Nỗ lực làm hài lòng người bệnh

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện Chương trình 08-CT/TU của Thành ủy về đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), với phương châm xuyên suốt “lấy người bệnh làm trung tâm”

Ngành y tế Hà Nội đã và đang tích cực bớt dần sự phàn nàn từ phía người bệnh và người nhà, cũng một phần quan trọng nhờ nỗ lực rà soát, đơn giản tối đa các thủ tục hành chính (TTHC).
Không có đơn thư về thủ tục hành chính
Thời gian gần đây, Sở Y tế thường xuyên rà soát các TTHC, kiến nghị UBND TP và Bộ Y tế sửa đổi những quy định chưa hợp lý. Đáng chú ý cuối tháng 7/2016, Sở đã đối thoại với nhiều tổ chức, cá nhân về TTHC và kiến nghị Bộ Y tế sửa đổi 3 quy định về TTHC trong khám chữa bệnh, dược - mỹ phẩm. Đến nay, đã giảm 50% thời gian cấp chứng chỉ hành nghề, cấp giấy phép hoạt động cho cơ sở khám chữa bệnh. Tại bộ phận một cửa của Sở và các đơn vị được ủy quyền giải quyết TTHC, kết quả cho thấy không có hồ sơ bị giải quyết quá hạn, Sở cũng không nhận được đơn thư của công dân liên quan đến TTHC.

Làm thủ tục hành chính tại Bệnh viện Tim Hà Nội. Ảnh:  Hải Linh

Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho biết: Với 10.000 giường bệnh kế hoạch, hàng năm khám chữa bệnh cho trên 5 triệu lượt và điều trị nội trú cho 600.000 người bệnh, ngành y tế đang tích cực triển khai chương trình của Bộ Y tế “nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh vì mục tiêu đáp ứng sự hài lòng của người bệnh”. Ngành đã hoàn thiện quy trình khám bệnh liên hoàn - một chiều và quy trình tiếp đón, phát số khám tự động cho người bệnh, bố trí các điểm thu viện phí thuận lợi, thêm cửa làm thủ tục, cửa cho đối tượng ưu tiên… Một số bệnh viện (BV) tuyến TP đã cho đăng ký khám bệnh qua website, điện thoại, như: Đa khoa Đức Giang, Đa khoa Đống Đa, Tim Hà Nội… Thời gian khám trung bình tại các BV đã giảm đáng kể so với 2 năm trước: Khám lâm sàng 50 phút (giảm 25 phút), khám lâm sàng - xét nghiệm 92 phút (giảm 12 phút), khám lâm sàng - xét nghiệm - chẩn đoán hình ảnh 118 phút (giảm 16 phút)...
Điển hình, BV Đa khoa Đức Giang thành lập tổ thanh tra gồm 5 người, có phòng tiếp dân, có 32 hòm thư góp ý treo tại các khu vực, được mở hàng tuần. Tại BV Đa khoa huyện Hoài Đức, bệnh nhân mắc bệnh mãn tính được quản lý trên mạng với mã số riêng, giúp tra cứu kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh từ những lần khám trước chỉ mất 1 phút, thay vì phải chờ đợi rút hồ sơ mất 30 phút như trước, giúp hạn chế tình trạng “ăn đợi nằm chờ” cho bệnh nhân và người nhà.
Chú trọng nâng chất lượng phục vụ
Lãnh đạo Sở Y tế thừa nhận, công tác CCHC được ngành tiến hành nhiều năm và bước đầu đạt kết quả khả quan, song nhiều đơn vị cần sớm khắc phục hạn chế trong hoạt động tuyên truyền CCHC, bởi chưa được tiến hành thường xuyên, kiểm tra đôn đốc chưa quyết liệt; dù CCHC bao trùm các lĩnh vực song tổ chức thực hiện còn dàn trải. Đặc biệt, “nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân” đã được Sở chọn là khâu đột phá, nhưng thực tế các đơn vị tiến hành chưa đồng đều, trang thiết bị thiếu thống nhất, bảng biểu hướng dẫn thiếu đồng bộ… Công tác đào tạo cán bộ, nhất là cán bộ tin học trình độ cao phục vụ quản lý cũng chưa đáp ứng nhu cầu; đặc biệt, BV đa khoa, trung tâm y tế tại các huyện phía Tây chưa thu hút được nhân lực chất lượng cao…
Để nâng cao hiệu quả CCHC, tăng chất lượng phục vụ bệnh nhân, lãnh đạo Sở Y tế cũng kiến nghị TP đẩy mạnh tổ chức cho các đơn vị trao đổi kinh nghiệm CCHC, trong đó chú trọng cho cán bộ làm công tác kiểm soát TTHC giữa các sở, ngành trên địa bàn học tập lẫn nhau và học tập các tỉnh, TP khác. Giám đốc BV Đa khoa Đức Giang Nguyễn Thái Sơn còn đề nghị, Bộ Y tế và TP tạo điều kiện thông thoáng cho các BV thu hút nhân lực chất lượng cao và triển khai xã hội hóa về nguồn vốn, cơ chế thanh toán. Đồng thời sớm hoàn thiện quy trình đấu thầu tập trung để cung ứng thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế… nhằm kịp thời phục vụ bệnh nhân.