển Malacca và kênh đào Panama.

Huyết mạch dầu mỏ của thế giới

Các chiến thuật mà phiến quân Houthi sử dụng không mới. Trong chiến sự giữa Iran-Iraq những năm 1980, cả hai quốc gia đều nhắm mục tiêu vào các tàu chở dầu của nhau và các đồng minh đi qua eo biển Hormuz. Phiến quân Houthi được cho là do chính phủ Iran hậu thuẫn đang triển khai chiến thuật nhằm gây áp lực buộc các chính phủ phương Tây phải chấm dứt cuộc xung đột đang diễn ra.

Với tầm quan trọng như nút thắt của thương mại hàng hải thế giới, Hormuz là nơi thông thương của ít nhất 1/5 lượng tiêu thụ dầu trên thế giới, và được mệnh danh là “động mạch dầu mỏ quan trọng nhất thế giới”. Bất kỳ sự gián đoạn nào trong giao thông thương mại đi qua khu vực này đều có tác động trực tiếp đến giá dầu và hàng hóa toàn cầu. Giá dầu thô Brent tiêu chuẩn đã tăng 8% kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng Biển Đỏ. Trong cuộc chiến tàu chở dầu những năm 1980, giá dầu thô Brent đã vượt qua mức 40 USD/thùng, tương đương mức 140 USD/thùng ngày nay. Thay vào đó, các công ty vận tải lớn phải hướng dẫn các tàu đi vòng quanh miền nam châu Phi, một tuyến đường dài hơn với chi phí đắt đỏ hơn.

Mỹ đã tăng cường tuần tra và giám sát khu vực, nơi họ đã triển khai tàu sau vụ tấn công ngày 7/10. Anh và Bahrain cũng đã điều động tàu tới khu vực này nhưng sự bất ổn giữa các công ty vận tải biển vẫn còn tồn tại. Evergreen Line đã thông báo tạm dừng vận chuyển thêm qua Biển Đỏ “cho đến khi có thông báo mới”.

Những lo ngại của New Delhi

Các cuộc tấn công thường xuyên cũng đã làm tăng phí bảo hiểm và giá cước vận chuyển của các công ty vận tải biển, những công ty hiện đang thu phụ phí rủi ro chiến tranh bên cạnh giá cước vận chuyển hàng hóa thông thường. Điều này có khả năng đẩy mức giá hàng hóa Ấn Độ hướng đến Châu Âu và Châu Phi. Các chuyên gia ước tính giá cước vận chuyển hàng hóa có thể tăng tới 25-30% do các cuộc tấn công của Houthi.

Vừa qua, tàu MV Chem Pluto hướng đến Mangalore đã bị lực lượng Houthi tấn công khi đang di chuyển qua Biển Đỏ. Con tàu phải gửi cuộc gọi cấp cứu đến các tàu chiến Mỹ trong khu vực và nhận được phản hồi. Vào ngày 24/12, hai tàu vận tải nữa do Ấn Độ điều hành là MV Saibaba và Blaamanen trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái do Houthi phát động. Sau các sự cố, Hải quân Ấn Độ và Lực lượng Bảo vệ Bờ biển đã điều các tàu tới khu vực để đảm bảo giao thông hàng hải đi lại an toàn. Ít nhất 5 tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của Ấn Độ, trong đó có INS Visakhapatnam, đang tuần tra khu vực để tăng cường an ninh.

Tuy nhiên, việc vận chuyển dầu của Ấn Độ đi qua Biển Đỏ vẫn không bị ảnh hưởng. Bí quyết của Ấn Độ là sự tham gia của Moscow. Kể từ khi bắt đầu xung đột Ukraine, gần 40% tổng lượng dầu nhập khẩu của Ấn Độ có nguồn gốc từ Nga. Iran, quốc gia hậu thuẫn cho phiến quân Houthi, là đối tác và đồng minh kiên định của Moscow, và mối quan hệ đối tác Iran-Nga đã phát triển chặt chẽ hơn với việc xuất khẩu khí tài quân sự, đặc biệt là máy bay không người lái Shaheed đặc trưng của nước này, vốn đã tăng cường kho vũ khí quân sự của Nga.

Một kết quả bất ngờ của "sự thân thiện" này là Houthi đã hạn chế nhắm mục tiêu vào các tàu vận tải thương mại có nguồn gốc từ Nga. Tuy nhiên, bất chấp điều may mắn này, hàng hóa của Ấn Độ xuất phát hoặc hướng đến những nơi khác, chẳng hạn như Tây Âu, có thể không được an toàn.