Câu lạc bộ ca trù Chanh Thôn:

Nơi giữ vẹn nguyên các bài ca trù cổ

Thanh Quy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến làng Chanh Thôn, huyện Phú Xuyên từ mỗi ngõ, xóm đều văng vẳng tiếng tom - chát và tiếng hát ngân nga vang - rền, rất nền - nẩy. Không được tập trung đông người để sinh hoạt CLB nhưng các nghệ nhân vẫn say mê với lời ca, tiếng hát, tiếng đàn ở tại nhà mình.

Niềm đam mê ca trù đã “ăn” vào máu thịt của họ, khiến trong mọi hoàn cảnh họ vẫn lạc quan, yêu đời, dùng lời ca, tiếng đàn đem lại niềm vui cho mọi người.

Xa xưa, ca trù Chanh Thôn đã nổi tiếng khắp nơi. Những nghệ nhân ca trù của làng đã đi nhiều nơi trên đất Bắc, nhất là những dịp hội hè, đình đám để biểu diễn cho mọi người xem. Khi ấy, Chanh Thôn đã phát triển thành một giáo phường với hơn 30 ca nương, gần 20 kép đàn. Có ca nương nổi tiếng đến nỗi thường xuyên được mời vào Huế cả tháng liền để biểu diễn trong cung đình, tương truyền đó là ca nương Nguyễn Thị Ước.

Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ ca trù Chanh Thôn.
Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ ca trù Chanh Thôn.

Thế rồi, do thời gian và những cuộc chiến tranh nên ca trù nơi đây đã dần mai một, sau chỉ còn hoạt động như một đội văn nghệ của địa phương. Nhiều điệu ca mang đặc trưng của ca trù Chanh Thôn đã mai một. Người nhớ lời, nhớ nhạc không còn nhiều, người do cao tuổi nên ca trù ngày càng vắng bóng trong đời sống Nhân dân.

Năm 2008, sau nhiều nỗ lực của những người yêu nghệ thuật, sự vào cuộc của các cấp chính quyền, của ngành VH&TT Hà Tây (cũ) và Sở VHTT Hà Nội, CLB ca trù Chanh Thôn đã được thành lập và chính thức đi vào hoạt động. Đến nay, CLB đã quy tụ được hơn 150 thành viên. Trong số này có nhiều nghệ nhân nổi tiếng như: Nguyễn Thị Khướu, Nguyễn Thị Vượn, Nguyễn Văn Vằng, Nguyễn Hồng Ngưu và người chủ nhiệm CLB rất nhiệt huyết là cô Nguyễn Thị Ngoan, nguyên giáo viên dạy văn đã về hưu. Hầu hết các thành viên của CLB đã cao tuổi, có người như Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Khướu đã 95 tuổi.

Trong CLB cũng tập hợp được nhiều cháu nhỏ chỉ từ 8 -10 tuổi, nhiều cháu rất có năng khiếu và rất chăm chỉ rèn luyện, đó là Thu Phương, Thu Hà, Kim Ngân, Khánh Ly. Các cháu đã luyện và hát được nhiều điệu ca trù khó như: Tỳ bà hành, Thiên Thai, Bắc phản, Hát nói, Thét nhạc, Hát mưỡu.

CLB ca trù Chanh Thôn hiện nay hoạt động theo cơ chế tự túc, tự nguyện, có quy chế hoạt động riêng và dưới sự giúp đỡ về chuyên môn của ngành VHTT huyện Phú Xuyên.

Sau hơn 10 năm chính thức đi vào hoạt động, CLB ca trù Chanh Thôn đã mở được 16 lớp học ca trù, truyền thụ được cho gần 200 học viên, ở nhiều độ tuổi khác nhau. Họ phần lớn là những nghệ sĩ nông dân yêu văn nghệ, những em học sinh phổ thông muốn nối tiếp nghệ thuật truyền thống của quê hương.

CLB còn nhận được sự giúp đỡ, cổ vũ về vật chất, tinh thần của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, của quỹ Ford Thụy Điển và nhiều tổ chức, cá nhân khác. Vui nhất, CLB đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận là địa chỉ Văn hóa dân gian để những người yêu văn hóa và những nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến nghiên cứu, tìm hiểu về nghệ thuật ca trù của địa phương.

CLB ca trù Chanh Thôn đã đi biểu diễn ở nhiều địa phương, tham gia nhiều cuộc thi và giành nhiều giải thưởng như: 4 Huy chương Vàng tại Liên hoan ca trù toàn quốc năm 2009, Huy chương Bạc năm 2014, năm 2017 giành 2 giải Đặc biệt, 1 giải A và 1 giải A2 tại Liên hoan nghệ thuật ca trù Hà Nội.

 

Ca trù Chanh Thôn khác những nơi khác là giữ được nguyên vẹn các bài ca trù cổ, cả về lời, giai điệu và cách biểu diễn. Tiêu biểu như các bài: Gặp Xuân, Hỏi phỗng đá, Hồng hồng tuyết tuyết. Ca trù Chanh Thôn khi biểu diễn thường có sự tham gia của ca nương, kép đàn và quan viên. Quan viên có thể là người thưởng thức đơn thuần, có thể là quan viên, có thể là tác giả bài hát.