Những tín hiệu cảnh báo sớm của nền kinh tế

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chỉ tiêu thống kê 2 tháng đầu năm 2020 cho thấy, một số chỉ tiêu kinh tế vẫn có kết quả tích cực song cũng có những cảnh báo cần thiết.

Người tiêu dùng chọn mua thực phẩm tại siêu thị Hapro. Ảnh: Hải Linh

Kết quả tích cực

Sản xuất 2 tháng diễn ra trong khó khăn, sản xuất nông nghiệp vừa mới qua dịch tả lợn châu Phi… dịch bệnh Covid-19 làm cho xuất khẩu nhiều loại nông, thủy sản bị ngưng trệ nhưng với các giải pháp “giải cứu” ở trong nước và khơi thông xuất khẩu, nên việc tiêu thụ nông, thủy sản đã có dấu hiệu dần hồi phục trở lại. Sản xuất công nghiệp đã gặp khó khăn ở cả đầu vào và đầu ra nhưng đã khắc phục khó khăn, tiếp tục tăng. Trong đó, tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn cao nhất (7,4% so với tốc độ giảm 3,7% của ngành công nghiệp khai khoáng; tăng 8,4% của ngành sản xuất và phân phối điện, nước; tăng 4,9% của ngành nước, nước thải).
Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 năm nay so với tháng 1 giảm 0,17%, so với tháng 12/2019 tăng 1,06%, bình quân 2 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước tăng 5,91%. Mặc dù tốc độ bình quân chung tăng cao, nhưng của một số nhóm mặt hàng tăng thấp, như: Lương thực; đồ uống và thuốc lá; thiết bị và đồ dùng gia đình; may mặc, giày dép và mũ nón; văn hóa, giải trí và du lịch; đặc biệt có mặt hàng tiếp tục giảm (bưu chính, viễn thông giảm 0,65%).

Vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách tăng cao so với cùng kỳ năm trước, trong đó của T.Ư tăng cao hơn của địa phương (21,1% so với 17,4%); vốn đầu tư ngoài Nhà nước tiếp tục tăng, trong đó có khối DN, với lượng đăng ký thành lập mới trong 2 tháng là 17.438 DN, số vốn gần 220.000 tỷ đồng… Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ (TMBL) giá thực tế đạt 863.857 tỷ đồng, tăng 8,3%; nếu loại trừ yếu tố giá đã tăng 5,4% trong điều kiện dịch Covid-19 làm cho một số dịch vụ bị ảnh hưởng, nhất là du lịch, lễ hội, dịch vụ ăn uống ngoài gia đình, dịch vụ giáo dục… Kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đạt 36,923 tỷ USD, tăng 2,4%, trong đó của khu vực kinh tế trong nước tăng cao hơn của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (tăng 6,0% so với tăng 0,9%).
Theo thị trường, Mỹ là thị trường lớn nhất đạt 9,8 tỷ USD, tăng 19,6%; EU đạt 5 tỷ USD, giảm 7%; Trung Quốc đạt 4,8 tỷ USD, tăng 3,7%; ASEAN đạt 3,5 tỷ USD, giảm 9,3%; Nhật Bản đạt 3,2 tỷ USD, tăng 8,9%; Hàn Quốc đạt 2,7 tỷ USD, giảm 6,5%.
Về lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 2 tháng, tốc độ tăng bị chậm lại, chỉ còn 4,8%, sụt giảm, nhưng do công tác phòng, chống dịch tích cực, nên khách đến một số châu lục, quốc gia và vùng lãnh thổ vẫn tăng, như Châu Á tăng 4,7% (trong đó cao hơn có Campuchia, Thái Lan, Lào, Đài Loan, Indonesia); Châu Âu tăng 8,8% (trong đó cao hơn có Nga, Tây Ban Nha); Châu Phi tăng 17,7%.

Tăng trưởng nhiều nhóm, ngành giảm

Tăng trưởng kinh tế năm 2020 bị chậm lại so với năm trước và có khả năng thấp hơn mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội. Tăng trưởng giá trị tăng thêm của nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản tiếp tục đà sút giảm xuống của 2 năm trước (năm 2018 tăng 3,76%, năm 2019 tăng 2,01%), thậm chí còn thấp hơn 1,36% của năm 2016 - tốc độ “đáy” của hơn 10 năm trước đó.
Tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2020 có khả năng tiếp tục đà giảm làm cho tăng trưởng giá trị tăng thêm của nhóm ngành công nghiệp - xây dựng sẽ tăng thấp hơn, thậm chí có thể còn thấp hơn cả tốc độ tăng của năm 2016 (7,57%). Vốn đầu tư từ nguồn ngân sách sau 2 tháng đạt thấp so với kế hoạch cả năm (7,3%). Vốn thực hiện FDI giảm so với năm trước. Các yếu tố trên có thể làm cho tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP không đạt mục tiêu (33 - 34%), ảnh hưởng tới tốc độ tăng GDP, bởi vốn đầu tư là yếu tố vật chất quyết định tốc độ tăng trưởng GDP.
TMBL (đã loại trừ giá) năm nay có thể thấp hơn năm 2019 (9,2%), thậm chí có thể thấp hơn tốc độ tăng của năm 2016, 2018 (tăng 8,4%). Nguyên nhân chủ yếu do tốc độ tăng và tỷ trọng của dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ khác chậm lại. Về xuất, nhập khẩu, tăng trưởng xuất khẩu tăng chậm lại hoặc có thể không đạt được mục tiêu (7%). Tỷ lệ xuất khẩu/GDP có thể thấp hơn 2 năm trước (2018 đạt 99,5%, 2019 đạt 99,9%), tốc độ tăng của xuất khẩu thấp hơn tốc độ tăng của nhập khẩu.
Khách quốc tế đến Việt Nam tăng chậm lại so với 4 năm trước. Nếu dịch Covid - 19 chưa bị ngăn chặn thì lượng khách quốc tế đến Việt Nam, nhất là từ các nước có số người nhiễm lớn, sẽ giảm. Cùng với sự sụt giảm của lượng khách là sự sụt giảm chi tiêu của khách, tác động không tốt đến cán cân thanh toán tổng hợp, đến dự trữ ngoại hối và sự ổn định của tỷ giá VND/USD…
CPI bình quân 2 tháng năm nay cao hơn của cùng kỳ năm trước (5,91% so với 2,6%). Trong thời gian tới có nhiều tác động làm tăng CPI bình quân. Trong đó có yếu tố do giá thực phẩm vẫn còn cao, có yếu tố do giá thế giới sẽ tăng, làm cho giá nhập khẩu tính bằng USD sẽ tăng kép (vừa tăng do giá tính bằng USD tăng, vừa tăng do tỷ giá VND/USD tăng). Do vậy, CPI bình quân năm 2020 có thể cao hơn năm trước (2,79%), có thể cao hơn mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội (4%).