Năm 2020 đã chứng kiến nhiều sự kiện lớn, vấn đề địa chính trị quan trọng và những câu chuyện này được dự báo sẽ còn tiếp diễn trong năm 2021.
Mặc dù vây, thế giới đang hy vọng vào năm 2021 với những chuyển biến tích cực chấm dứt những bất đồng còn tồn tại trong năm 2020 và tạo cơ hội cho các nước hoàn thành những mục tiêu đã bị trì hoãn do dịch Covid-19.
Dưới đây là 5 vấn đề đáng được quan tâm trong năm 2021 bởi bất kỳ vấn đề nào trong số này đều có thể trở thành sự kiện tin tức nổi bật của năm:
1. Đại dịch Covid-19 tiếp diễn
Trong năm 2021, những vấn đề liên quan đến dịch Covid-19 sẽ tiếp tục chi phối quyết sách của chính phủ các nước.
Số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu tính đến ngày 31/12 gần chạm mức 83 triệu người và hơn 1,8 triệu ca tử vong. Trong năm 2021, nhiều tiến bộ trong bào chế vaccine ngừa Covid-19 và các thuốc điều trị được kỳ vọng sẽ giúp chấm dứt đại dịch vốn đã ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống trên thế giới trong năm vừa qua.
Dịch bệnh được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp tại Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nga trong năm tới.
Nhiều nước đã triển khai các chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 ngay khi tiếp nhận các lô vaccine đầu tiên. Các biện pháp hạn chế đi lại tại nhiều quốc gia quốc tế sẽ tiếp tục được thực hiện trong năm 2021, vì vậy việc phân phối vaccine, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, có thể sẽ bị thiếu.
Tại Mỹ, các cuộc thăm dò cho thấy 42% người Mỹ sẽ không sử dụng bất kỳ loại vaccine nào, điều này có thể làm giảm cơ hội ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 ngay trong nửa đầu năm 2021.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tại Anh giữa tháng 12 và hiện đã được phát hiện ở một loạt quốc gia như Đan Mạch, Nigeria, Singapore… làm gia tăng những quan ngại mới về dịch Covid-19.
Nhiều người vẫn kỳ vọng vaccine sẽ là "vũ khí tối thượng" chống lại biến thể mới của virus SARS-CoV-2, song việc có thực sự kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19 trong năm tới hay không vẫn là câu hỏi chưa lời giải đáp, khi thế giới vẫn mờ mịt với những điều không thể chắc chắn như tỷ lệ người được tiếp cận vaccine, thời gian bảo vệ của kháng thể và nguy cơ xuất hiện các biến thể mới.
Không phải ngẫu nhiên, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo rằng dù thế giới đã có vaccine nhưng đại dịch vẫn còn chặng đường dài phía trước.
2 . Kết quả chính thức bầu cử Mỹ
Ngày 20/1/2021, gần như chắc chắn Nhà Trắng sẽ có chủ nhân mới thay thế Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump. Theo kết quả sơ bộ của cử tri đoàn, ứng viên Dân chủ Joe Biden là Tổng thống đắc cử Mỹ, song đến ngày 6/1 Quốc hội Mỹ mới chính thức kiểm phiếu đại cử tri.
Ông Biden cam kết sẽ tăng cường nguồn nhân lực và vật lực cho cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 ở Mỹ, cũng như đảo ngược quyết định của Tổng thống Trump về việc rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Ông Biden sẽ điều chỉnh lại chính sách thuế, buộc những người giàu phải nộp thuế cao hơn trong khi mức thuế đối với tầng lớp trung lưu hoặc thu nhập thấp sẽ được giữ nguyên hoặc giảm.
Về chính sách đối ngoại, lập trường cứng rắn của Washington đối với Bắc Kinh được dự báo sẽ ít thay đổi. Ông Biden cũng có thể cứng rắn hơn với Nga, song vẫn để ngỏ khả năng đàm phán lại thỏa thuận về kiểm soát vũ khí. Các ưu tiên khác của chính quyền mới của Mỹ là cải thiện quan hệ với các đồng minh, đặc biệt là các nước châu Âu và quay trở lại Thỏa thuận hạt nhân Iran.
3. Nước Anh chính thức bước vào kỷ nguyên hậu Brexit
Từ ngày 31/1/2020, Anh đã chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu EU (còn được gọi là Brexit) song giai đoạn chuyển tiếp còn kéo dài tới ngày 31/12/2020. Vấn đề được quan tâm nhất là thỏa thuận thương mại hậu Brexit với hy vọng không tạo ra sự biến động lớn trong giao thương giữa hai bờ eo biển Manche.
Tín hiệu tích cực hiện tại là vào ngày 24/12/2020, Anh và EU đã thống nhất một số điều khoản cho thỏa thuận hậu Brexit với kỳ vọng được cả nghị viện Anh và nghị viện châu Âu phê chuẩn.
