Những câu chuyện về Bác Hồ qua tranh cổ động

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019), Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam tổ chức trưng bày chuyên đề “Chân dung Hồ Chí Minh - Góc nhìn từ tranh cổ động” (1969 - 2011).

Thông qua trưng bày, nhiều câu chuyện, kỷ niệm về Bác được kể lại bằng ngôn ngữ hội họa.
Từ bản phác thảo đến bản chính thức
Trưng bày chuyên đề “Chân dung Hồ Chí Minh - Góc nhìn từ tranh cổ động” (1969 - 2011) diễn ra trong một không gian nhỏ, ấm cúng tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Triển lãm giới thiệu hơn 60 bức tranh cổ động được sáng tác hoặc phát hành sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Thông qua ngôn ngữ của hội họa, mỗi bức tranh đều chứa đựng những câu chuyện, thông điệp riêng. Nhiều người khi đến triển lãm đã dừng chân, ngắm nhìn kỹ bức tranh Bác Hồ bế em bé trên tay. Với họ hình ảnh này không chỉ thân thuộc mà còn chứa đựng nhiều ký ức của Thủ đô.
 Toàn cảnh trưng bày chuyên đề ''Chân dung Hồ Chí Minh - Góc nhìn từ tranh cổ động''. Ảnh: Lại Tấn
Nhiều người nhận ra rằng, mỗi khi đi qua ngã tư Tràng Tiền - Đinh Tiên Hoàng, họ lại thấy bức tranh này treo trên nóc Nhà Thông tin TP (Trung tâm Thông tin triển lãm Hà Nội, số 93 Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm) và đã trở thành ký ức quen thuộc. Bức tranh có tên “Độc lập - Thống nhất - Hòa bình - Hạnh phúc” mới được tác giả, họa sĩ Trần Từ Thành - nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội trao tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh để lưu giữ và bảo quản lâu dài.
Ít ai biết rằng, đằng sau hình ảnh Bác Hồ ôm em bé là cả một câu chuyện về khát khao hòa bình mà tác giả Trần Từ Thành đã trải qua trong những năm tháng mưa bom, bão đạn. Họa sĩ Trần Từ Thành chia sẻ: “Trải qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, gia đình tôi đã chịu đựng quá nhiều mất mát. Năm 1968, Mỹ thả bom B52 đã giết hại cùng lúc cả bố mẹ và anh chị tôi. Vì thế, tôi rất thấm thía sự tàn khốc của chiến tranh và khát khao mãnh liệt về hòa bình. Tôi tự nhủ mình sẽ vẽ một bức tranh về hòa bình và đề tài thể hiện không ai khác chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh - con người mang lại hòa bình, độc lập, tự do cho dân tộc”.
Năm 1975, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTT&DL) và Hội Mỹ thuật Việt Nam mở cuộc vận động sáng tác tranh, tượng chào mừng đất nước hòa bình, thống nhất, tiến tới tổ chức cuộc Triển lãm mỹ thuật Toàn quốc đầu tiên năm 1976. Bức tranh của họa sĩ Trần Từ Thành được trao giải nhì tại triển lãm năm đó và Xưởng tranh cổ động T.Ư đã đề nghị ông đưa vào tranh câu khẩu hiệu “Độc lập - Thống nhất - Hòa bình - Hạnh phúc” để in và phát hành trên cả nước. Tại triển lãm lần này, Ban tổ chức đã trưng bày bản phác thảo gốc đến bản chính thức được sử dụng làm tranh cổ động.
Nguồn cảm hứng vô tận của họa sĩ
Bằng bút pháp đồ họa phong phú, sưu tập tranh cổ động đã khắc họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại nhưng vô cùng giản dị, gần gũi, tạo nên thông điệp tuyên truyền mạnh mẽ về những phẩm chất sáng ngời của Người, là nguồn cổ vũ lớn lao đối với các thế hệ người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Họa sĩ Lê Nhường cho biết: “Tôi sáng tác bức tranh “Bác bảo thắng là thắng” khi tham gia triển lãm tranh do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức năm 1980, nhân dịp kỷ niệm 10 năm thực hiện “Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Tên bức tranh được họa sĩ lấy cảm hứng từ lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước khi bước vào trận quyết chiến cuối cùng với thực dân Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Người nói: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng”. Toàn bộ bức tranh là hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đang điện đàm chỉ đạo chiến dịch từ xa với nét mặt cương nghị, thể hiện ý chí và sự quyết tâm cũng như niềm tin tưởng tuyệt đối vào thắng lợi của chiến dịch này.
Còn với họa sĩ Đỗ Mạnh Cường, đề tài ông say mê nhất khi vẽ tranh cổ động là về Bác Hồ. Ông chia sẻ: "Bức tranh cổ động “Theo con đường Bác Hồ đã chọn”, tôi sáng tác xuất phát từ mong muốn của Bác. Bác đã dành trọn đời mình hiến dâng cho Tổ quốc. Trước khi qua đời, Bác luôn mong miền Nam được giải phóng hoàn toàn, thống nhất đất nước, kinh tế phát triển, đời sống được nâng cao. Bởi vậy, trong bức tranh này, tôi đã vẽ tất cả các hoạt động của đất nước sau ngày được hoàn toàn giải phóng lồng trong hình ngôi sao thể hiện đất nước thống nhất, Nhân dân Việt Nam luôn tin tưởng và đi theo con đường Bác Hồ đã chọn”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần