Những nỗi niềm trong học và kiểm tra, đánh giá trực tuyến

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Những ngày cuối năm 2021 cũng là giai đoạn bộn bề với học tập, kiểm tra, sơ kết của các nhà trường, giáo viên và học sinh khối phổ thông trên cả nước. Khi hoạt động dạy- học diễn ra bằng hình thức trực tuyến thì yếu tố linh hoạt (ở nội dung, hình thức kiểm tra) và tương đối (ở kết quả, chất lượng giáo dục) là vấn đề đã được dự báo từ trước; vậy nhưng vẫn còn nhiều lắm nỗi niềm…

Linh hoạt để đảm bảo an toàn
Tại Hà Nội, toàn TP đang ở cấp độ 2 trong phòng, chống dịch Covid- 19. Với tinh thần linh hoạt, đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh, Sở GD&ĐT yêu cầu các đơn vị xây dựng phương án kiểm tra, đánh giá học kỳ 1 trực tiếp/trực tuyến phù hợp với kế hoạch dạy- học cũng như tình hình dịch bệnh thực tiễn của địa phương.
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Chương Mỹ Nguyễn Đức Hòa cho biết, huyện Chương Mỹ có 5/9 trường THPT tổ chức cho học sinh lớp 12 học trực tiếp luân phiên và 18/37 trường THCS đón học sinh lớp 9 đến trường. Tính đến thời điểm thực hiện kiểm tra học kỳ 1, hình thức kiểm tra sẽ tương ứng với hình thức dạy - học mà đơn vị đang thực hiện và có thể điều chỉnh trong trường hợp dịch bệnh phức tạp. Như vậy, vì các cấp học còn lại (bao gồm cả lớp 1, 2) đang học trực tuyến nên công tác kiểm tra, đánh giá học kỳ 1 cũng được tiến hành theo hình thức trực tuyến.

