Nói bỏ viên chức là không đúng!

Thủy Trúc (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trao đổi với Kinh tế & Đô thị về việc Bộ GD&ĐT đề xuất thí điểm bỏ công chức, viên chức chuyển sang hợp đồng lao động, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Như Lợi cho rằng làm như vậy là sai. Bộ GD&ĐT chỉ cần thực hiện theo đúng Luật Viên chức là đủ.

Viên chức không phải là làm việc suốt đời

Thưa ông, mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đưa ra dự kiến sẽ thực hiện thí điểm bỏ công chức, viên chức giáo viên để chuyển sang hợp đồng. Quan điểm của ông về việc này thế nào?

- Ai cũng phải sống và làm việc theo pháp luật. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khi bàn về chuyện này, đầu tiên phải thuộc luật và hiểu luật. Luật Viên chức năm 2010 mọi người đang thực hiện không quy định công chức trong các trường công lập ngành giáo dục mà chỉ có viên chức. Điều 2 của Luật Viên chức nêu rõ, viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị công lập theo chế độ hợp đồng làm việc. Viên chức quản lý là người được bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý có thời hạn, thực hiện một số công việc của đơn vị sự nghiệp công lập, nhưng không phải là công chức.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nói không có công chức, viên chức là trái luật. Bởi theo Luật Viên chức là phải có viên chức. Nhưng, viên chức không phải là biên chế cứng, tuyển dụng vào là làm việc suốt đời. Viên chức phải đảm bảo thực hiện công việc, nhiệm vụ có yêu cầu về trình độ, năng lực, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật hiện hành và các văn bản khác liên quan. Luật Viên chức yêu cầu ký hợp đồng làm việc có mẫu giống hợp đồng lao động trong DN, có “vào vào, ra ra”, chứ có quy định biên chế cứng đâu.

Điều này có nghĩa, theo Luật Viên chức, mọi người đều phải ký hợp đồng làm việc, khi anh thực hiện công việc không đạt yêu cầu sẽ bị dừng?

- Theo nguyên tắc của Luật Viên chức có hợp đồng xác định thời hạn và không thời hạn. Những người đã ký hợp đồng không thời hạn, nếu không đảm bảo chất lượng công việc thì bị dừng bất kỳ lúc nào. Điều này cho thấy, không thời hạn không có nghĩa là anh biên chế suốt đời. Nhưng ở ta nói vậy, đã vào rồi thì ra khó. Tôi nghĩ, giáo viên giỏi họ không quan trọng hợp đồng vô thời hạn, chỉ người không năng lực mới cần. Trong Luật Viên chức có một chương về Hợp đồng làm việc quy định rõ tất cả người lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập đều phải thực hiện ký hợp đồng làm việc, trừ hội đồng quản lý. Luật này cũng nêu rõ mẫu hợp đồng, nội dung, hình thức, trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Hạch toán kinh tế để bảo đảm chất lượng

Ông có thể nói rõ hơn việc hạch toán kinh tế đối với đơn vị sự nghiệp công ngành GD&ĐT?

- Chuyện chi cho các đơn vị sự nghiệp phục vụ cho hoạt động công cộng, mang tính chất phúc lợi xã hội thì phải có ngân sách. Hiện nay, ngân sách ngày càng lớn cả về phía Nhà nước cấp và người hưởng thụ. Mọi người đi chữa bệnh, cho dù đã có bảo hiểm y tế vẫn phải trả thêm tiền; đi học, trừ giáo dục phổ cập, cũng phải đóng tiền học phí, ăn, ở và mọi thứ. Ai có được học bổng thì lấy phần đó bù trừ.

Bây giờ vấn đề đặt ra ở chỗ mỗi đồng chi ngân sách có đạt được mục đích yêu cầu của mình không, chất lượng ra sao, ai là người đánh giá được hiệu quả của nó? Mình phải cải cách vấn đề một cách tổng thể, tức là tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập phải được quản lý thế nào, chứ không phải chi tiết con người trong bộ máy đó ra sao. Các đơn vị phải chuyển sang hạch toán kinh tế, chứ không phải hạch toán kinh doanh. Hạch toán kinh tế là đánh giá hiệu quả kinh tế đáp ứng được nhiệm vụ yêu cầu hay không và đương nhiên là không thu thuế.

Hạch toán kinh tế trong GD&ĐT được tính thế nào?

- Hạch toán kinh tế khác với hạch toán kinh doanh. Hạch toán kinh doanh là tính lời lãi. Còn muốn hạch toán kinh tế, mình phải tính được chi phí đảm bảo cho một hoạt động. Ví dụ, để đảm bảo nuôi dạy và chăm lo cho các cháu ở tuổi mẫu giáo thì một bé dù ở TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Lào Cai, Yên Bái, Tây Nguyên, miền Đông, miền Tây Nam Bộ phải được đối xử như nhau bằng tiền ngân sách, với khả năng của nền kinh tế. Các cháu cần phải có nhà trẻ, cơ sở vật chất, trang thiết bị,… Có nghĩa, tất cả những yếu tố đảm bảo cho một cháu, trong đó có cả chi cho người nuôi dạy - chính là đội ngũ viên chức. Như vậy, viên chức chỉ là một yếu tố, ai làm được thì giữ lại, không đáp ứng yêu cầu sẽ bị ra để người khác làm.

