Nỗ lực mới của ông Trump

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Trump ngày 31/3 đã có bước đi mới trong việc tái định hình chính sách thương mại của Mỹ với việc ký 2 sắc lệnh hành pháp, song những nỗ lực trên đã ngay lập tức vướng phải sự chỉ trích từ nhiều nước.

 Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump ký hai sắc lệnh thương mại mới.

Như vậy, sau 2 sắc lệnh về vấn đề nhập cư đang “mắc kẹt” tại tòa án, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký thêm 2 sắc lệnh hành pháp, nhằm đối phó với các vụ lạm dụng thương mại của nước ngoài mà ông Trump cho là đã khiến nước này thâm hụt hàng trăm tỷ USD mỗi năm. Trong khi, sắc lệnh thứ nhất chủ yếu mang tính biểu tượng, yêu cầu các quan chức chỉ ra những “kẻ gian lận” khiến cho Mỹ chịu thâm hụt gần 50 tỷ USD/tháng, sắc lệnh thứ 2 siết chặt luật chống bán phá giá nhằm ngăn chặn các nhà sản xuất nước ngoài cạnh tranh với công ty Mỹ thông qua việc bán hàng hóa giá rẻ.

Phản ứng trước 2 sắc lệnh trên, chính quyền Bắc Kinh đã kêu gọi Washington tôn trọng các quy tắc thương mại quốc tế, cũng như cải thiện hợp tác và đối thoại. Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Đức Brigitte Zypries cho rằng, các sắc lệnh mới cho thấy, Mỹ muốn rời khỏi các thoả thuận thương mại và từ bỏ tự do thương mại. Việc ký hai sắc lệnh diễn ra một tuần trước khi ông chủ Nhà Trắng có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Mỹ từ ngày 6 - 7/4  được ông Trump dự báo sẽ “rất khó khăn”.

Tuyên bố của ông Trump đánh dấu sự mở màn cho cuộc đối đầu giữa Mỹ - Trung bởi, thương mại đang là “hòn đá tảng” trong quan hệ song phương khi Washington thường cáo buộc Bắc Kinh kìm giá Nhân dân tệ để “hưởng lợi không công bằng”. Trong quá trình tranh cử, Tổng thống Trump cũng liên tục chỉ trích chính sách kinh tế của Bắc Kinh. Ông cũng đe dọa đánh thuế 45% lên hàng nhập khẩu Trung Quốc. Giới chuyên gia nhận định cuộc gặp đầu tiên giữa nhà lãnh đạo hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ định hình mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington trong tương lai nhưng 2 sắc lệnh này có thể coi là lời cảnh báo của ông Trump với Chủ tịch Tập Caanjh Bình về một giai đoạn trắc trở sắp tới. 

Hai sắc lệnh vừa được ký đánh dấu nỗ lực mới nhất của vị tỷ phú New York trong việc hiện thực hóa cam kết tranh cử khi lên án các nước khác đang lợi dụng chính sách thương mại của Mỹ. Theo đó, bằng cách hạn chế nhập khẩu thông qua đạo luật thuế mới, xuất khẩu ròng và GDP sẽ tăng. Ngoài các tác động tích cực đối với việc làm, giảm cạnh tranh từ nhập khẩu sẽ có nghĩa là doanh thu cao hơn cho các công ty của Mỹ, thúc đẩy thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, hiện giải pháp cắt giảm thuế của tân Tổng thống Mỹ là chưa rõ ràng, do vậy giới đầu tư vẫn tỏ ra lo ngại, các biện pháp hạn chế thương mại mới của Mỹ có thể bị đáp trả bởi những hành động “trả đũa” từ đối tác thương mại. Mức thuế cao hơn có thể hạn chế nỗ lực mở rộng thị phần của Apple ở Đức, hoặc câu chuyện bán máy bay Boeing sang Trung Quốc.

Bên cạnh đó, việc tăng các rào cản thương mại và giảm nhập khẩu sẽ hạn chế các lựa chọn cho người tiêu dùng Mỹ và làm cho giá cả trong nước tăng nhanh hơn. Như vậy, triển vọng lạm phát nhanh hơn sẽ buộc Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất - đây được coi là một tác động tiêu cực đối với thị trường chứng khoán.