Nở rộ dịch vụ cho thuê xe đạp tại Hồ Tây

Đoàn Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nắm bắt nhu cầu người dân đạp xe quanh Hồ Tây tăng cao, dịch vụ cho thuê xe đạp ở các tuyến đường ven Hồ Tây đang “nở rộ”, nhiều chủ cửa hàng thu cả triệu đồng mỗi ngày.

Trào lưu đạp xe quanh Hồ Tây

Nhiều năm trở lại đây, Hồ Tây dường như đã trở thành địa điểm thư giãn của nhiều người bởi khung cảnh hữu tình, không khí trong lành cùng  nhiều hoạt động thú vị như: chèo thuyền SUP, đạp xe, chụp ảnh check-in… Những hoạt động vừa nâng cao sức khoẻ, vừa thân thiện với môi trường này đang  thu hút rất nhiều bạn trẻ. Đắt khách nhất phải kể đến dịch vụ cho thuê xe đạp.

Chỉ với 30.000 đồng/lượt, du khách đã có thể thoải mái trải nghiệm du lịch vòng quanh Hồ Tây. Ảnh: Thảo Nguyên
Chỉ với 30.000 đồng/lượt, du khách đã có thể thoải mái trải nghiệm du lịch vòng quanh Hồ Tây. Ảnh: Thảo Nguyên

Thường xuyên sử dụng dịch vụ cho thuê xe đạp ở Hồ Tây, chị Nguyễn Thu Hà (30 tuổi, Nam Từ Liêm) cho biết, vào những ngày cuối tuần rảnh rỗi chị Hà thường rủ bạn bè hoặc đi xe máy một mình đến Hồ Tây thuê xe đạp.

“Trước đây, tôi chỉ hay đạp xe cố định trong phòng tập gym, nhưng kể từ khi biết đến dịch vụ cho thuê xe đạp ở Hồ Tây thì việc đạp xe của tôi đã bớt nhàm chán hơn rất nhiều. Tôi có thể vừa tập thể dục, vừa ngắm cảnh và hít thở không khí trong lành. Đạp xe quanh Hồ Tây trở thành thói quen giúp tôi thư giãn sau một tuần làm việc vất vả” chị Hà chia sẻ.

Duy trì thói quen dậy sớm đi đạp xe, chú Hoàng Anh Đức (50 tuổi, Tây Hồ) chia sẻ: “Tôi thường xuyên lên Hồ Tây đạp xe cùng vợ vào cuối tuần, việc này vừa rèn luyện thể thao nâng cao sức khoẻ, vừa đem đến nhiều năng lượng giúp tinh thần phấn chấn, thoải mái đầu óc”.

Trào lưu đạp xe quanh Hồ Tây thu hút mọi lứa tuổi. Ảnh: Thảo Nguyên
Trào lưu đạp xe quanh Hồ Tây thu hút mọi lứa tuổi. Ảnh: Thảo Nguyên

Một du khách người Đức cũng cho biết: “Thường thì du khách nước ngoài sang Việt Nam sẽ di chuyển bằng xích lô hoặc taxi, nhưng vợ chồng tôi lại chọn cách đạp xe để có thể ngắm phố phường Hà Nội một cách thư thái nhất”

Không giống những bộ môn thể thao khác, đạp xe phù hợp với mọi lứa tuổi khác nhau. Từ trẻ em, thanh niên đến dân văn phòng hay những người cao tuổi cũng đều tìm cho mình được niềm vui từ đạp xe rèn luyện sức khỏe. Giờ đây, không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc xe đạp đủ màu sắc và kích cỡ chạy thong dong trên dọc tuyến phố quanh Hồ Tây.

Dịch vụ thuê xe hút khách

Theo khảo sát của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, dọc các tuyến phố ven Hồ Tây như Trích sài, Nguyễn Đình Thi... đã thu hút lượng lớn khách khi xuất hiện nhiều cửa hàng dịch vụ cho thuê xe. Hiện nay, mức giá cho thuê xe dao động từ 30.000 - 40.000 đồng/xe/3 giờ (tuỳ loại xe), xe đạp đôi 80.000 – 120.000 đồng/xe/3 giờ. Với những cửa hàng có số lượng xe thuê lớn, số lượng khách mỗi ngày có thể lên đến hàng trăm lượt, doanh thu gần chục triệu đồng mỗi ngày.

Ngoài ra, nhiều cửa hàng còn áp dụng thêm chương trình khuyến mãi nhằm thu hút khách tới thuê như: tặng nước lọc, chuẩn bị bọc yên xe, chiết khấu giá khi thuê nhiều xe...