Thỏa thuận thương mại chắc chắn sẽ giúp tránh khỏi một kịch bản Brexit bế tắc vào ngày 1/1/2021. Tuy nhiên, những thách thức vẫn còn hiện hữu khi Anh và EU sẽ là "những người bạn cũ" trong Năm mới.
Văn phòng Trách nhiệm ngân sách (OBR) của Anh dự báo rằng dù có thỏa thuận hậu Brexit, trong vòng 15 năm tới, sản lượng nền kinh tế nước này sẽ giảm 4% so với kịch bản không có Brexit. Còn nếu không có thỏa thuận, con số này sẽ là 6%.
Cũng bắt đầu từ năm 2021, các quy tắc của EU sẽ không được áp dụng ở Anh. Trong đó, người dân Anh cũng không được hưởng các ưu đãi về cư trú, đi lại, việc làm, học tập… từ châu Âu lục địa.
4. Căng thẳng địa chính trị
Các vấn đề thế giới nổi cộm như tình hình chính trường Mỹ, mối quan hệ giữa Nga và phương Tây, quan hệ căng thẳng giữa Iran và Mỹ vẫn là mối quan tâm hàng đầu trong năm 2021.
Tại Mỹ, Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ nhậm chức vào ngày 20/1 và ưu tiên hàng đầu của chính quyền mới là cuộc chiến chống Covid-19 và phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, những thách thức không nhỏ đang chờ đón nhà lãnh đạo Mỹ là xã hội phức tạp với những sự chia rẽ nội bộ. Suy thoái kinh tế và nợ nần chồng chất do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, bất đồng giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ có thể sẽ kéo dài sang năm 2021.
Vụ ám sát chuyên gia hạt nhân Iran Mohsen Fakhrizadeh làm gia tăng căng thẳng giữa Tehran và Washington trong năm 2020. |
Với mối quan hệ giữa Nga và phương Tây giảm xuống mức thấp mới sau cuộc khủng hoảng Ukraine, mối quan hệ của Nga với Mỹ và các nước phương Tây khác có thể vẫn đóng băng trong năm 2021 nếu ông Biden dường như coi Nga là "mối đe dọa lớn nhất" đối với an ninh của Mỹ.
Về quan hệ giữa Tehran và Washington, vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran cùng với chính sách tăng cường trừng phạt của chính quyền Tổng thống Trump có thể làm khó cho tham vọng quay trở lại Thỏa thuận hạt nhân Iran của Tổng thống đắc cử Joe Biden.
Bên cạnh đó, việc Thổ Nhĩ Kỳ can dự vào các cuộc xung đột ở Libya và Nagorno-Karabakh, những căng thẳng ở Đông Địa Trung Hải... tất cả đều cho thấy một xu hướng bất ổn và có thể kéo dài sang năm mới.
5. Tăng trưởng toàn cầu
Đại dịch Covid-19 đã khiến kinh tế toàn cầu suy thoái trong năm 2020. Dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm nghiêm trọng ở mức 5,2% so với dự báo trước đại dịch là tăng trưởng 2,5- 3,4%.
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới tháng 10/2020, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã điều chỉnh dự báo kinh tế toàn cầu năm 2020, theo đó kinh tế thế giới sẽ giảm 4,4%, thu hẹp hơn so với mức dự báo trong bản cập nhật hồi tháng 6. IMF đưa ra dự báo lạc quan trên dựa trên mức tăng trưởng thực tế của các nền kinh tế lớn khi dấu hiệu phục hồi đã nõ nét hơn.
Với những nỗ lực như tiêm phòng đại trà vaccine, nền kinh tế thế giới dự kiến sẽ dần thoát khỏi “bóng ma” Covid-19 trong năm tới, bất chấp những rủi ro liên quan đến vaccine, sự bùng phát trở lại của các bệnh lây nhiễm và nợ công tăng.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng trong ngắn hạn, việc tái áp dụng các biện pháp hạn chế đề ngăn chặn viurs SARS-CoV-2 ở một số quốc gia sẽ hạn chế phần nào đến đà phục hồi kinh tế trong năm 2021.
Về lâu dài, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu, dẫn đến nợ nần gia tăng, đồng thời phá vỡ triển vọng tăng trưởng toàn cầu.
Do đó, “quá trình phục hồi sau dịch Covid-19 có thể sẽ kéo dài, không đồng đều và không chắc chắn” - nhà kinh tế trưởng Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Gita Gopinath cảnh báo hồi tháng 10.
Nhìn chung, bất kỳ sự phục hồi nào cũng có thể diễn ra tương đối chậm. IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sau năm 2022 và cảnh báo rằng sự gia tăng nghèo đói trên toàn cầu có thể tiếp tục diễn ra.
Ngân hàng Thế giới (WB) cũng bày tỏ lo ngại tương tự và lưu ý rằng các nền kinh tế mới nổi phụ thuộc vào ngành thương mại, du lịch và kiều hối có thể sẽ gặp nhiều khó khăn.