Nỗ lực cứu hộ động vật hoang dã

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội (Trung tâm) là đơn vị duy nhất trên toàn quốc có chức năng cứu hộ, bảo tồn, nhân nuôi sinh sản động vật hoang dã (ĐVHD). Đồng thời, tổ chức nghiên cứu khoa học, phục vụ tham quan, học tập, quan hệ trong nước và quốc tế về nghiên cứu, bảo tồn, trao đổi, cung cấp ĐVHD các thế hệ sau (F2).

 Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội thả cá thể khỉ vàng về môi trường tự nhiên tại Vườn quốc gia Bái Tử Long, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Mai 
Đáp ứng yêu cầu cấp thiết
Những năm đầu thập kỷ 90, việc săn bắn, buôn bán, vận chuyển trái phép ĐVHD ngày một gia tăng. Trong khi Hà Nội vừa là đầu mối giao lưu trung chuyển vừa là tụ điểm buôn bán, tiêu thụ lớn ĐVHD. Trước những yêu cầu bức thiết góp phần thực hiện Công ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên, ngày 13/6/1996, UBND TP Hà Nội ra Quyết định số 2031/QĐ-UB về việc thành lập Trung tâm cứu hộ ĐVHD và Kỹ thuật bảo vệ rừng.
Ban đầu, Trung tâm có nhiệm vụ tiếp nhận ĐVHD do các cơ quan chức năng bắt giữ, tịch thu do săn bắt, buôn bán, vận chuyển trái phép để tổ chức cứu hộ, thả về môi trường tự nhiên và thực hiện công tác kỹ thuật bảo vệ rừng. Sau hai lần thay đổi, tổ chức lại, ngày 28/6/2013, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 4018/QĐ – UBND và Trung tâm có chức năng, nhiệm vụ như hiện nay.
Dự án mở rộng Trung tâm với diện tích 12ha đã được UBND TP phê duyệt chủ trương, song việc triển khai quá chậm. Chủ trương này cũng đã được HĐND TP thông qua tại Nghị quyết số 06/2014/NQ-HĐND ngày 11/7/2014 về Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học TP Hà Nội đến năm 2030.

Giám đốc Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội Ngô Bá Oanh
Khi thành lập, Trung tâm có 7 cán bộ, nhân viên, chưa có trụ sở làm việc và chuồng trại cứu hộ ĐVHD. Với nhiệm vụ được giao hoàn toàn mới, không được đào tạo chuyên môn cho công tác cứu hộ, cơ sở vật chất thiếu thốn là một thách thức lớn. Song, với tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực không ngừng của tập thể cán bộ, nhân viên Trung tâm các thời kỳ, cùng với sự quan tâm giúp đỡ của các bộ, ngành T.Ư, các cấp chính quyền TP Hà Nội, Trung tâm từng bước đi vào hoạt động ổn định. Đến năm 2009, Trung tâm đã được đầu tư xây dựng về cơ sở vật chất tương đối hoàn thiện trên diện tích 1ha. Trung tâm đã có hệ thống nhà làm việc, nhà nghiệp vụ với tổng diện tích xây dựng 888m2. Một hệ thống chuồng trại nuôi nhốt động vật 1.876m2 cùng với hệ thống tường rào, đường nội bộ cũng như những phương tiện khác đảm bảo phục vụ công tác cứu hộ ĐVHD.

Cứu hộ hàng nghìn cá thể

Hiện, Trung tâm có 24 cán bộ, nhân viên với 3 phòng chuyên môn đảm nhận khối lượng công việc lớn. Tính đến hết năm 2017, Trung tâm đã tiếp nhận, cứu hộ hơn 1.000 vụ ĐVHD với trên 100 loài từ các cơ quan chức năng của TP như Kiểm lâm, Công an, Quản lý thị trường, Hải quan và các tỉnh, thành khác trên cả nước. Trong đó có nhiều loài ĐVHD quý hiếm thuộc nhóm IB, IIB. Sau cứu hộ, Trung tâm đã phối hợp tổ chức thả về môi trường tự nhiên tại các Vườn quốc gia, các Khu rừng đặc dụng và chuyển giao cho các Vườn thú, các cơ quan khoa học phục vụ nghiên cứu, tham quan, học tập giáo dục cộng đồng về bảo vệ ĐVHD.

Bên cạnh đó, Trung tâm còn làm tốt nhiệm vụ bảo tồn và nhân nuôi sinh sản ĐVHD. Đặc biệt là tạo đột phá trong nhân nuôi sinh sản ĐVHD nói chung và loài Hổ nói riêng. Trong 3 năm (2010 – 2013), Trung tâm đã nhân nuôi sinh sản thành công 19 cá thể Hổ, 1 cá thể Vượn đen má trắng và 10 cá thể Khỉ đuôi dài.

Theo Giám đốc Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội Ngô Bá Oanh, trong quá trình hoạt động cứu hộ, Trung tâm gặp không ít khó khăn bởi số ĐVHD đang cứu hộ, bảo tồn tại Trung tâm thường xuyên quá tải so với cơ sở vật chất hiện có của đơn vị. Bên cạnh đó, các văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu đồng nhất và việc xử lý của các cơ quan thừa hành pháp luật còn chậm trễ. Đáng nói, diện tích mặt bằng của Trung tâm hiện nay quá chật hẹp nên mới chỉ đáp ứng được nuôi nhốt, cứu hộ mà chưa có diện tích xây dựng chuồng trại bán hoang dã cho các cá thể trước khi thả về môi trường tự nhiên.