Nhộn nhịp mua sắm online

Bài, ảnh: Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mùa dịch Covid-19, thay vì trực tiếp đi mua hàng ở các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, nhiều người tiêu dùng đã lựa chọn dịch vụ mua sắm online, giao hàng tận nhà.

Mua sắm online là lựa chọn của nhiều người trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Là shipper của một trang giao hàng trực tuyến, Nguyễn Văn Hưng (trú tại huyện Chương Mỹ) cho biết, trước đây, anh từng xuất khẩu lao động ở nước ngoài 10 năm, nay về Hà Nội chọn công việc giao hàng.
Được phân công giao hàng cho khách tại khu vực các phường Tây Mỗ, Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm), hàng ngày, anh ra quận Hà Đông lấy hàng rồi chạy từ dưới đó lên. “Những ngày cao điểm gần đây, mỗi ngày tôi giao được hơn 100 đơn hàng, cả đơn hàng to lẫn nhỏ. Vì giao hàng tập trung theo khu vực nên phí ship mỗi đơn hàng được công ty trả từ 5.500 – 8.000 đồng/đơn; mỗi tháng thu nhập từ 13 – 14 triệu đồng, chưa trừ các chi phí khác” - shipper Nguyễn Văn Hưng thông tin.
 Nhân viên giao hàng cho một sàn thương mại điện tử ở khu vực quận Nam Từ Liêm.
Khác với công việc giao hàng theo khu vực của các công ty, các trang bán hàng trực tuyến, những shipper giao hàng cho các shop, giao hàng qua các ứng dụng Grab, AhaMove, Lalamove… lại có thu nhập từng đơn hàng ổn hơn. Mỗi đơn hàng giao cho khách có phí ship khoảng 20.000 – 40.000 đồng.
Thậm chí, vào giờ cao điểm, thời tiết mưa gió, những đơn hàng xa có phí ship lên đến 70.000 – 100.000 đồng/đơn. “Ngoài giao hàng cho ứng dụng Grab, tôi còn tranh thủ nhận thêm khách hàng trên mạng xã hội “Ship tìm người, người tìm ship”. Khoảng một tháng nay, lượng khách đặt hàng trên các ứng dụng gia tăng nên thu nhập mỗi ngày của tôi cũng được khoảng 500.000 đồng” – một shipper giao hàng siêu tốc cho Grab chia sẻ.
Là tín đồ mua hàng online, chị Nguyễn Thu An, sống ở một chung cư trên địa bàn quận Nam Từ Liêm cho hay, từ khi có thông tin về dịch bệnh Covid-19, phần lớn hàng hóa, thực phẩm chị đều mua online. Để mua bỉm cho con nhỏ, chị vào các website Tiki, lazada… đặt hàng, 3 - 5 ngày có thể nhận được hàng tại nhà. Nhiều trung tâm, siêu thị cũng nhận giao hàng tại nhà khi đặt hàng online.
“Trong khi đó, với nguồn thực phẩm, tôi mua online trên facebook của chính những người bạn mà mình tin tưởng. Sáng 10/3, tôi vừa tranh thủ đặt mua set 800.000 đồng tiền thịt lợn từ facebook “Thực phẩm sạch Cái Bống”, được giao tận nhà với đầy đủ các loại thịt ba chỉ, nạc vai, sườn, xương cục, thịt xay, chả thịt xiên nướng, chả lá lốt làm sẵn. Trước đó, tôi đã đặt mua online 5kg hải sản từ facebook “Cá sạch Nghệ An” và các loại rau, củ, quả từ một vườn rau củ gần nhà” - chị Nguyễn Thu An chia sẻ.
Ngoài việc mua hàng qua mạng, nhiều khách hàng còn thuê shipper, tài xế công nghệ đến bệnh viện, nhà thuốc, cửa hàng ăn uống xếp hàng mua khẩu trang, nước khử trùng, đồ ăn. Đỉnh điểm vào những ngày khan hiếm khẩu trang y tế, có nhiều shipper được thuê xếp hàng mua khẩu trang ở các cửa hàng thuốc.
Nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân hiện đã có thay đổi rõ rệt, chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến, online. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện lợi, người mua hàng gặp phải không ít cảnh "dở khóc, dở cười" khi mua phải hàng kém chất lượng, trong đó có nhiều mặt hàng chống dịch như khẩu trang y tế, nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn...
Mới đây, Bộ Công Thương phối hợp với một số sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki… đã phát hiện, xử lý trên 30.000 gian hàng online lợi dụng dịch bệnh Covid-19 để trục lợi với gần 48.000 sản phẩm vi phạm. Vì vậy, người tiêu dùng cần thận trọng, nên chọn những nơi tin tưởng để mua hàng, tránh “tiền mất tật mang”.