Nỗ lực thoát “vòng xoáy tiêu cực”, EU tìm kiếm chiến lược mới với Nga

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 23/6, Đại sứ Pháp và Đức đã đề xuất với những người đồng cấp các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) về ý tưởng tổ chức họp thượng đỉnh với Nga, nhằm cài đặt lại mối quan hệ với Moscow.

Tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra ngày 24 - 25/6, lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu (EU) sẽ xem xét kế hoạch tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin, như một phần trong chiến lược mới nhằm cải thiện mối quan hệ đang trong “vòng xoáy tiêu cực” với Moscow.
Ông Josep Borrell - Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU (bên trái) và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: IANS
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel ngày 23/6 cho biết, chương trình nghị sự tại Thượng đỉnh EU cuối cùng trước khi nghỉ Hè bao gồm chiến lược phân phối vaccine, chính sách nhập cư, các biện pháp phục hồi kinh tế hậu đại dịch, cùng các chủ đề đối ngoại quan trọng khác liên quan đến Thổ Nhĩ Kỹ, Nga, Lybia, Belarus.
Tuy nhiên, trọng tâm của hội nghị thượng đỉnh EU lần này sẽ là các thảo luận về chiến lược mới của khối trong quan hệ với Nga. Trước đó, tại cuộc họp báo hồi tuần trước, ông Josep Borrell - Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU, đã cảnh báo các nước EU cần chuẩn bị cho các khó khăn mới trong quan hệ với Nga, bởi quan hệ giữa hai bên đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
Theo ông Borrell, hai bên cần đưa ra chiến lược mới nhằm cải thiện mối quan hệ song phương khi Nga vẫn là nước láng giềng lớn nhất của EU và có tiếng nói quan trọng trên chính trường quốc tế.
Tuy nhiên, Reuters đưa tin, trong cuộc họp trù bị của Đại sứ các nước EU ngày 23/6, hai nước Đức và Pháp bất ngờ đưa ra các đề xuất mới về Nga. Theo đó, EU cần duy trì một quan hệ đối thoại chặt chẽ hơn với Nga. Đại sứ Pháp và Đức đã đề xuất tổ chức một hội nghị thượng đỉnh của EU với Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm cài đặt lại mối quan hệ giữa Moscow với Brussels, cũng như kiềm chế sự đối đầu ở phía Đông.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng EU nên duy trì đối thoại với Moscow bất chấp những khác biệt lớn về các vấn đề an ninh, xung đột ở Ukraine và Syria. Trong cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Berlin hôm 18/6 vừa qua, Thủ tướng Merkel cũng nhấn mạnh rằng EU có lợi ích lớn trong việc duy trì đối thoại với Nga nếu như muốn đảm bảo an ninh và ổn định nội khối. Theo nhà lãnh đạo Đức, hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin hôm 16/6 vừa qua đã mở ra cánh cửa đối thoại mà EU cũng nên thực hiện với Moscow.
Thậm chí, Ukraine - quốc gia có quan điểm cảnh giác với Nga cũng bày tỏ sự ủng hộ với đề xuất này. "Chúng ta không thể cô lập Nga, chúng ta nên kêu gọi ngừng các hành động khiêu khích", Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói với Reuters hôm 23/6, đồng thời lên tiếng ủng hộ những nỗ lực của EU trong việc đưa ra một cách tiếp cận mới với Nga.
Nếu ý tưởng trên thành hiện thực thì đó sẽ là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa EU và Nga kể từ khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, tiếp sau hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Putin hôm 16/6 tại Geneva.
Nhận định về triển vọng cải thiện quan hệ EU - Nga, ông Vladimir Chizhov - Đại sứ Nga tại EU, nói rằng các nước EU nên "thống nhất hành động và xác định những gì họ thực sự muốn từ mối quan hệ với Nga". Theo Đại sứ Chizhov, để sớm hạ nhiệt mối quan hệ căng thẳng hiện tại, EU và Nga nên đẩy mạnh hợp tác đối với các lĩnh vực có chung lợi ích, như vấn đề biến đổi khí hậu, số hóa, năng lượng và cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.