Nỗ lực cho mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6%

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sản xuất trong nước phục hồi tích cực, đơn hàng xuất khẩu gia tăng đã đưa xuất khẩu quý I/2024 trở thành điểm sáng của hoạt động thương mại. Đây là tín hiệu khả quan để Việt Nam nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% năm 2024.

Tăng trưởng xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, trong quý I/2024, kim ngạch xuất khẩu đạt 93 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 11,6%). Trong quý I/2024, có 16 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 82,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 4 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 52,7%).

Đóng gói bưởi da xanh xuất khẩu. Ảnh minh họa
Đóng gói bưởi da xanh xuất khẩu. Ảnh minh họa

Đáng chú ý, xuất khẩu tăng trưởng mạnh và đồng đều ở cả 3 nhóm hàng: nông, lâm, thủy sản đạt 8,46 tỷ USD, tăng 23,8%; công nghiệp chế biến chế tạo ước đạt 79,6 tỷ USD, tăng 17,5%; nhiên liệu khoáng sản quý I/2024 ước đạt 1,13 tỷ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Về thị trường xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết các thị trường trong quý I/2024 đều có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao. Trong đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 26 tỷ USD, tăng 25,5%; tiếp đến là Trung Quốc đạt 12,68 tỷ USD, tăng 5,2%; thị trường EU đạt 12,1 tỷ USD, tăng 16,3% số với cùng kỳ năm trước.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải đánh giá, quý I/2024 đang có mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay, đây là thành tích nói lên sự phục hồi của sản xuất cũng như nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam.

Lý giải về khả năng phục hồi, ông Trần Thanh Hải cho biết, trước hết là bối cảnh thị trường ngoài nước đang có những tín hiệu tích cực. Cụ thể, thị trường Mỹ đang có những động thái về cắt giảm lãi suất, qua đó kích cầu tiêu dùng trở lại, mở rộng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, khu vực EU cũng đã vượt qua giai đoạn suy thoái, lượng tồn kho của giai đoạn trước đây đã hết, khu vực này cũng bắt đầu tăng nhập khẩu trở lại.

Một yếu tố quan trọng nữa là các giải pháp của Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp về cắt giảm thuế hoặc, cải cách hành chính đã giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng sản xuất tốt hơn.

Nâng giá trị sản phẩm, đa dạng hóa thị trường

Năm 2024, Bộ Công Thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 377 tỷ USD, tăng khoảng 6% so với năm 2023; cán cân thương mại thặng dư dự kiến khoảng 15 tỷ USD. Đây là mục tiêu đầy tham vọng, cần nhiều nỗ lực từ Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp mới có thể khả thi.

Thủy sản là nhóm hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam. Ảnh minh họa
Thủy sản là nhóm hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam. Ảnh minh họa

Khuyến nghị về các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, TS Lê Quốc Phương - Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, thời gian tới, Việt Nam cần tập trung thúc đẩy các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh như nông sản, trong đó cần đặc biệt chú ý đến vấn đề chất lượng. Riêng với xuất khẩu thủy sản là mặt hàng có thế mạnh, cần tích cực tháo gỡ thẻ vàng của Liên minh châu Âu (EU).

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xuất khẩu trong các lĩnh vực tạo ra giá trị gia tăng lớn. Ví dụ trong nông nghiệp cần đẩy mạnh chế biến để tăng giá trị gia tăng. Đơn cử, Việt Nam xuất khẩu cà phê đứng thứ hai thế giới sau Brazil nhưng lại chủ yếu xuất thô, kim ngạch rất cao nhưng giá trị gia tăng rất thấp.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin, nắm bắt xu hướng của thế giới, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh các giải pháp xúc tiến xuất khẩu xanh để tìm hướng đi bền vững hơn và hiệu quả hơn.

Song song đó, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong FTA như: CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các hiệp định.

Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như: bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh… 

Cùng với đó, nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.

 

Để phát triển thị trường, nâng cao hiệu quả xuất khẩu, Bộ Công Thương tiếp tục đàm phán, ký kết các FTA với các đối tác tiềm năng như châu Mỹ Latinh, Trung Đông - Nam Á hay châu Phi nhằm đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân