Những người giữ lại nét đẹp Hà Nội xưa

Hồng Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù trời nắng hay mưa, những "bác tài" làm nghề xích lô vẫn cố gắng bám trụ, một phần vì miếng cơm manh áo, một phần vì giữ gìn nét văn hóa của Hà Nội.

Những chiếc xích lô, có thời là một trong những biểu tượng giao thông, gắn bó với việc đi lại của người dân Hà Nội.
Những chiếc xích lô, có thời là một trong những biểu tượng giao thông, gắn bó với việc đi lại của người dân Hà Nội.

Khó khăn đủ đường

Chúng tôi ngồi trên chiếc xe xích lô do ông Phan Quang Vũ – một người gắn bó với nghề đã 30 năm để đi tham quan nội độ Hà Nội, chiêm ngưỡng những kiến trúc cổ kính của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Những ngôi nhà phố cổ với mái ngói đỏ, những con phố nhỏ với hàng cây xanh mướt, tất cả tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp. Xích lô đi qua những ngõ nhỏ, những con phố đông đúc và những khu chợ truyền thống, mang lại cho chúng tôi cảm giác như đang trở về quá khứ.

Ông Vũ vừa đạp xe vừa chia sẻ, xích lô là một loại xe ba bánh có một cái ghế dài phía trước để chở khách và một chiếc ghế nhỏ ở phía sau nơi người lái ngồi đạp và điều khiển.

Từ "xích lô" được người Việt gọi từ tên tiếng Pháp là "cyclo", do một người Pháp có tên là Coupeaud đã phát minh ra vào năm 1939. Nó giữ vị trí quan trọng trong đời sống của người dân nơi đây. Từ những việc đi lại nhỏ nhặt như đi chợ cho tới những việc quan trọng của đời người như ăn hỏi, rước dâu… Xích lô vẫn luôn góp mặt tạo nên nét văn hóa truyền thống cho người dân phố cổ.

Giây phút nghỉ ngơi của các tài xế xích lô.
Giây phút nghỉ ngơi của các tài xế xích lô.

Có thể thấy qua ông Vũ, giá trị của xích lô trong văn hóa Hà Nội xưa không chỉ đơn thuần là một phương tiện di chuyển, mà còn là một nghệ thuật di chuyển. Những người lái xích lô không chỉ là người lái xe, mà còn là những hướng dẫn viên, những người biết rất nhiều về lịch sử và văn hóa của thành phố này.

Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, theo ông Vũ và nhiều “bác tài” hành nghề lái xích lô chia sẻ, từ sau thời kỳ dịch bệnh Covdi-19 nguồn khách du lịch ngày càng ít đi, những người làm nghề như ông đang trải qua thời kỳ khó khăn. Bên cạnh đó, không nhiều du khách lựa chọn loại hình tham quan này bởi nhiều lý do, cùng với sự cạnh tranh của nhiều loại phương tiện khác đang đánh mạnh vào thu nhập ít ỏi của họ.

Ông Vũ kể lại, ngày trước khi xích lô được phép chở hàng lẫn chở khách, thu nhập hàng ngày cũng khá. Nhưng sau khi xích lô bị cấm vận chuyển hàng hoá cũng rất nhiều “bác tài” bỏ nghề chuyển sang những ngành nghề khác.

Hay có những người rất tâm huyết với nghề, nhưng do tuổi đã cao, sức khoẻ không đáp ứng được với việc phải rong ruổi khắp các ngõ ngách trên phố cổ phải nghỉ nghề. Hầu hết những người trẻ không có đủ kiên trì, tình yêu, nhiệt huyết để gắn bó với những chiếc xích lô.

“Tài xế chúng tôi luôn gặp khó khăn trong việc kiếm tiền. Nhưng nó đặc biệt khó khăn trong nhiều năm qua. Muốn kiếm khách đi lại trong nội thành thì làm sao cạnh tranh được với xe ôm công nghệ, xe taxi. Năm hết Tết đến cố nán lại thành phố kiếm được đồng nào hay đồng đó, chứ giờ chúng tôi lớn tuổi rồi, bỏ nghề này thì biết làm gì” - ông Vũ chia sẻ.

