Nhu cầu tiêu dùng sát Tết Nguyên đán kéo CPI tháng 1/2019 tăng nhẹ

Văn Sinh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 29/1, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2019.

 Ảnh: Bích Hời.
Theo đó, CPI tháng 1/2019 tăng 0,10% so với tháng 12/2018, trong đó 3 nhóm: Đồ uống và thuốc lá tăng 0,69%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,66% (lương thực tăng 0,52%; thực phẩm tăng 0,85%); may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,39% chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán.
Trong khi đó, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,35%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,33%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,16%; giáo dục tăng 0,15%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,34%. Hai nhóm có CPI giảm là: Giao thông giảm 3,04%; bưu chính viễn thông giảm 0,09%. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 1/2019 tăng 2,56%.
Chỉ số giá vàng tháng 1/2019 tăng 2,25% so với tháng 12/2018 và tăng 0,13% so với cùng kỳ năm 2018. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 1/2019 giảm 0,4% so với tháng 12/2018 và tăng 2,32% so với cùng kỳ năm 2018.
Lạm phát cơ bản tháng 1/2019 tăng 0,3% so với tháng 12/2018 và tăng 1,83% so với cùng kỳ năm trước.
 Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng khá so với cùng kỳ năm trước do lượng khách quốc tế và du lịch trong nước tăng cao
Cùng theo Tổng cục Thống kê, hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ tháng 1/2019 diễn ra sôi động. Các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị và cơ sở kinh doanh chủ động chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng ước tính đạt 402,2 nghìn tỷ đồng, tăng 4,4% so với tháng trước và tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,4% (cùng kỳ năm 2018 tăng 7,7%).
Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 1/2019 ước tính đạt 305,4 nghìn tỷ đồng, tăng 5,2% so với tháng trước và tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Hà Nội tăng 15,1%; Hải Phòng tăng 14,5%; Bắc Ninh tăng 13,9%; Đà Nẵng tăng 13,1%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 12,9%; Khánh Hòa tăng 12,4%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 1/2019 ước tính đạt 49,5 nghìn tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có doanh thu tăng khá so với cùng kỳ năm trước như thành phố Hồ Chí Minh tăng 14,8%; Quảng Ninh tăng 13,2%; Lâm Đồng tăng 12,8%; Thừa Thiên - Huế tăng 12,3%; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 12,2%; Đà Nẵng tăng 11,8%; Hà Nội tăng 10,5%. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng khá so với cùng kỳ năm trước do lượng khách quốc tế và du lịch trong nước tăng cao, đồng thời dịch vụ ăn uống ngoài gia đình có xu hướng tăng trong những ngày đầu năm 2019.
Doanh thu du lịch lữ hành trong tháng ước tính đạt 4,3 nghìn tỷ đồng, tăng 7,7% so với tháng trước và tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu của Quảng Ninh tăng 17,4%; Nghệ An tăng 16,4%; Hà Nam tăng 15,9%; Đà Nẵng tăng 10,2%; Hà Nội tăng 8,2%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 7,6%.
Doanh thu dịch vụ khác tháng Một ước tính đạt 43 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu của Phú Yên tăng 11,4%; Thanh Hóa tăng 9,2%; Quảng Ngãi tăng 8,1%; Hà Giang tăng 7,7%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 5,6%; Hà Nội tăng 4,7%.