Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 4/2018

Trương Huyền (tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mới trong lĩnh vực giao thông đường bộ, quy định mới trong tuyển sinh đại học 2018... là những chính sách nổi bật, có hiệu lực thi hành từ tháng 4/2018.

Bảo hiểm cháy nổ bắt buộc
Nghị định số 23/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc có hiệu lực từ ngày 15/4 nêu rõ: Bên mua bảo hiểm cháy, nổ phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tại các doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm cháy, nổ theo quy định pháp luật.
 Ảnh minh họa
Nghị định quy định: Bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm triển khai bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo điều kiện, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu theo quy định. Theo quy định, đối tượng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ gồm: nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà, công trình; máy móc, thiết bị; các loại hàng hoá, vật tư (bao gồm cả nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm). Số tiền bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tối thiểu là giá trị tính thành tiền theo giá thị trường của các tài sản trên tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Theo Nghị định, đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ (trừ cơ sở hạt nhân) có tổng số tiền bảo hiểm của các tài sản tại một địa điểm dưới 1.000 tỷ đồng thì mức phí bảo hiểm được xác định bằng số tiền bảo hiểm tối thiểu nhân với tỷ lệ phí bảo hiểm quy định tại Nghị định. Trên cơ sở mức phí bảo hiểm quy định tại điểm này, doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm có thể thỏa thuận tăng mức phí bảo hiểm áp dụng đối với từng cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ căn cứ vào mức độ rủi ro của từng cơ sở và theo quy định pháp luật.

Đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ có tổng số tiền bảo hiểm của các tài sản tại một địa điểm từ 1.000 tỷ đồng trở lên và cơ sở hạt nhân thì doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thỏa thuận mức phí bảo hiểm theo quy định pháp luật và trên cơ sở được doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm chấp thuận.

Nghị định cũng nêu cụ thể mức khấu trừ bảo hiểm. Mức khấu trừ bảo hiểm là số tiền mà bên mua bảo hiểm phải tự chịu trong mỗi sự kiện bảo hiểm.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mới trong lĩnh vực giao thông đường bộ

Thông tư 31/2017/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/4/2018, ban hành một số quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mới về phụ tùng của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, cụ thể: Quy chuẩn số QCVN 32:2017/BGTVT về kính an toàn của xe ô tô; Quy chuẩn số QCVN 34:2017/BGTVT về lốp hơi của xe ô tô; Quy chuẩn số QCVN 35:2017/BGTVT về đặc tính quang học đèn chiếu sáng phía trước của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Chi phí đấu thầu phát hành TPCP không quá 1 tỷ đồng/phiên

Thông tư 15/2018/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2018 quy định về chi phí phát hành, hoán đổi, mua lại, thanh toán gốc, lãi trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương.

Theo đó, chi phí đấu thầu phát hành tín phiếu kho bạc tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trả cho Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bằng 0,01% giá trị danh nghĩa tín phiếu phát hành theo phương thức đấu thầu (không áp dụng đối với trường hợp tín phiếu phát hành trực tiếp cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).

Chi phí đấu thầu phát hành trái phiếu Chính phủ trả cho Sở giao dịch chứng khoán (SGDCK) bằng 0,025% giá trị danh nghĩa trái phiếu Chính phủ phát hành theo phương thức đấu thầu nhưng tối đa không quá 1 tỷ Việt Nam đồng/phiên đấu thầu (bao gồm cả phiên gọi thầu bổ sung nếu có).

Chi phí đấu thầu mua lại trái phiếu Chính phủ trả cho SGDCK bằng 0,0075% giá mua lại trái phiếu Chính phủ theo phương thức đấu thầu nhưng tối đa không quá ba trăm triệu Việt Nam đồng/phiên đấu thầu.

Theo Thông tư, chi phí hoạt động bảo lãnh phát hành trả cho tổ chức bảo lãnh chính tối đa 0,1% giá trị danh nghĩa trái phiếu Chính phủ phát hành theo phương thức bảo lãnh. Căn cứ vào tình hình thị trường, mức độ phức tạp của đợt bảo lãnh phát hành (khối lượng, kỳ hạn trái phiếu Chính phủ phát hành), Kho bạc Nhà nước thỏa thuận và thống nhất với tổ chức bảo lãnh chính về chi phí bảo lãnh phát hành thanh toán cho tổ chức bảo lãnh chính và được quy định cụ thể tại hợp đồng bảo lãnh phát hành.
 Ảnh minh họa
Quy định mới trong tuyển sinh đại học 2018

Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 07/2018/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy, có hiệu lực thi hành từ 16/04/2018.

Cụ thể, theo quy định hiện hành tại Thông tư 05/2017/TT-BGDĐT, khung điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực được quy định như sau: Mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp là 1,0 (một điểm), giữa hai khu vực kế tiếp là 0,5 (nửa điểm) tương ứng với tổng điểm 3 bài thi/môn thi (trong tổ hợp môn xét tuyển) không nhân hệ số theo thang điểm 10.

