Nhức nhối từ bãi tập kết rác thải

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Rác thải sinh hoạt đang là vấn đề nhức nhối với môi trường, ngay cả khi có các điểm tập kết cụ thể. Thực tế cho thấy, nếu không có sự quản lý và giám sát chặt thì chính những bãi tập kết rác thải sinh hoạt lại trở thành điểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Điểm tập kết rác thành điểm nóng ô nhiễm

Những ngày vừa qua, dư luận xôn xao trước thông tin về nơi được cho là “ô nhiễm nhất Hà Nội” với chỉ số chất lượng không khí ở mức nguy hại với sức khỏe con người. Đó chính là khu vực quanh Học viện Nông nghiệp Việt Nam thuộc địa phận thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội.

Về địa phương này mới hiểu rõ được nguyên nhân tại sao chất lượng không khí nơi đây lại ở mức thấp như vậy. Rác thải tập kết vô tội vạ ở khắp mọi nơi, và để giải quyết một cách nhanh gọn số rác thải ấy, đốt bỏ là lựa chọn ưa thích của nhiều người. Tại con đường tự quản đi qua khu A, Viện Rau quả thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, một điểm tập kết rác mọc lên ngay cạnh đường, bao quanh gốc hai cây nhãn cổ thụ. Vết đốt rác còn hằn nguyên nơi đây. Dưới hai gốc nhãn vẫn vương đầy bụi than sinh ra từ quá trình đốt rác. Thậm chí, gốc và thân hai cây nhãn cũng bị cháy nhẻm, nhiều cành cây đã bị chết khô do lửa đốt.

Người dân vô tư vứt rác ven đường (Ảnh chụp tại thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm. Ảnh: Quý Nguyễn.
Người dân vô tư vứt rác ven đường (Ảnh chụp tại thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm. Ảnh: Quý Nguyễn.

Vào thời điểm phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị có mặt, người dân đã bắt đầu đem rác ra bỏ tại điểm tập kết này. Một cụ ông đi xe đạp, chở theo một túi rác màu đen to tướng, dừng chân bên đường, cụ cầm túi rác ném bừa vào gốc cây nhãn rồi lẳng lặng quay xe dời đi. Cùng thời điểm đó, một cụ bà bê theo một hộp nhựa màu trắng đựng đầy thức ăn thừa. Đến điểm tập kết rác, cụ bà trút thẳng số thức ăn thừa vào đống rác thải ven đường, không cần quan tâm đến việc nó sẽ loang lổ ra xung quanh hoặc ngấm vào đất gây ô nhiễm môi trường. Để ý quan sát điểm tập kết rác này mới thấy rác thải ở đây chất thành đống mà không có vật dụng đựng hay thiết bị khoanh vùng để tránh rác tràn ra ngoài. Với hiện trạng này, ngay cả khi số rác trên được thu gom và vận chuyển đi nơi khác thì nguy cơ ô nhiễm từ chính điểm tập kết rác này vẫn là vô cùng lớn.

Hiện trạng tại điểm tập kết rác ở thị trấn Trâu Quỳ cũng là tình trạng chung của rất nhiều điểm tập kết rác sinh hoạt khác trên địa bàn TP Hà Nội. Một trong những điểm tập kết rác “nổi tiếng” nhất chính là bãi rác tại xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất. Nằm trên khu đất quy hoạch xây dựng Cụm công nghiệp làng nghề xã Hữu Bằng (sát với tuyến đường nội đồng nối 2 xã Hữu Bằng và Dị Nậu, huyện Thạch Thất), bãi rác tự phát này từ lâu đã trở thành vấn đề nhức nhối của địa phương mà vẫn chưa có lời giải đáp.