Tiếp tục gìn giữ

Gắn bó với nghề từ những năm cuối cùng của thập niên 90, ông Vũ cho biết, sống ở Hà Nội với công việc đặc thù giới thiệu cho du khách những nét đẹp của Thủ đô, để làm tốt công việc, tạo được sự thích thú cho du khách trong mỗi lần tham quan Hà Nội đòi hỏi ông phải thường xuyên cập nhật các kiến thức văn hóa, kinh tế, xã hội liên quan tới Thủ đô.

Bản thân ông phải đọc nhiều sách tư liệu để hiểu hơn về mảnh đất Hà thành, có vậy mới truyền đạt được những nét hay, nét đặc sắc riêng có ở nơi đây cho du khách. Đặc biệt những người hành nghề xích lô ở khu vực phố cổ Hà Nội còn học hỏi thêm cách ứng xử để giao tiếp với khách sao cho thật văn minh, lịch sự.

“Chúng tôi là những người đưa vẻ đẹp của Thủ đô đến gần hơn với du khách trong nước và quốc tế nên cần phải học hỏi nhiều thứ để góp phần nâng cao vị thế của mảnh đất nghìn năm văn hiến. Đặc biệt du khách đến với Hà Nội đều từ những vùng miền khác nhau nên để phục vụ khách được chu đáo chúng tôi cần có cách ứng xử riêng phù hợp với từng người sao cho thật khéo léo, hài hòa” - ông Vũ nói.

Với nhiều người tài sản lớn nhất là chiếc xe xích lô.
Với nhiều người tài sản lớn nhất là chiếc xe xích lô.

Bên cạnh việc những người lái xích lô cần có tác phong lịch sự, thân thiện nhất là khi gần đây đã xảy ra một số vụ lái xe xích lô “chặt chém” du khách nước ngoài. Từ đó nhiều ý kiến cho rằng để bảo tồn các giá trị lịch sử và văn hóa mà xích lô đem lại chúng ta phải nâng cao ý thức và coi xích lô như một phần sự cổ kính và hoài niệm của Hà Nội.

Chị Lê Thị Thảo (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ, dạo một vòng quanh bờ hồ Hoàn Kiếm, bắt đầu từ phố Yên Phụ rong ruổi khắp các ngõ ngách của phố cổ Hà Nội và kết thúc hành trình trải nghiệm tại phố Hàng Khay. Dù đã vài lần đi dạo khu phố cổ Hà Nội bằng xích lô nhưng mỗi lần chị đều có những trải nghiệm thú vị riêng.

Chị Thảo chia sẻ, ngồi trên chiếc xích lô được khám phá vẻ đẹp cổ kính của Thủ đô một cách đầy đủ, trọn vẹn cùng cảm giác an toàn, sạch sẽ. Theo từng vòng quay chầm chậm của xe, du khách được ngắm nhìn đất trời Hà Nội khi còn trong sương sớm, được hít hà hương thơm tỏa ra từ các chợ hoa cho đến những con đường nhỏ xinh trong từng phổ cổ.

"Cảm giác được ngồi trên xích lô, thong thả đi khắp các con phố rất tuyệt vời, được tận mắt ngắm từng ngóc ngách của phố cổ mà không phải quan sát phố phường qua kính ô tô. Những sự bình dị, nhẹ nhàng đó đã níu chân tôi đến với Hà Nội nhiều hơn.” - chị Thảo nói.

Trong tâm trí người Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, hình ảnh chiếc xích lô mang nét văn hóa du lịch chạy thong dong trên đường đã là một thói quen, một nét đẹp. Với sự phát triển của xã hội, các phương tiện hiện đại như ô tô, xe máy, xe điện tràn ngập trên đường phố những chiếc xích lô không còn là phương tiện ưa thích nữa mà thay vào đó là một loại hoạt động trải nghiệm văn hóa phố phường Hà Nội. Tuy có chút đắt đỏ, nhưng những đơn vị tổ chức cũng đang cố gắng để giữ nét đẹp và thanh tao của lịch sử này ở lại.

Những thế hệ sau, sinh ra và lớn lên cùng hiện đại và tiện nghi không còn được sống trong trải nghiệm của thế hệ trước nhưng may mắn thay vẫn còn được nghe và được thấy một phần còn sót lại của cuộc sống xưa cũ qua hình ảnh chiếc xích lô mang nét văn hóa du lịch. Bảo vệ và gìn giữ những nét đặc trưng dân tộc để những thế hệ sau cũng được thấy rõ những điều đang cảm nhận.