Những chuyến bay nối dài sự sống

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 31/7, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã ký kết thỏa thuận hỗ trợ vận chuyển bằng đường hàng không cho công tác điều phối vận chuyển mô tạng trên cả nước với Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người. Hỗ trợ tối đa cho các thủ tục vận chuyển mô tạng sẽ giúp thêm nhiều sự sống được hồi sinh.

 Một ca ghép tạng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ảnh: Hà Ngân
5 chuyến bay - 8 người bệnh được hồi sinh
Chuyến bay đầu tiên vận chuyển mô/tạng người vào tháng 9/2015. Trên chuyến bay 21 giờ ngày 4/9 đó, quả tim và lá gan của một bệnh nhân chết não tại Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) hiến tặng đã được chuyển ra BV Việt Đức (Hà Nội) để ghép cho 2 bệnh nhân. Nhờ được sự hỗ trợ của Vietnam Airlines, quả tim và lá gan đã được vận chuyển một cách nhanh nhất, đảm bảo thời gian vàng để ghép cho bệnh nhân. Trong chuyến bay này, phi công được yêu cầu điều khiển máy bay di chuyển tránh các vùng mây để giảm độ xóc thấp nhất có thể, tiếp viên được yêu cầu phối hợp tốt nhất với các bác sĩ khi có tình huống phát sinh. Suốt quá trình vận chuyển, thùng chứa tạng luôn được bác sĩ bơm dung dịch bảo quản để không bị hoại tử tế bào.

Chuyến bay thứ hai diễn ra vào tháng 4/2016, một lần nữa Vietnam Airlines đã triển khai các phương án đột xuất để vận chuyển cấp cứu tạng từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội. Đến tháng 3/2018, một quả tim, một quả thận của người chết não hiến tặng cũng đáp chuyến bay từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh để hồi sinh hai cuộc đời. Và gần đây nhất, vào tháng 5/2018, trên chuyến bay mang số hiệu VN153 Hà Nội – Huế đã chở theo một quả tim được lấy từ một người chết não ở BV Hữu Nghĩ Việt Đức chuyển vào ghép cho một bệnh nhân tại BV T.Ư Huế.
Khác với các chuyến bay thường lệ, bộ phận phục vụ chuyến bay VN1543 hôm đó, từ phục vụ mặt đất, điều hành chuyến bay, phi công, tiếp viên và cả thợ kỹ thuật đều phải khẩn trương hoàn tất các công việc chuẩn bị cuối cùng, liên tục trao đổi điện thoại cập nhật tình hình ca phẫu thuật, sẵn sàng hỗ trợ đoàn bác sĩ ngay khi tới sân bay để kịp thời mang trái tim đến với người bệnh đang mong mỏi tại Huế. Tất cả khâu chuẩn bị hoàn tất vỏn vẹn trong 15 phút.

Như vậy, từ năm 2015 đến nay, Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người và Vietnam Airlines đã cùng thực hiện 5 chuyến điều phối mô, tạng, kịp thời cứu được 8 người bệnh.

Xóa nhòa khoảng cách

Từ thực tế nhu cầu ghép tạng rất lớn, Vietnam Airlines đã phối hợp với Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người xây dựng Quy trình phục vụ vận chuyển tạng cấp cứu với chủ trương ưu tiên bố trí chuyến bay, miễn phí tạng cần vận chuyển trên khoang Thương gia và các thiết bị đi kèm. Quy trình này vừa được hoàn thiện vào tháng 2/2018. Theo đó, quy trình là chuẩn bị máy bay về kỹ thuật và đúng giờ nhất so với dự kiến của bác sĩ để đảm bảo thời gian vận chuyển ở 2 đầu phòng mổ lấy tim - ghép tim nằm đúng trong khung giờ vàng bảo quản. Thùng chứa tạng được vận chuyển miễn phí dưới hình thức hành lý đặc biệt, mỗi thùng được đặt trên 2 ghế hành khách. Các bác sĩ và ê kíp vận chuyển cũng được ưu tiên làm thủ tục bay.
“Vietnam Airlines rất vinh dự khi được cùng tham gia mang lại sự sống cho các bệnh nhân trên mọi miền đất nước. Đây là những chuyến bay chứa đựng tình yêu thương, sự chia sẻ với ngành y và những người bệnh đang ở làn mong manh sự sống và cái chết” - Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines Trịnh Ngọc Thành chia sẻ.

Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người Trịnh Hồng Sơn cho biết, tại các nước tiên tiến, vận chuyển tạng trong điều kiện không lo hủy chuyến, thùng bảo quản tạng an toàn, nhưng cũng chỉ dám đi 500km, trong khi đó Việt Nam vận chuyển gần 2.000km và ghép thành công cho người bệnh. GS Trịnh Hồng Sơn khẳng định, nhờ sự giúp đỡ của Vietnam Airlines mà thời gian và khoảng cách trong vấn đề ghép tạng đã được xóa nhòa.