Nhưng Thông tư 07/2018/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung như sau: Mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp là 1,0 (một điểm), giữa hai khu vực kế tiếp là 0,25 (một phần tư điểm) tương ứng với tổng điểm 3 bài thi/môn thi (trong tổ hợp môn xét tuyển) không nhân hệ số theo thang điểm 10.

Theo Quy chế sửa đổi, đối với ngành đào tạo thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên ở các trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp: Căn cứ kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GDĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển.

Đối với các ngành khác, các trường tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, công bố trên trang thông tin điện tử của trường và Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT trước khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng.

Về tổ chức xét tuyển, Thông tư 07 nêu rõ: Điểm xét tuyển là tổng điểm các bài thi/môn thi theo thang điểm 10 đối với từng bài thi/môn thi của từng tổ hợp xét tuyển và cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực theo quy định và được làm tròn đến hai chữ số thập phân; đối với các thí sinh bằng điểm xét tuyển ở cuối danh sách thì xét trúng tuyển theo các điều kiện phụ do mỗi trường đã thông báo, nếu vẫn còn vượt chỉ tiêu thì ưu tiên thí sinh có nguyện vọng cao hơn.

Các trường có thể thực hiện nhiều đợt tuyển sinh trong năm, đề án tuyển sinh của các đợt phải được công bố trên trang thông tin điện tử của trường và Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT trước khi thí sinh đăng ký xét tuyển ít nhất 10 ngày.

Trước ngày 01 của các tháng 3, tháng 5, tháng 7, tháng 8, tháng 9, tháng 11, các trường phải cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển và danh sách thí sinh nhập học của các đợt tuyển sinh lên trang thông tin điện tử của trường và Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT.

Chỉ tiêu tuyển sinh của các trường xác định theo quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên; trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ do Bộ GDĐT ban hành.
Quy định mới về tuyển sinh lớp 6

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 05/2018/TT-BGDĐT sửa đổi bổ sung Quy chế tuyển sinh Trung học cơ sở và Trung học phổ thông, được thực hiện từ 15/4/2018.

Về tổ chức tuyển sinh Trung học cơ sở, theo quy định hiện hành tại Thông tư 11/2014/TT-BGDĐT, việc tuyển sinh trung học cơ sở theo phương thức xét tuyển. Còn tại Thông tư 05/2018/TT-BGDĐT sửa đổi như sau: Tuyển sinh trung học cơ sở theo phương thức xét tuyển. Trường hợp cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn chỉ tiêu tuyển sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh.

Thông tư 05 cũng nêu rõ: Hàng năm, tổ chức một lần tuyển sinh vào trung học cơ sở và trung học phổ thông; việc tuyển sinh vào trung học cơ sở, trung học phổ thông bảo đảm chính xác, công bằng, khách quan, thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục trung học cơ sở trên địa bàn.

Đối với quy định tuyển thẳng vào trung học phổ thông, theo quy định hiện nay tại Thông tư 11/2014/TT-BGDĐT, tuyển thẳng học sinh đạt giải cấp quốc gia trở lên về văn hóa; văn nghệ; thể dục thể thao; cuộc thi khoa học kĩ thuật dành cho học sinh trung học.

Với nội dung này, Thông tư 05/2018/TT-BGDĐT sửa đổi quy định chi tiết hơn: Tuyển thẳng vào trung học phổ thông “Học sinh đạt giải cấp quốc gia và quốc tế về văn hóa; văn nghệ; thể dục thể thao; cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh Trung học cơ sở và Trung học phổ thông”.

Bên cạnh đó, Thông tư 05 cũng nêu rõ: Sở Giáo dục và Đào tạo quy định mức điểm cộng thêm cho từng nhóm đối tượng được cộng điểm ưu tiên với mức chênh lệch điểm cộng thêm giữa hai nhóm đối tượng được ưu tiên kế tiếp là 0,5 điểm tính theo thang điểm 10.
 Ảnh minh họa
Nội quy cơ sở giam giữ trong Quân đội nhân dân

Bộ Quốc phòng đã ra Thông tư số 27/2018/TT-BQP ban hành Nội quy cơ sở giam giữ trong Quân đội nhân dân, có hiệu lực thi hành từ ngày 30/4/2018.

Nội quy quy định những hành vi bị nghiêm cấm gồm: Vi phạm quy định của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam, Nội quy cơ sở giam giữ; không chấp hành hoặc cản trở việc chấp hành lệnh, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành tạm giữ, tạm giam; trả thù người phản ánh những hành vi sai trái của mình hoặc của người khác. Đe dọa, đánh đập, ức hiếp, làm lây nhiễm vi rút HIV cho người khác, cưỡng đoạt tài sản của người khác, hủy hoại thân thể mình, tự xăm trổ hoặc xăm trổ lên thân thể người khác, đeo đồ vật lên cơ thể. Các hình thức đồng tính luyến ái, quan hệ tình dục.