Một số cửa hàng tại phố Trích Sài áp dụng khuyến mãi tặng nước cho khách thuê xe. Ảnh: Thảo Nguyên
Một số cửa hàng tại phố Trích Sài áp dụng khuyến mãi tặng nước cho khách thuê xe. Ảnh: Thảo Nguyên

Nắm bắt được xu hướng đạp xe cuối tuần quanh Hồ Tây tăng cao, chủ cửa hàng cho thuê xe đạp tại phố Trích Sài, anh Văn Nhất (35 tuổi) chi  vốn đầu tư hơn 200 chiếc xe đạp với nhiều chủng loại khác nhau.

“Thường khách sẽ thuê xe lúc sáng sớm hoặc chiều muộn khoảng sau giờ tan tầm. Nhưng riêng cuối tuần thì giờ nào cũng có khách thuê nên hết xe nhanh lắm, khách đến chỗ tôi còn phải ngồi đợi mới có xe để thuê”, anh cho biết thêm.

Trung bình mỗi ngày, cửa hàng anh Nhất cho thuê được khoảng 80 - 100 lượt xe, những ngày mát trời, cửa hàng cho thuê lên đến hơn 200 lượt xe/ngày. 

Dịch vụ cho thuê xe đạp ở Hồ Tây có thể đem lại doanh thu lên tới vài triệu đồng/ngày. Ảnh: Thảo Nguyên
Dịch vụ cho thuê xe đạp ở Hồ Tây có thể đem lại doanh thu lên tới vài triệu đồng/ngày. Ảnh: Thảo Nguyên

Tất bật sửa soạn xe từ 5 giờ sáng cho khách, anh Đỗ Văn Cương (45 tuổi), chủ một cửa hàng cho thuê xe đạp trên phố Nguyễn Đình Thi không giấu được niềm vui khi lượng khách thuê xe tăng gấp đôi so với tháng trước.

“Bây giờ vào thu rồi, thời tiết dịu mát, dễ chịu hơn nên khách tới thuê xe cũng đông hơn đợt hè nhiều. Từ ngày mở dịch vụ cho thuê xe đạp, gia đình tôi đã có nguồn thu nhập đáng kể. Trung bình mỗi ngày sẽ rơi vào khoảng 1-2 triệu đồng, còn những ngày cuối tuần hay dịp lễ thì tôi thu về được 4-5 triệu đồng.”

Để đảm bảo an toàn cũng như chất lượng và đáp ứng nhu cầu cho khách hàng, trước khi bàn giao xe, các chủ cửa hàng đều kiểm tra kỹ lưỡng các bộ phận phanh, xích, bàn đạp. Đồng thời, sau chuyến đi của khách, cửa hàng đều phải kiểm tra từng bộ phận, tu sửa, bảo dưỡng lại mượt mà, trơn tru nhất.

Bên cạnh đó, nhiều chủ cửa hàng còn dán tờ giấy note số điện thoại vào tay lái phòng trường hợp xe gặp vấn đề như hỏng hóc, đứt xích, thủng xăm hay một số lỗi hy hữu khác thì có thể gọi vào số trên để kịp thời cứu trợ.

Thông thường, khách đến thuê xe phải để lại giấy tờ tuỳ thân hoặc gửi xe tại quán để làm tài sản đảm bảo, sau khi trả xe chủ cửa hàng sẽ gửi lại những vật dụng này.

Xe đạp công cộng tại điểm trạm Thuỵ Khuê. Ảnh: Thảo Nguyên
Xe đạp công cộng tại điểm trạm Thuỵ Khuê. Ảnh: Thảo Nguyên

Ngoài dịch vụ cho thuê xe đạp tại Hồ Tây, mới đây xe đạp công cộng tại Hà Nội đã chính thức đi vào hoạt động, thu hút nhiều người dân tới trải nghiệm.

Theo đó, dự kiến thực hiện thí điểm trong vòng 18 tháng, mức phí được đưa ra để người dân có thể sử dụng xe đạp khoảng 5.000 đồng/30 phút; đối với xe đạp điện là 10.000 đồng/30 phút; phí thuê xe cả ngày với hai loại xe lần lượt 60.000 đồng và 120.000 đồng.

Người dân có thể tải ứng dụng cho thuê xe đạp công cộng, nạp tiền trước vào tài khoản để trả thuê. Ngay cả khi đang sử dụng mà không còn đủ tiền trong tài khoản để trừ theo thời gian thực, người dân vẫn có thể sử dụng tiếp và trả bù vào lần sau.