Những cái bắt tay của taxi truyền thống: Cạnh tranh sòng phẳng với Grab

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự ra đời của G7 taxi cùng tham vọng cạnh tranh sòng phẳng với Grab đang mang lại nhiều kỳ vọng cho một cuộc cách mạng của taxi truyền thống nhằm giành lại thị phần trong nước.

 G7 taxi ra đời mang theo nhiều kỳ vọng về cuộc cách mạng của taxi truyền thống. Ảnh: Quý Nguyễn
Ngày 12/11, G7 taxi - hãng taxi công nghệ lớn nhất Hà Nội chính thức ra mắt thương hiệu. Đây là sự kết hợp của 3 hãng taxi truyền thống là Thành Công taxi, Ba Sao taxi và Sao Hà Nội taxi. Các phương tiện của cả 3 hãng sẽ chuyển đổi hoạt động dưới cùng một nhận diện chung G7 taxi. Trong thời gian tới, G7 taxi tiếp tục đàm phán ký kết với các hãng taxi truyền thống khác để mở rộng quy mô, tầm ảnh hưởng của thương hiệu. Mục đích nhằm tăng cường sức mạnh cho taxi truyền thống, tiến tới cạnh tranh sòng phẳng với “gã khổng lồ” Grab trong tương lai gần.

Nhiều kỳ vọng

Đánh giá về chiến lược phát triển của hãng, Tổng Giám đốc G7 taxi Nguyễn Anh Quân cho biết, để đánh chiếm lại thị phần vốn đang ngày càng thu hẹp bởi sự bành trướng của Grab, G7 taxi sẽ tập trung cao vào công tác cải thiện chất lượng dịch vụ nhằm mang tới sự thuận tiện nhất cho khách hàng. Đây là điều kiện tiên quyết đối với lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ vận tải hành khách bằng taxi. “G7 taxi là đơn vị tiên phong trong việc sử dụng công nghệ hiện đại. Ngoài ra, hãng cam kết sẽ xây dựng dịch vụ hoàn hảo, giá cả cạnh tranh, thời gian gọi xe nhanh chóng. Với chiến lược này, cả khách hàng và đội ngũ lái xe đều được hưởng lợi, nhất là lợi ích về mặt kinh tế” - ông Quân nhận định.

Lãnh đạo G7 taxi cũng đưa ra hai vấn đề cốt lõi sẽ được hãng giải quyết với mô hình taxi sử dụng công nghệ hiện đại. Một là cơ cấu lại lượng phương tiện, giảm chi phí đầu tư. Hai là, ứng dụng công nghệ hiện đại để tạo thuận lợi cho hành khách, công khai giá cước, hành trình. Đây là cách làm tiệm cận với những gì mà Grab đang áp dụng. Đặc biệt, với mức giá cước hấp dẫn (chỉ từ 9.900 đồng/km, không áp dụng tăng giá giờ cao điểm) và thời gian gọi xe nhanh chóng (trung bình khách hàng chỉ cần chờ 2 phút là xe sẵn sàng đến điểm để phục vụ), khách hàng sử dụng dịch vụ của G7 taxi sẽ được hưởng nhiều lợi ích không hề thua kém Grab.

Tuy nhiên, G7 taxi có một lợi thế Grab không thể có được là tính “chính thống” về nguồn gốc, quy trình đào tạo lái xe cũng như cam kết bảo lãnh với mọi rủi ro có thể xảy ra trên đường. Điều này được tạo ra từ nền tảng của mô hình taxi truyền thống khi các đơn vị tham gia G7 taxi đều là những hãng taxi chính thống, được Nhà nước và pháp luật công nhận. Điều này càng trở nên quan trọng hơn khi Grab trong thời gian qua liên tục để xảy ra những vấn đề về thái độ phục vụ của lái xe, những khiếu nại của hành khách không được phản hồi do Grab luôn chỉ tự nhận mình là đơn vị cung cấp dịch vụ gọi xe, còn phương tiện và tài xế đều thuộc diện “vãng lai”, không được quản lý một cách chặt chẽ. “Sau khi hợp tác với 3 đơn vị với số lượng phương tiện khoảng 3.000 xe, G7 taxi trở thành thương hiệu taxi có số lượng taxi lớn nhất tại Hà Nội. Với phạm vi hoạt động trải khắp 12 quận nội thành, sẽ rất thuận tiện cho khách hàng có thể gọi đặt xe” - ông Quân nói.

Sân chơi công bằng mới là quan trọng nhất

Sau sự ra đời của G7 taxi, ngày 10/12 vừa qua, một hãng taxi công nghệ nội nữa tiếp tục ra đời cũng với mục đích cạnh tranh với Grab. Đó là Liên minh taxi Việt, với sự tham gia liên kết của 17 hãng taxi, cùng dùng chung ứng dụng gọi xe EMDDI dưới sự quản lý của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Ông Lê Quang Vinh - Phó Chủ tịch Liên minh taxi Việt cho biết, mục đích ra đời của hãng từ việc liên kết của 17 hãng taxi khác nhau không nằm ngoài chiến lược là tiến tới một liên minh taxi hoạt động bền vững.

Tính đến ngày ra mắt vừa qua, Liên minh taxi Việt đã mở rộng phạm vi hoạt động lên 40 tỉnh, thành với số lượng gần 12.000 đầu xe. Đặc biệt, ứng dụng gọi xe mà hãng sử dụng cũng là sản phẩm “made in Việt Nam” khi đơn vị nghiên cứu và phát triển là các nhà khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông Vinh cho biết, kế hoạch phát triển của hãng là đến năm 2019 sẽ mở rộng đến 63 tỉnh, thành và tăng số lượng đơn vị thành viên tại các tỉnh, TP mới để đạt số lượng trên 20.000 xe hoạt động.

G7 taxi rồi sau đó là Liên minh taxi Việt ra đời thể hiện rõ quyết tâm tự làm mới mình để bắt kịp xu hướng của thời đại của các hãng taxi truyền thống. Vào thời điểm thế lực của Grab đã bành trướng quá mạnh, xét về tiềm lực thì G7 taxi và Liên minh taxi Việt sẽ khó thể cạnh tranh được. Đặc biệt là về mặt cơ chế quản lý giữa Grab và taxi truyền thống đang chưa có sự công bằng. Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam khẳng định, nếu các cơ quan Nhà nước không định danh được Grab là kinh doanh vận tải, đấy là điều hết sức bất bình đẳng và phi lý. “Chúng ta đều biết Grab là taxi nên để Grab là taxi thì mới công bằng. Còn trong trường hợp không định danh được Grab là taxi thì sẽ rất bất công cho các hãng taxi truyền thống. Tuy nhiên, tôi vẫn có niềm tin là Nhà nước sẽ có cách quản lý Grab công bằng hơn” - ông Quyền nói.