Lập hoặc tham gia hội, băng, nhóm dưới bất kỳ hình thức nào. Bói toán, cúng lễ, truyền đạo, các hành vi mê tín, dị đoan, đánh bạc dưới mọi hình thức. Ném, vứt bừa bãi đồ ăn, uống; thuê, bắt ép người khác phục vụ mình. Thực hiện hành vi bao che, dung túng, ủng hộ đối với những âm mưu, hành động nhằm trốn khỏi cơ sở giam giữ. Thông tin sai lệch nhằm kích động người khác gây mất trật tự trong cơ sở giam giữ. Giả vờ ốm, đau hoặc không chấp hành chỉ định, hướng dẫn của cán bộ cơ sở giam giữ và cơ sở khám, chữa bệnh.
Những quy định mới về quản lý tên miền tại Việt Nam

Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 1/3/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2018.

Nghị định 27/2018/NĐ-CP đã đưa các nội dung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền ".vn" từ Thông tư lên Nghị định cho phù hợp quy định của Luật Đầu tư.

Cụ thể, Nghị định mới đã đưa vào những nội dung liên quan đến điều kiện và thủ tục hành chính về kinh doanh dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền “.vn”; thủ tục hành chính liên quan tới báo cáo hoạt động cung cấp dịch vụ đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam quy định tại Thông tư 24/2015/TT-BTTTT ngày 18/8/2015; đồng thời bãi bỏ các nội dung quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh tại Thông tư để đảm bảo sự đồng bộ, đầy đủ và nhất quán với các quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.

Nghị định 27/2018/NĐ-CP quy định, nhà đăng ký tên miền ".vn" là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”, bao gồm: i) Nhà đăng ký tên miền “.vn” là doanh nghiệp thành lập theo pháp luật Việt Nam: được cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền “.vn” cho chủ thể tại Việt Nam và ở nước ngoài; ii) Nhà đăng ký tên miền “.vn” là tổ chức ở nước ngoài ký hợp đồng với Nhà đăng ký tên miền chính thức của ICANN: được cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền “.vn”ở nước ngoài. Các doanh nghiệp muốn trở thành Nhà đăng ký tên miền “.vn” phải hoàn thiện hồ sơ đề nghị trở thành Nhà đăng ký tên miền “.vn” được quy định chi tiết tại Khoản 5 Điều 1 của Nghị định 27.

Để quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ đăng ký duy trì tên miền quốc tế, Nghị định bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của các Nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam như: Nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam phải quản lý thông tin về tổ chức, cá nhân ở Việt Nam đăng ký tên miền quốc tế tại đơn vị mình; hướng dẫn tổ chức, cá nhân đăng ký tên miền quốc tế thông báo việc sử dụng tên miền quốc tế theo quy định; cung cấp thông tin và phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để giải quyết, xử lý vụ việc liên quan tới tên miền quốc tế mà mình quản lý.
Điều kiện xét thăng hạng viên chức giảng dạy đại học công lập

Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 08/2018/TT-BGDĐT quy định điều kiện, nội dung, hình thức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập, có hiệu lực kể từ ngày 27/4/2018.

Thông tư này quy định điều kiện, nội dung, hình thức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập từ giảng viên (hạng III) lên giảng viên chính (hạng II) và từ giảng viên chính (hạng II) lên giảng viên cao cấp (hạng I).

Thông tư cũng nêu rõ điều kiện đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Theo đó, viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập được đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp khi có đủ các điều kiện sau: Cơ sở giáo dục đại học công lập có nhu cầu và được cấp có thẩm quyền cử đi dự xét; hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian 03 năm liên tục tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ dự xét; được thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học đánh giá có đủ phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp; không trong thời gian bị thi hành kỷ luật hoặc đã có thông báo về việc xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.

Có đủ tiêu chuẩn của hạng chức danh nghề nghiệp đăng ký dự xét theo quy định tại Thông tư liên tịch số 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập.

Đang giữ chức danh nghề nghiệp giảng viên (hạng III), mã số V.07.01.03 đối với viên chức đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II), mã số V.07.01.02; đang giữ chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II), mã số V.07.01.02 đối với viên chức đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp (hạng I), mã số V.07.01.01.

Hình thức xét thăng hạng thông qua việc xét hồ sơ theo quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp ở hạng cao hơn liền kề với hạng hiện giữ và thẩm định, quy đổi điểm công trình khoa học.

Công trình khoa học quy đổi gồm: Bài báo khoa học; kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ đã đăng ký và được cấp bằng độc quyền sáng chế; giải pháp khoa học, công nghệ hữu ích; sách phục vụ đào tạo; báo cáo khoa học được công bố toàn văn trong kỷ yếu của hội thảo khoa học quốc gia, quốc tế; tác phẩm nghệ thuật, chương trình biểu diễn, thành tích thi đấu thể dục thể thao đạt giải thưởng quốc gia, quốc tế.

Viên chức trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp là viên chức: Được Hội đồng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp xác định đạt điều kiện theo quy định và có điểm công trình khoa học đạt tối thiểu 06 điểm đối với viên chức dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II); đạt tối thiểu 16 điểm đối với viên chức dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp (hạng I). Trường hợp có nhiều ứng viên đạt điểm tối thiểu theo quy định thì viên chức trúng tuyển được xác định theo điểm quy đổi từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu xét tuyển được phân bổ.