 Có nhiều hình thức, kiểm tra đánh giá trực tuyến như trên giấy, trên máy tính, qua bài thực hành, dự án học tập
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Xuân Thành thì Bộ GD&ĐT không thể đưa ra quy định chung về kiểm tra, đánh giá để áp dụng cho hàng triệu giáo viên, học sinh cả nước trong bối cảnh hiện tại. Vận dụng Thông tư 09, hình thức kiểm tra, đánh giá trực tuyến rất linh hoạt như trên giấy, trên máy tính, qua bài thực hành, dự án học tập...; và nhà trường, thầy cô có thể lựa chọn hình thức phù hợp với nội dung của các môn học sao cho đạt hiệu quả tốt nhất.
Từ việc linh hoạt về hình thức dẫn đến việc học và kiểm tra trực tuyến cũng chỉ đạt sự tương đối về kết quả kiểm tra cũng như chất lượng dạy- học. Dù công tác tuyên truyền đến học sinh, phụ huynh được các nhà trường, giáo viên tích cực thực hiện; quá trình kiểm tra có thiết bị giám sát với nội quy, quy chế rõ ràng nhưng ý thức trung thực, sự tự giác của học sinh, phụ huynh vẫn được coi là yếu tố quyết định tính khách quan của kết quả kiểm tra trực tuyến.
Chuyên gia Bộ GD&ĐT cho rằng, phụ huynh cần hiểu việc kiểm tra chỉ là nhất thời và cần nhìn nhận kiểm tra trực tuyến ở khía cạnh tích cực, đó là đánh giá đúng năng lực của người học thay vì lo lắng có gian lận xảy ra. Mặt khác, các nhà trường cần thực hiện tốt các biện pháp giám sát qua camera, theo dõi, trông thi. Việc kiểm tra đánh giá trực tuyến được thực hiện theo quy định chung, công khai, minh bạch và sự tác động nếu có chỉ là tháo gỡ khó khăn, sự cố xảy ra liên quan đến thiết bị, đường truyền.
Học sinh lớp 1, 2 có thể không tự tin khi tự học
Một giáo viên dạy lớp 1 tại địa bàn quận Hà Đông chia sẻ rằng: “Lớp có hơn 50 học sinh, qua thời gian học trực tuyến thì chỉ được tầm chục em tiếp thu ổn, tự chủ, tự tin khi phát biểu; số còn lại phụ thuộc nhiều vào bố mẹ. Trong thời gian học trực tuyến, viết và đọc là hai vấn đề rất khó khăn với đối tượng học sinh này. Ở nhà có bố mẹ hỗ trợ, các em có thể đọc, viết được, làm bài kiểm tra được chứ đến lớp tự học, tự viết, cô giáo không dám khẳng định các em đều thực hiện tốt. Suy rộng ra, việc kiểm tra trực tuyến rất khó đạt sự khách quan tuyệt đối vì các em làm tại nhà. Mặc dù vậy, đây vẫn là giải pháp khả quan nhất ở bối cảnh hiện nay”.
 Tính khách quan của kỳ kiểm tra trực tuyến phụ thuộc phần lớn vào ý thức tự giác, trung thực của học sinh và phụ huynh
“Có cần thiết phải kiểm tra, đánh giá trong giai đoạn học trực tuyến không?” là câu hỏi được dư luận đặt ra với học sinh lớp 1, 2. Khi Bộ GD&ĐT rồi đến Sở GD&ĐT Hà Nội lần lượt ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện công tác này thì chi tiết “với học sinh lớp 1, lớp 2: Bài kiểm tra định kỳ được tổ chức bằng hình thức trực tiếp” đã khiến nhiều người phản ứng gay gắt. Dù văn bản có lưu ý “thực hiện các giải pháp linh hoạt, phù hợp với thực tế, đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch” và “trong trường hợp bất khả kháng, tại thời điểm kiểm tra định kỳ học sinh không thể đến trường để làm bài kiểm tra bằng hình thức trực tiếp, cơ sở giáo dục báo cáo phương án, điều kiện tổ chức cho học sinh làm bài kiểm tra định kỳ bằng hình thức trực tuyến…” thì lời “trách giận” về việc quan trọng hóa kiểm tra, đánh giá với lớp 1, 2 vẫn được đưa ra.
“Với lớp 1, lớp 2, việc kiểm tra, đánh giá càng cần cơ chế linh hoạt, mềm dẻo. Về nội dung, cần đặt ra yêu cầu nhẹ hơn để không gây áp lực cho giáo viên, học sinh, nhà trường mà chỉ học đến đâu, kiểm tra, ghi nhận đến đó theo đúng nghĩa. Riêng với học sinh lớp 1, trong giai đoạn này việc các em đọc thông, viết thạo, làm toán tốt đã là một kỳ tích của cả thầy- trò và phụ huynh, vì vậy không nên đưa ra quy chuẩn”- cô Nguyễn Thị Hoài Thu, giáo viên lớp 1 tại huyện Chương Mỹ bày tỏ.
Trước đó, do tính đến các tác động khó khăn của dịch bệnh nên Bộ GD&ĐT đã tinh giản chương trình học và chỉ giữ lại nội dung cốt lõi. Trong bài kiểm tra, đánh giá, Bộ đề nghị nội dung đề kiểm tra phù hợp với yêu cầu cần đạt về nội dung học tập và các thành phần năng lực của môn học. Với các cấp học khác thì không kiểm tra, đánh giá định kỳ với nội dung hướng dẫn học sinh tự đọc, tự học, tự  làm, tự thực hiện, không yêu cầu hoặc bài thực hành, thí nghiệm. 
“Dịch bệnh đang dần được kiểm soát, cuộc sống bình thường mới đang dần được xác lập. Kinh tế và các hoạt động xã hội sẽ dần được phục hồi, nhưng ngành Giáo dục lại bắt đầu một chặng đường mới với những khó khăn, thách thức vẫn còn nguyên và thậm chí còn lớn hơn nữa đang chờ phía trước. Hậu quả do dịch bệnh gây ra để lại lâu dài và sự khắc phục nó không phải một sớm một chiều. Ngành Giáo dục đã triển khai đánh giá ảnh hưởng của dịch bệnh bước đầu có những con số và chỉ số về tác động tiêu cực, có điều đã nhìn thấy ngay và đã thấy, nhưng cũng có những điều còn ảnh hưởng lâu dài, chưa đo đếm được. Đặc biệt là những lỗ hổng về kiến thức, những tác động tâm lý tinh thần, tình cảm của học sinh…”- Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.