Nhưng tôi băn khoăn, liệu mình có làm được điều đó hay không. Hiện nay đây là sự bất cập nhất khi miền núi, vùng xa xôi chẳng có gì, bao nhiêu thứ chảy hết vào TP, đô thị từ đường xá đi lại đến văn hóa tinh thần. Nếu mình làm được, lập tức sẽ khác. Mình tính chi phí cho một viên chức nuôi dạy trẻ hay giáo viên cấp 1, 2, 3, cao đẳng, đại học ứng với bao nhiêu tiền. Cùng với đó là tính đủ toàn bộ chi phí trong mỗi cấp học để hình thành cơ sở hạch toán kinh tế. Ví dụ, trường học có 1.000 học sinh, mức chi cho học phí 10 triệu đồng/người/năm. Nếu các em thuộc diện được Nhà nước cấp ngân sách, 1.000 người x 10 triệu đồng sẽ ra tổng số tiền đầu tư.

Để kiểm soát, trong mỗi nhà trường sẽ thành lập hội đồng quản lý đại diện cho những người hưởng thụ, giáo viên, chính quyền địa phương sẽ đánh giá lại toàn bộ việc thực hiện. Qua đây, cũng đánh giá được chất lượng viên chức, đó mới là sự thay đổi.

Khi chúng ta thực hiện trong mặt bằng chuẩn, tôi nghĩ, đất nước Việt Nam không nên kinh doanh trên người học và người bệnh. Người nào muốn đòi hỏi cao hơn, Nhà nước, tổ chức đáp ứng và thu tiền nhiều hơn. Khi đó, bắt đầu mang tính chất kinh doanh để con em người ta không phải ra nước ngoài học, dẫn đến chảy máu tiền tệ.

Thực hiện Luật Viên chức là đủ

Hiện, ngân sách dành cho giáo dục tới 20%, nếu chi cho hoạt động giáo dục để đạt chuẩn e rằng khó đảm bảo. Vì phần lớn trong số này được các trường sử dụng vào chi thường xuyên, trong đó có trả lương cho giáo viên?

- Thế hỏi, họ thu học phí hàng năm có lớn hơn ngân sách không?

Nhưng học phí phổ thông không cao?

- Họ có bao giờ tổng kết lại đâu. Vấn đề là sử dụng đến đâu. Nhà trường làm dịch vụ không ít, chẳng hạn như sân trường rộng cho gửi xe, tổ chức sự kiện nhưng tiền thu được chui vào túi cán bộ, quản lý (Tất nhiên, trường ở miền núi không có ai thuê sân để làm gì). Với cách tổ chức thế này, người ở TP sướng nên họ muốn trụ lại để hưởng đủ hết phúc lợi xã hội.

Khi chúng ta thực hiện hạch toán kinh tế, cứ để cho người hưởng thụ cùng với phường, xã – nơi nhà trường nằm trên địa bàn kiểm soát. Cùng với đó, hội đồng phụ huynh cử ra những người soát xét về tài chính, cộng với quản lý của nhà trường, hàng năm có báo cáo và công bố công khai, sau đó quyết toán.

Như vậy, Bộ GD&ĐT chỉ cần thực hiện theo đúng Luật Viên chức là đủ, thưa ông?

- Tôi nghĩ là phải thực hiện theo đúng luật, đánh giá lại hết những vị trí không đảm bảo. Cùng với đó, như tôi đã nói là phải tính chuyển sang hạch toán kinh tế để xác định đâu là phần ngân sách Nhà nước lo. Đương nhiên, trong việc này cũng phải gắn liền trách nhiệm của người quản lý. Ví dụ, một ca mổ tim có giá 7 triệu đồng, mỗi ngày một bệnh viện thực hiện cho 10 người sẽ nhân với số tiền ngân sách hỗ trợ/ca. Với cách làm này, mọi người được đối xử, tôn trọng như nhau và đơn vị sự nghiệp công có doanh thu. Nếu đơn vị sự nghiệp làm tốt thì phát triển, ngược lại bị teo tóp. Lúc đó, số lượng viên chức tăng lên đồng nghĩa với khối lượng công việc được mở rộng.

Xin cảm ơn ông!

Sẽ thí điểm ở một số trường đại học

Giải thích về vấn đề chuyển viên chức giáo viên (GV) sang hợp đồng lao động, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, đây mới chỉ là ý tưởng đề xuất, khi Chính phủ đồng ý thì việc này mới thực hiện. Việc thực hiện là trách nhiệm của Bộ Nội vụ chứ không phải Bộ GD&ĐT. Bộ GD&ĐT chỉ đề xuất và phối hợp thực hiện, cộng với đó là nhiều chính sách hỗ trợ, nhằm hạn chế xáo trộn, ảnh hưởng lớn trong xã hội. Bộ GD&ĐT cũng ý thức được việc chuyển đổi này là vấn đề lớn, tác động đến hơn 1 triệu GV, do vậy sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu kỹ trước khi đề xuất xin chủ trương thí điểm triển khai. Trước mắt, sẽ nghiên cứu xây dựng đề án đề xuất thí điểm chuyển dần viên chức GV sang hợp đồng lao động đối với một số trường đại học và một số trường THPT có đủ điều kiện. Chưa xem xét thí điểm việc chuyển viên chức GV sang hợp đồng lao động đối với GV mầm non, tiểu học, THCS và những nơi chưa đảm bảo các điều kiện thí điểm triển khai, nhất là các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.