Tại đây, đủ loại rác thải từ rác thải sinh hoạt tới rác thải công nghiệp như: mút, bông, xốp, mùn cưa, phế thải xây dựng, rác thải sinh hoạt… được tập kết về, vứt bỏ bừa bãi rồi phơi mưa, phơi nắng ngày này qua tháng khác. Mùi hôi nồng bốc lên vô cùng khó chịu, nước thải chảy tràn ra ngoài cộng với ruồi nhặng và các loại sinh vật sinh ra từ rác thải lúc nhúc khắp nơi càng khiến cho tình trạng ô nhiễm tại bãi rác thải này trở nên đáng sợ.

Nhiều địa phương còn quản lý lỏng lẻo

Theo các chuyên gia, nạn ô nhiễm tại các điểm tập kết rác bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân chính là công tác quản lý, giám sát của chính quyền cơ sở và lực lượng chức năng trong lĩnh vực môi trường còn lỏng lẻo.

Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường Cộng đồng cho biết, vấn đề ô nhiễm môi trường đang rất nóng ở tất cả lĩnh vực, trong đó rác thải là một trong những vấn đề nan giải nhất, không ở riêng TP nào, không chỉ ở đồng bằng, miền núi mà ở tất cả khắp nơi. Đối với Hà Nội, TP đã có quy hoạch rác tương đối đầy đủ trong giai đoạn vừa rồi, trong đó có nhấn mạnh đến công tác quản lý. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm do rác thải, đặc biệt là từ các bãi tập kết rác trên địa bàn Thủ đô vẫn đang là vấn đề nhức nhối.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Về mặt khách quan, tình hình tăng dân số cơ học tại nhiều địa phương của TP trong thời gian qua ít nhiều gây khó khăn cho công tác quản lý rác thải. Khi dân số tăng nhanh sẽ kéo theo nhiều thứ khác gây khó khăn trong công tác quản lý. Đã tăng người sẽ dẫn tới rất nhiều thứ tăng theo, trong đó rác thải là một trong những thứ tăng mạnh nhất. Công tác quản lý, xử lý rác thải vì thế cũng gặp nhiều khó khăn.

“Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, trong công tác quản lý về rác nhiều nơi có phần lơ là” – PGS.TS Bùi Thị An nhìn nhận. Bà cho rằng, chính sự lỏng lẻo trong công tác quản lý, giám sát tại một số địa phương trong thời gian qua là một trong những nguyên nhân khiến rác bị ùn ứ, gây ô nhiễm môi trường. “Đây là vấn đề về công tác quản lý rác thải, nhất là rác thải sinh hoạt. Ở những khu dân cư có tốc độ tăng dân số nhanh thì công tác quản lý rác thải thường có vấn đề” – PGS.TS Nguyễn Thị An nói.

Để giải quyết vấn đề trên, chuyên gia Bùi Thị An cho rằng, trước hết, Sở TN&MT Hà Nội với tư cách là cơ quan chức năng, tham mưu của TP, phải có kế hoạch rà soát lại toàn bộ các điểm tập kết rác trên địa bàn, báo cáo TP có phương án xử lý. “Từ kết quả rà soát, Sở TN&MT sẽ đưa ra đánh giá cụ thể, ở đâu đã làm tốt, ở đâu còn chưa tốt. Chưa tốt vì sao? Do quy hoạch, do thiếu điều kiện hay vì nguyên nhân nào khác? Phải làm rõ nguyên nhân để từ đó đưa ra giải pháp xử lý triệt để” – PGS.TS Bùi Thị An nói và nhấn mạnh Sở TN&MT Hà Nội cần phải làm ngay, có báo cáo TP sớm để TP chỉ đạo kịp thời.

“Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 có quy định về việc quản lý rác và phân loại rác tại nguồn, sẽ chính thức có hiệu lực từ 31/12/2024. Do đó, vấn đề này TP phải làm ngay nếu không sẽ không kịp. “Cái này lãnh đạo các quận, huyện trên địa bàn TP cũng phải triển khai ngay. Phải rà soát từng xã, phường, thị trấn để xem nơi đâu làm tốt, nơi đâu còn chưa tốt. Phải coi đây là một trong 3 mục tiêu phát triển của TP” – chuyên gia Bùi Thị An nêu ý kiến.