Như những tiếng trống lệnh

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong các cuộc tiếp xúc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với cử tri Hà Nội, vấn đề được đề cập nhiều nhất là phòng chống tham nhũng, công tác cán bộ.

Đây là một trong những điều trăn trở nhất của Tổng Bí thư hiện nay trước sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Hàng loạt vụ án lớn liên quan đến kinh tế, tham nhũng lần lượt được đưa ra xét xử. Chuyện kỷ luật cán bộ trong Đảng, kể cả cán bộ cấp cao không còn là mới. Ủy ban Kiểm tra T.Ư liên tục công bố các sai phạm và đề nghị kỷ luật nhiều cán bộ cấp cao ở Đà Nẵng, Gia Lai, Thanh Hóa, Quảng Nam, Bộ Công Thương, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam… Trong đó, không ít cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Nói như Tổng Bí thư, “chẳng thích gì khi kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí rất day dứt, đau xót”. Đau nhưng không thể không làm. Không phải cứ hạ cánh là an toàn, cứ luân chuyển là được bình yên, tại vị. Pháp luật công bằng với mọi công dân, dù người đó là ai, làm gì. Tiền của Nhà nước không phải để các nhóm lợi ích thao túng, không thể chui vào túi người này, người kia. Từ đó, thấy rõ quyết tâm của Đảng trong việc làm trong sạch đội ngũ, tạo lòng tin vững chắc trong Nhân dân.
 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với cử tri quận Hoàn Kiếm ngày 12/10/2017. Ảnh: Phạm Hùng
Nhưng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không ít lần nói trước cử tri, vẫn "còn nhiều việc phải làm", vì chống tham nhũng là cuộc đấu tranh gian khổ, "phải kiên trì, kiên quyết". Có thể thấy những phát ngôn của Tổng Bí thư nhất quán cả về tư tưởng, quan điểm, ý chí và sự không khoan nhượng với “sâu mọt” muốn đục rỗng rường cột quốc gia. Có người nhận xét, những tiếng trống đã được Tổng Bí thư gióng lên khoan thai, nhưng tạo nên dư chấn lớn. Sau tiếng trống ấy, đã có nhiều chuyển động quyết liệt trên mặt trận chống quốc nạn “nội xâm” – tham nhũng.

Khi những cán bộ cấp cao sai phạm bị kỷ luật, các vụ tham nhũng lớn đang làm nóng dư luận, tại cuộc tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp cuối năm của Quốc hội, Tổng Bí thư tiếp tục khẳng định quan điểm quyết liệt: "Trước người ta bảo chỉ đánh từ vai đánh xuống, bây giờ thì ngay trên đầu làm mạnh hơn, tức là T.Ư còn nghiêm hơn cả địa phương". Tổng Bí thư cũng khẳng định việc xử lý vi phạm một mặt làm nghiêm để làm gương, tuy nhiên công cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng là cả một quá trình bền bỉ, lâu dài, do đó phải luôn coi trọng phương châm, mục tiêu đấu tranh. Trong xử lý tham nhũng, điều quan trọng ngoài xử lý về mặt pháp luật, còn là vấn đề thu hồi tài sản, làm sao càng triệt để càng tốt. "Trước những khó khăn, chúng ta phải kiên trì, làm bài bản, chắc chắn, lớp trước chuẩn bị cho lớp sau. Giữ ổn định để phát triển, tăng cường đoàn kết, thống nhất Nhân dân với Đảng là một" - Tổng Bí thư khẳng định.

Không còn “trên nóng dưới lạnh”, người dân đang đồng lòng nhất trí và tin tưởng vào quyết tâm của Đảng, mà người đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 102 về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm; Quy định 105 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử để siết lại công tác cán bộ. Trước đó là Quy định số 85 về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý… Tất cả những quy định trên cho thấy Đảng đang siết chặt kỷ luật, đặc biệt đẩy mạnh chống tham nhũng. Cử tri hy vọng, cùng với quyết tâm, việc hoàn thiện thể chế, luật pháp sẽ tạo công cụ ngăn ngừa, đấu tranh phòng chống tham nhũng. Để thực sự “nhốt được quyền lực vào lồng luật pháp” và để các cán bộ “không thể, không dám và cũng không muốn tham nhũng”.