Niềm vui của “người cảnh sát giao thông 74”

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhắc đến ông Lưu Viết Thục, những người dân xung quanh khu vực thôn Hữu Lê, xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì đều không khỏi thán phục. Ngay cả khi ở tuổi 74, người lính năm xưa với những điểm sùi trên cơ thể do ảnh hưởng chất độc da cam, vẫn đều đặn hàng ngày tình nguyện phân luồng giao thông trên đoạn đường liên thôn Hữu Lê.

Ông Lưu Viết Thục điều khiển giao thông đoạn đường liên thôn Hữu Lê, xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì. Ảnh: Trần Thảo
Nhiều năm nay, trên đoạn đường liên thôn từ cầu Hữu Hòa đi Hà Đông, mật độ người tham gia giao thông rất đông, cộng với việc bị thắt nút cổ chai tại khu vực này bởi vướng một ngôi nhà (153 Hữu Lê) nên đến giờ cao điểm là xảy ra ùn tắc. Hầu như hôm nào cũng xảy ra tình cảnh chen lấn, xô đẩy nhau để giành đường đi.
Cảm nhận được sự vất vả của người tham gia giao thông trên đoạn đường này, từ tháng 7/2017, ông Thục đã tình nguyện đứng ra phân luồng giao thông, kể cả trời nắng hay trời mưa. Theo ông Thục, công việc phân luồng giao thông những ngày đầu vô cùng vất vả bởi không ít người cho “ông bị hâm” nên không chấp hành. Song, bỏ ngoài tai tất cả, ông tiếp tục làm công việc này một cách thoải mái và vui vẻ. Đến nay, đã thành thói quen, hàng ngày, ông bắt đầu công việc “vác tù và” vào lúc 6 giờ 30 phút - 8 giờ 30 phút sáng và buổi chiều từ 17 giờ 30 phút - 19 giờ 30 phút, có ngày, ông phải chạy 5 - 6 lần ra đây để phân luồng giao thông cho người dân. “Có hôm về đến nhà cũng hơn 8 giờ tối nhưng với tôi, công việc này không hề vất vả mà còn ngập tràn niềm vui vì đã giúp đỡ được những người xung quanh. Cứ mọi người đi được, không bị tắc đường là mình cảm thấy trong ngày làm tròn mọi việc” - ông Thục nói.
“Do đặc điểm của tuyến đường liên xã luôn bị ách tắc, ông Lưu Viết Thục tự nguyện phân luồng giao thông ngày nắng cũng như ngày mưa để đảm bảo vấn đề đi lại của Nhân dân mà không đòi hỏi chế độ gì. Đây là một điều phấn khởi. Mong ngày càng có nhiều gương điển hình như ông Thục để nhân rộng, lan tỏa hơn những hành động đẹp vì an toàn giao thông Thủ đô”.
Thượng tá Trần Quốc Toản - Cảnh sát giao thông huyện Thanh Trì
Hơn một năm tình nguyện, nay ông Thục đã điều khiển giao thông một cách thuần thục và chuyên nghiệp. Nhiều người cứ hỏi ông, dù không được học nhưng sao ông lại điều khiển giỏi và chuẩn thế? Ông cười bảo rằng: “Những lúc tắc đường phải phân công, chia đều, tròn đường. Nếu đường bên phải 7 xe ô tô đi, bên trái cũng 7 xe ô tô đi. Trước khi xe bên nào được đi, mình phải quan sát xem có vấn đề cản trở không? Mình phải khéo léo, tính toán, bên nào đi trước, bên nào đi sau, đi như thế nào cho đúng”. Theo ông, công việc này đòi hỏi người làm giao thông phải có sự quan sát tinh tế, điều hành thật chuẩn, tỉnh táo thì mới giải quyết được ùn tắc một cách nhanh chóng. Nhưng có lẽ, đã từng là một cán bộ công tác trong ngành Giao thông Hà Đông một thời gian dài nên phần nào cũng giúp ông hiểu Luật Giao thông, có cách nhìn chuẩn, để điều hành một cách chính xác nhất.

Ông Thục cũng cho rằng, có làm công việc điều khiển giao thông, mới hiểu được nỗi vất vả của các chiến sĩ cảnh sát giao thông. Ngay như bản thân ông, làm công việc “vác tù và” có nhiều niềm vui vì giúp đỡ được mọi người nhưng có lúc cảm thấy cũng bực mình vì sự cố tình trêu chọc của những tay lái trẻ. Song, một điều khiến ông day dứt nhất, đó là đoạn đường này thường xuyên xảy ra tai nạn do nhiều... ổ gà. Bởi vậy, khi đoạn đường không xảy ra ùn tắc, ông Thục lại làm công tác “vá đường”, tranh thủ bốc đất đá, san phẳng những ổ gà để mọi người lưu thông an toàn. “Mọi người đi được, mình mới vui, mới nhàn, mới giải quyết được mọi việc. Chứ nếu ổ gà còn nhiều như thế, vất vả lắm!” - ông Thục chia sẻ.

Gắn bó với công việc “vác tù và” hơn một năm nay, vui, buồn, vất vả lẫn lộn nhưng ông Thục – người lính năm xưa, “vị cảnh sát giao thông 74” ( 74 tuổi - PV) ấy chưa bao giờ có ý định từ bỏ công việc. Ông bảo, muốn tiếp tục được góp sức nhỏ bé của mình giúp ích cho đời, như một cách tích phúc cho con cháu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần