Những người thầy dạy nghề truyền cảm hứng

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp (GDNN) TP Hà Nội năm 2020 thực sự là ngày hội của những người thầy đào tạo nghề. Các nhà giáo không chỉ được trình diễn chuyên môn, kỹ năng sư phạm, ứng dụng công nghệ mà được học hỏi nhiều từ đồng nghiệp, nhận xét của ban giám khảo.

Bài giảng của nhà giáo đến từ trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội thu hút nhiều lãnh đạo, giáo viên theo dõi. Ảnh: Oanh Trần
Tâm huyết trong từng bài giảng
Trong 5 ngày (9 - 12/11) diễn ra Hội giảng nhà giáo GDNN TP Hà Nội năm 2020, tại nhiều phòng học – nơi những nhà giáo trình diễn bài giảng đã thu hút rất đông các lãnh đạo nhà trường cùng đồng nghiệp, học sinh, sinh viên (HS, SV) đến tham dự. Ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị tại trường Cao đẳng nghề (CĐN) Việt Nam – Hàn Quốc TP Hà Nội, điểm trình giảng của 7 tiểu ban cho thấy, các nhà giáo rất phấn khởi, tự tin và mong chờ được phô diễn kỹ năng của mình với việc làm chủ công nghệ. Lần đầu tiên tham gia Hội giảng, cô Nguyễn Thị Cẩm Hưng – giáo viên Khoa Chăm sóc sắc đẹp, trường CĐN Công nghệ cao Hà Nội cho biết: “Trong giờ giảng 60 phút, tôi tích hợp giảng lý thuyết 20% có sử dụng máy chiếu để trình chiếu video bài học; thực hành (80%) để dạy cho SV vẽ thành thạo một kiểu lông mày. Đây là bài giảng tôi tâm huyết chuẩn bị trước một tháng nên hy vọng sẽ thực hiện tốt trước Ban giám khảo và được các đồng nghiệp đón nhận” – cô Nguyễn Thị Cẩm Hưng chia sẻ.

Tại Hội giảng nhà giáo GDNN sẽ có các bài trình giảng tích hợp giữa lý thuyết và thực hành, trong đó lấy HS, SV làm trung tâm. Đây là mô hình được các giáo viên GDNN thực hiện trong vài năm trở lại đây, giúp cho HS, SV học lý thuyết xong được thực hành ngay, trang bị kỹ năng và nhớ bài tốt hơn. Đó chính là sự đổi mới - sáng tạo đã được đề ra trong kỳ Hội giảng lần này. Không chỉ thế, giáo viên phải biết làm chủ công nghệ, để ứng dụng trong từng bài giảng của mình. “Sự sáng tạo còn thể hiện ở chỗ chúng ta biết ngắt phần lý thuyết ở đâu để phù hợp với bài giảng thực hành tới đó và hợp với phần mềm mà giáo viên sử dụng, trang bị kỹ năng cho người học một cách tốt nhất” – thầy Nguyễn Minh Tân, giáo viên Tổ Kiến trúc, trường Trung cấp Xây dựng Hà Nội, tham gia trình diễn tại Hội giảng, cho biết.

Học hỏi những kinh nghiệm quý

Theo lãnh đạo nhiều cơ sở GDNN, Hội giảng nhà giáo GDNN TP Hà Nội năm 2020 thực sự là cơ hội tốt để giáo viên được giao lưu, chia sẻ, trình diễn tay nghề. Bởi vậy, các trường đã cử nhiều nhà giáo tham gia, với số bài giảng cũng tăng hơn kỳ Hội giảng trước. Thậm chí, có trường còn mang đến Hội giảng những bài giảng sử dụng công nghệ mới nhất. Ông Nguyễn Công Truyền - Hiệu trưởng trường CĐN Việt Nam – Hàn Quốc TP Hà Nội cho hay, nhà trường có 6 giáo viên tham dự Hội giảng ở các chuyên ngành khác nhau, làm chủ công nghệ. Trong đó có bài về nghề Cắt gọt kim loại trên máy, bằng phần mềm gia công tự động, rất độc đáo, tiếp cận công nghệ 4.0, yêu cầu người thầy phải có kỹ năng rất tốt. Hay bài về nghề Hàn công nghệ cao, đang được các DN lớn ứng dụng, yêu cầu nhà giáo phải có tay nghề cao.

Kỳ hội giảng này, trường CĐ Cơ điện Hà Nội có 6 giáo viên tham gia Hội giảng ở 5 nghề. Trực tiếp theo dõi bài giảng của từng giáo viên, Phó Hiệu trưởng trường CĐ Cơ điện Hà Nội Ngô Thế Quân cho hay: “Hội giảng nhà giáo GDNN TP Hà Nội thực sự là sân chơi bổ ích; vì thế, ngoài những nhà giáo tham gia trình diễn, chúng tôi huy động những giáo viên không có giờ lên lớp đến học hỏi, rút kinh nghiệm để trở về áp dụng vào bài giảng của mình...”. Đã thực hiện xong bài trình giảng hôm trước nhưng sáng 11/11 thầy Nguyễn Đức Việt – giảng viên Khoa Điện tử, trường CĐN Bách khoa Hà Nội vẫn đến chăm chú xem bài giảng của những đồng nghiệp khác. Thầy Việt tâm sự: “Hội giảng là cơ hội để tôi học những cách trình diễn của các nhà giáo ở trường khác, cách trình bày giáo án, xử lý những tình huống sư phạm. Tôi sẽ áp dụng những kinh nghiệm quý này vào bài giảng của mình để giúp cho giờ học của SV trở nên sinh động, hấp dẫn hơn”.

Để có nguồn nhân lực chất lượng cao, TP Hà Nội rất quan tâm đến công tác đổi mới phương pháp đào tạo gắn chặt lý thuyết với thực tiễn và đòi hỏi của DN, trong đó giáo viên chính là hạt nhân. Chia sẻ về Hội giảng nhà giáo GDNN TP Hà Nội năm 2020, Trưởng ban Tổ chức Nguyễn Thanh Nhàn cho rằng, các nhà giáo GDNN vượt qua khó khăn mang đến những bài giảng chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu đào tạo nghề. Các nhà giáo phải hội nhập rất sâu vào sự phát triển của khu vực, thế giới để ứng dụng khoa học công nghệ. Kiến thức sư phạm cũng phải nâng lên tầm mới để thu hút và hỗ trợ HS, SV trong quá trình học, tạo ra hứng thú say mê, kích thích các em tư duy sáng tạo...